15/04/2018 09:10 GMT+7

Chí khí người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Chí khí của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi từ sau ngày anh hi sinh (15-10-1964) đến nay vẫn in đậm, là biểu tượng cho hình ảnh thanh niên công nhân tại TP.HCM.

Chí khí người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi - Ảnh 1.

Các bạn trẻ TP.HCM đến thăm và tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong hành trình về quê hương anh hùng liệt sĩ tại Quảng Nam cuối năm 2017 - Ảnh: Q.NG.

Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải cho rằng việc chọn anh làm biểu tượng của thanh niên công nhân TP.HCM không chỉ có giá trị lịch sử của giai đoạn trước đây, mà còn nguyên ý nghĩa hiện nay.

Chọn anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi làm biểu tượng cho hình ảnh thanh niên công nhân TP.HCM là sự trân quý ý chí bất khuất, sự hi sinh anh dũng của anh nhưng cũng chính là góp phần thôi thúc sự phấn đấu, nuôi dưỡng tinh thần lao động và ý chí vươn lên của công nhân TP hiện nay

Anh NGÔ MINH HẢI (phó bí thư Thành đoàn TP.HCM)

Biểu tượng của thanh niên công nhân

Anh Trỗi vào Sài Gòn từng làm thuê, đạp xích lô rồi học nghề và trở thành thợ điện. Anh làm việc qua một số xưởng điện cho đến ngày bị bắt và bị xử tử hình. Chọn người anh hùng, xuất thân là thợ điện với giác ngộ lý tưởng cách mạng làm biểu tượng cho hình ảnh công nhân TP những năm sau giải phóng để cổ vũ phong trào thi đua sản xuất của công nhân tại nhiều xí nghiệp của TP thời điểm ấy trở thành đòi hỏi của thực tế phong trào.

Vậy là ngày 15-10 hằng năm, đúng vào ngày hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, được Ban chấp hành Thành đoàn TP.HCM quyết định chọn làm Ngày truyền thống thanh niên công nhân TP.HCM bắt đầu từ năm 1982.

"Gần 36 năm từ lúc ra đời ngày truyền thống của thanh niên công nhân, phong trào công nhân tại TP mang tên Bác đã có nhiều bước trưởng thành và phát triển mới, không chỉ tăng số lượng mà giá trị mang lại cho xã hội cũng tăng hơn gấp nhiều lần" - trưởng Ban công nhân lao động Thành đoàn TP.HCM Phùng Thái Quang chia sẻ.

Theo anh Ngô Minh Hải, chính xuất thân công nhân thợ điện với giác ngộ cách mạng và sự hi sinh của anh Trỗi đã đánh động dư luận thế giới (qua sự kiện đòi trao đổi tù binh của du kích Venezuela) càng làm cho vị thế, hình ảnh người công nhân được tăng lên.

"Phong trào công nhân tại TP chúng ta không ngừng lớn mạnh, nhiều năm thực hiện phong trào CKT và hiện nay là phong trào "4 nhất" đã tạo khí thế thi đua trong công nhân các đơn vị khắp TP. Đội ngũ thanh niên công nhân TP cùng nhiều lực lượng trẻ khác còn mang lại những đóng góp hữu ích cho xã hội, cho người dân thông qua các hoạt động vì cộng đồng" - anh Minh Hải khẳng định.

Giải thưởng mang tên anh

Một trong những dấu ấn của phong trào thanh niên công nhân TP.HCM chính là sự ra đời Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi. Trao thưởng lần đầu năm 2009 và tính đến nay đều đặn duy trì hằng năm.

Được trao vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống thanh niên công nhân TP.HCM 15-10, giải thưởng vinh danh những công nhân có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh tại đơn vị và được đánh giá hiệu quả.

Anh Nguyễn Tấn Hưng (Tổng công ty Điện lực TP.HCM) - một trong số 259 thanh niên công nhân đã được nhận giải thưởng này sau 10 lần xét chọn - bày tỏ giải thưởng ra đời, mang đến sự khích lệ lớn cho công nhân, nhất là những bạn trực tiếp sản xuất.

Hai lần được nhận giải thưởng này, anh Hưng cho rằng giá trị nằm ở chỗ đòi hỏi người công nhân phải có sáng kiến hiệu quả, đã áp dụng, phù hợp thực tiễn sản xuất kinh doanh và đóng góp, làm lợi cho đơn vị.

Với anh Trần Văn Lương - công nhân may trực tiếp, giải thưởng ấy theo cách nói của anh là "giải thưởng lớn đầu tiên trong đời". Bởi anh chưa một lần dám nghĩ đến lúc rời quê Bình Định vào TP.HCM kiếm sống mà trong tay không có một nghề nào khi ấy.

Anh Nguyễn Tấn Hưng bộc bạch: "Giải thưởng không chỉ là sự vinh danh của Đoàn mà chính là sự ghi nhận từ lãnh đạo đơn vị cho thành quả, sự nỗ lực của chúng tôi, tiếp thêm động lực để chúng tôi hăng say lao động hơn nữa".

Hành trình về quê hương người anh hùng

Đoàn viên, thanh niên các đơn vị công nhân lao động của TP.HCM đã thực hiện hai chuyến hành trình về quê hương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại Điện Bàn (Quảng Nam) vào cuối năm 2012 và 2017. Trong mỗi hành trình này, các bạn thực hiện nhiều hoạt động nghĩa tình dành cho người dân nơi đây.

Có thể kể đến các hoạt động như: tư vấn sức khỏe và khám phát thuốc miễn phí cho bà con, sửa chữa hệ thống điện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng - xe đạp cho học sinh nghèo, tặng thiết bị trò chơi cho trường mẫu giáo, thăm và tặng quà một số hộ gia đình chính sách - người nghèo, máy định vị cho ngư dân đánh bắt xa bờ...

Ngoài ra, công trình xây dựng Nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại quê nhà có phần đóng góp kinh phí cùng một số hình ảnh, tư liệu, kỷ vật về anh Nguyễn Văn Trỗi của tuổi trẻ TP.HCM.

Theo nguyện vọng của gia đình, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, hôm nay (15-4), lễ an táng hài cốt Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi do Thành đoàn - Bộ tư lệnh TP.HCM - Quận ủy quận 2 tổ chức sẽ diễn ra trang trọng tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM, sau hơn 50 năm anh yên nghỉ ở nghĩa trang Văn Giáp (Q.2).

Đưa hài cốt anh Nguyễn Văn Trỗi về nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM

TTO - Ngày 15-4, hài cốt anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sẽ được đưa từ nghĩa trang Văn Giáp (Q.2, TP.HCM) về nghĩa trang liệt sĩ thành phố (Q.9, TP.HCM).

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên