Bà Hà Thị Hương, nguyên phó trưởng Ban tiếp công dân trung ương, động viên một người dân đi khiếu kiện - Ảnh T.L. |
Khó khăn trong việc thuyết phục dân trở về nhưng dân về ít ngày rồi lại khăn gói lên trung ương. Tại sao như vậy?
Về rồi lại ra
Những lúc bà Phạm Thị Hồng ở trụ sở tiếp dân thì luôn có hai cán bộ địa phương theo sát. Hằng ngày bà Hồng ngồi ở trụ sở thì cán bộ địa phương ngồi ở quán cà phê hoặc phòng bảo vệ. Họ được cử ra để vận động bà về nhưng bà cương quyết không chịu về.
“Có về địa phương thì mấy ổng đâu có chịu giải quyết nên tôi cương quyết ở đây” - bà Hồng kể.
Chị Phạm Thị Anh Kiều (quê Lâm Đồng) bảo lần đầu tiên được đi máy bay là cùng về với cán bộ của UBND tỉnh Lâm Đồng. Bị thu hồi đất nhưng sau đó không được mua lại các lô đất theo chủ trương của địa phương, Kiều vừa tốt nghiệp Đại học Đà Lạt đã cất bút sách vào túi đi khiếu kiện thay ba.
Năm 2013, Trụ sở tiếp công dân trung ương đã mời chính quyền địa phương ra đối thoại trực tiếp với Kiều. Kiều trình bày nguyện vọng được mua lại bốn lô đất theo chính sách dành cho gia đình khó khăn. Đại diện địa phương đồng ý. Sau đó, cán bộ địa phương mua vé máy bay để Kiều về quê cùng đoàn công tác.
“Đi về cùng, các anh chị ấy hỏi han. Biết tôi vừa tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm, các anh còn tỏ ra thông cảm và hứa sẽ nhận tôi vào làm theo chuyên môn được học. Tôi nghe cũng mừng thầm trong lòng. Nhưng về quê chẳng thấy địa phương giải quyết, tôi lại ra đây đợi bốn tháng rồi” - Kiều kể.
Với các tỉnh ở gần TP Hà Nội, người dân thường thuê xe đi theo đoàn đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước để khiếu kiện. Có khi người dân vừa lên tới nơi đã thấy cán bộ địa phương đứng chờ sẵn ở cổng để thuyết phục dân... đi về.
Vì không muốn về, nhiều người đã tìm cách trốn, đợi cán bộ địa phương về mới dám xuất hiện để ở lại khiếu kiện tiếp. Những người được cán bộ địa phương vận động trở về quê một thời gian sau lại kéo nhau đi. Cái vòng luẩn quẩn ấy đối với nhiều người đã kéo dài hàng chục năm không chấm dứt.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban tiếp công dân trung ương, cho biết việc mời cán bộ địa phương ra đón dân về được thực hiện theo chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm giữ an ninh trật tự và giảm sự quá tải cho trụ sở. Có những lúc đoàn công tác thuyết phục cách mấy dân cũng không chịu trở về địa phương.
Khi thuyết phục dân Tây Ninh về địa phương không được, ông Điệp đã lập tổ công tác vào tận Tây Ninh cùng địa phương mời dân về quê và tổ chức đối thoại công khai. Lúc này một số người dân đã chịu trở về quê để đối thoại. Tuy nhiên, sau khi đối thoại không như mong muốn, người dân Tây Ninh lại kéo nhau ra Hà Nội.
Dẫn câu chuyện về việc người dân ở một thành phố miền Trung khiếu kiện kéo dài, ông Phan Văn Minh - vụ trưởng Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chính phủ - trăn trở: “Đã từng cùng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp những công dân này, tôi nghe qua lý lẽ của chính quyền TP không thuyết phục. Mảnh đất do ông cha để lại, dân gắn bó mấy chục năm. Giờ thu hồi đất cho dự án sinh thái thương mại nhưng dân không được ở. Dân muốn ở phải mua với giá trên trời. Dù chính quyền làm đúng luật nhưng luật của mình như thế, cái nghe có vẻ đúng luật lại không thuyết phục được dân”.
Nỗi trăn trở chưa có hồi kết ấy của ông Phan Văn Minh cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều cán bộ tiếp dân mà chúng tôi đã gặp.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về tiếp công dân tại Quảng Ninh - Ảnh: T.L. |
“Chúng tôi không có thẩm quyền giải quyết!”
Nhiều ngày ngồi trong phòng tiếp dân, chúng tôi nhận thấy công việc của cán bộ tiếp dân là xem hồ sơ, sau đó làm phiếu chuyển gửi về các cơ quan liên quan ở địa phương hoặc chuyển đơn đến các cơ quan khác ở trung ương đề nghị xem xét. Mỗi người dân đến trụ sở đều nhận được một phiếu chuyển đơn như vậy. Khi trở về tỉnh, tỉnh không giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng họ lại kéo ra trung ương.
Những người đi khiếu kiện lâu năm có hàng chục phiếu chuyển đơn của Trụ sở tiếp công dân trung ương, còn phiếu chuyển đơn của các cơ quan khác nhiều không đếm xuể. Các cơ quan chuyển đơn vòng quanh, dân thì năm này qua năm khác đi khiếu kiện khiến tình trạng quá tải của trụ sở và khiếu kiện vượt cấp vẫn gia tăng.
Khi chúng tôi hẹn gặp để hỏi về công tác tiếp dân, ông Phan Văn Minh liền lập tức nhận lời. Là người có nhiều năm gắn bó và theo dõi công tác tiếp dân, ông Minh nói về tiếp dân với tất cả nỗi trăn trở.
“Chúng tôi trăn trở vì công tác tiếp dân chưa hiệu quả, muốn tiếp dân hiệu quả phải gắn với người có thẩm quyền giải quyết. Tiếp dân ở Ban tiếp công dân trung ương không gắn với thẩm quyền giải quyết” - ông Minh chia sẻ.
Ông Phan Văn Hải - trưởng phòng tiếp dân, Ban tiếp công dân trung ương - nói thêm: “Chúng tôi không có cơ chế để các địa phương giải quyết mà chỉ trên cơ sở pháp luật họ phải tuân thủ. Nhiều vụ qua rà soát thấy sai trái thì chúng tôi báo cáo Tổng thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ sẽ nắm vụ việc, chỉ đạo các cục, vụ phụ trách địa bàn rà soát, nếu có sai sót sẽ đề nghị địa phương giải quyết”.
Việc “giải quyết” theo như lời ông Hải là kết quả của một loạt quy trình rà soát, báo cáo, lập đoàn thanh tra liên ngành, ra kết luận... Quy trình này có khi cả chục năm mới giải quyết xong một vụ việc.
Bà Hà Thị Hương, nguyên phó trưởng Ban tiếp công dân trung ương, thừa nhận: “Việc rà soát, báo cáo, đề xuất, nếu xử lý cực nhanh thì một vài năm, chậm thì kéo dài cả chục năm là chuyện bình thường. Người dân cực kỳ vất vả, khổ sở...”.
Bốn năm phụ trách công tác tiếp dân, ông Trần Hồng Cẩn (Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) bảo: “Chúng tôi hay nói với nhau việc tiếp dân hiện nay giống như thấy người chết đuối nhưng không cứu được. Chúng tôi chỉ như cánh chim đưa thư. Nhiều trường hợp mình chuyển đơn về lại còn bị địa phương mắng thêm. Họ bảo tại sao tôi đã giải quyết hết rồi mà các anh trung ương cứ chuyển đơn về để làm khổ địa phương”.
Thực trạng bất cập nêu trên, theo ông Cẩn, vì công tác tiếp dân giữa trung ương và địa phương hiện chưa được liên thông. “Chúng ta chưa có hệ thống phần mềm liên quan đến tiếp dân và xử lý đơn thư toàn quốc. Nhiều người dân đến trụ sở, cái gì bất lợi họ không đưa ra. Họ bảo bức xúc vì làm đơn nhưng địa phương không giải quyết, trong khi các cấp đã giải quyết rồi nhưng mình không biết được” - ông Cẩn cho biết.
Hiện nay Ban tiếp công dân trung ương đã có phần mềm tiếp dân nhưng chỉ sử dụng trong nội bộ. Người dân nào được tiếp, cán bộ đã chuyển vụ việc đến cơ quan nào đều được lưu tên trong hệ thống. Lần sau khi người dân đến chỉ cần gõ tên vào hệ thống sẽ hiện các thông tin của những lần tiếp trước đó.
Nhiều cán bộ ở Ban tiếp công dân trung ương cho rằng hệ thống này cần thiết nhưng chưa đủ. Việc liên thông mạng thông tin giữa trung ương và địa phương rất quan trọng nhưng hiện nay chưa có khiến việc chuyển đơn lòng vòng, trùng lắp vẫn diễn ra.
_____________
Kỳ tới: Căn nhà mới của bà Giang
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận