Ngày còn nhỏ, nhà nội trong lòng tôi là một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng và tuyệt vời, tôi vẫn luôn cho rằng phong cảnh đẹp nhất trên thế giới này là nhà nội.
Ba tôi lấy mẹ từ năm 25 tuổi, sau khi kết hôn, ba đến quê ngoại tôi lập nghiệp, mỗi năm chỉ có thể trở về nhà nội tôi một lần vào dịp Tết.
Tôi vẫn nhớ khi còn bé, mỗi khi nghe mẹ nói vài tuần nữa mẹ sẽ dẫn tôi đi sắm Tết, tôi sẽ lôi hộp bút màu của mình ra và làm liền một tờ lịch mà tôi gọi đó là “lịch đếm ngược”. Mỗi ngày qua đi tôi sẽ gạch một số, khi các số đều đã được gạch, cũng là lúc tôi được về quê.
Tôi và chị Hai sẽ vui đến không thể ngủ được, và sau khi trở về nhà để bắt đầu cho học kỳ mới thì lúc nào cũng ngẩn ngơ hết mấy ngày.
“Chị Hai ơi, vào giờ này hôm qua, mình vẫn còn được ở quê nội”, tôi nói với chị như vậy lúc ngồi nhìn mẹ sắp xếp mớ trái cây cá khô lạp xưởng bánh trái mà nội nhất quyết bắt nhà tôi chở đi, khi đó luôn cảm thấy thời gian được ở nhà nội quá ít.
Nhưng đứa trẻ năm nào rồi cũng lớn, tôi nhận ra điều đó khi không còn hào hứng xếp quần áo, tôi nhận ra điều đó khi bắt đầu cảm thấy đường về nhà nội quá xa xôi và quá nhiều nắng. Thật ra con đường về nhà nội vẫn vậy thôi, có chăng là do tôi đã lớn, tôi đã bắt đầu có những niềm vui khác với những niềm vui thuở bé.
Chỉ là, tôi lớn lên, nhưng nội thì già đi.
Tôi nhận ra điều đó khi nắm lấy đôi tay nhiều nếp nhăn của nội vào Tết vừa rồi, khi thấy nội vẫn rưng rưng nước mắt mỗi khi đốt nhang trước bàn thờ bác Hai, khi ba nói với mẹ không biết anh còn được mấy lần về nhà vào dịp Tết mà vẫn còn má ở đó.
Ở vào độ tuổi này, mọi niềm vui nỗi buồn của những người mà chúng ta gọi là ông bà, có lẽ chỉ xoay quanh ở mỗi sự hạnh phúc bình an của chúng ta.
Về nhà nội vào dịp Tết, là dịp để tôi hiểu trọn vẹn chữ “tình thân”
Tình thân là một điều gì đó rất kỳ lạ. Tình thân khiến mấy đứa em của tôi - đứa nay đã ra trường, đứa nay đã lên cấp ba, vẫn sẵn sàng ngủ cùng tôi như những ngày còn bé, trên manh chiếu cũ, trên cái gối cũ có thêu hoa.
Mặc dù chúng tôi đã đi qua cái tuổi buổi chiều sẽ rủ nhau rình bắt chuồn chuồn đậu trên hàng hoa dâm bụt, và tuổi thơ thì đã biến thành một miền hồi ức không có cách nào để được lần nữa chạm vào.
Nhưng sự gắn bó được mang theo từ những ngày vẫn còn là trẻ con đó giúp chúng tôi dù có lớn hơn nữa thì vẫn nhận ra nhau, và có một mái nhà chung lạ kỳ mà dưới mái nhà đó, là những người bà mà chúng tôi đều gọi là “bà nội”.
Tình thân cũng khiến tôi đi từ đằng xa đã được nhận ra bởi bà Năm ông Tư, tôi có thể không nhớ tên họ, nhưng họ nhớ tên tôi, và họ cất giữ giùm tôi ký ức của chính tôi trong những ngày tôi còn nhỏ, ký ức của ba mẹ tôi vào những ngày mới gọi nhau hai tiếng vợ chồng.
Những câu chuyện về ba tôi chú tôi thời còn nằm nôi tập nói, những câu chuyện về ngày nội tôi còn trẻ và vùng đất này vẫn còn là những con đường đất đỏ, họ cất giữ tất cả để kể lại cho con cháu nghe trong những đêm gia đình quây quần bên ấm trà với mứt gừng tự sên và cho tôi hiểu thế nào là nguồn cội.
Như bất kỳ đứa trẻ thành thị nào, ngày đó luôn cảm thấy cánh đồng ở quê nội là bức tranh quê hương yên bình nhất, con sông Vàm Cỏ sau nhà bà cố là con sông rộng lớn nhất.
Sau này, khi đã lớn hơn, đi đủ nhiều và nhìn đủ kỹ, tôi mới bắt đầu nhận ra thì ra không phải chỉ ở mỗi quê nội mới có những cánh đồng bạt ngàn, thì ra triền đê ở quê nội chưa phải là triền đê đẹp nhất, và cũng không phải chỉ ở mỗi quê nội mới có con sông rộng lớn đầy hoa lục bình tím ngắt một chiều buông.
Tôi dễ dàng bắt gặp khung cảnh đó ở những nơi tôi từng đặt chân đến, nhưng tôi cũng hiểu ra khung cảnh ở quê nội vẫn là điều gì đó quá đỗi đặc biệt và thiêng liêng.
Nó đặc biệt vì đó là nơi ba tôi đã lớn lên, nó đặc biệt vì tôi biết trên đồng ruộng kia có mồ hôi của nội, vì triền đê đó con sông đó là tuổi thơ của em tôi, và cũng là tuổi thơ của chính tôi.
Thì ra đôi khi sự gắn bó của một người với một vùng đất không phải chỉ bởi vì cảnh vật, mà còn là vì ở vùng đất đó có dáng hình những người mà chúng ta yêu thương. Cảnh vật có thể thay đổi theo dòng chảy của thời gian, nhưng ký ức và sự gắn bó thì vẫn còn ở đó.
Đôi khi, người ta có thể xem nhiều hơn một nơi là nhà. Đôi khi, khung cảnh đó trở nên thân thương là vì trong khung cảnh đó, chúng ta đã từng tạo nên nhiều ký ức với người mà chúng ta yêu thương.
“Mẹ nè, năm sau mình về nhà nội sớm hơn để ở được lâu hơn nha”.
Cảm ơn 800 bạn đã gửi bài Về nhà
Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.
Cuộc thi Về nhà dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email [email protected].
Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.
Tính đến ngày 22-2, cuộc thi đã nhận được hơn 800 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận