18/01/2018 14:29 GMT+7

Chị em Mường Phăng thành 'kỹ sư nông nghiệp'

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Ngày đông lạnh ngăn ngắt. Trong một căn nhà ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (Điện Biên), một nhóm phụ nữ đang thảo luận tình hình mùa vụ, thời điểm xuống giống và bản tin thời tiết. Họ là những nông dân miền núi tham gia dự án ACIS.

Chị Lò Thị Dương thuyết trình bản tin thời tiết cho những phụ nữ dân tộc Thái thuộc nhóm VSLA - Video: Q.TR.

Dự án Dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp (ACIS) 2015-2018 của Care International (Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam) đã giúp thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây, từ chỗ canh tác theo kinh nghiệm nay đã biết ứng phó với thời tiết. 

Trâu bò không còn chết, mùa màng thu được nhiều hơn, lại còn tự chủ tài chính, không phải vay tiền chịu lãi suất cao.

Giờ phải thay đổi thôi. Nếu không thay đổi thì không có lúa mà ăn. Mình làm ruộng thì phải làm theo khoa học. Không biết thì phải học, học 2-3 lần thì biết ngay

Bà LÒ THỊ ONG (người dân tộc Thái ở xã Mường Phăng)

Cung cấp thông tin khí tượng, kỹ thuật canh tác

Tiết kiệm chi phí, năng suất cao hơn

Trong hơn 2 năm qua, dự án ACIS đã giúp bà con dân tộc thiểu số ở 2 xã miền núi thuộc tỉnh Điện Biên gia tăng năng suất và sản lượng lúa cũng như giúp bà con biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đúng cách, tiết kiệm được chi phí đầu tư.

Kết quả khảo sát của Care International trên 612 hộ gia đình tham gia cho thấy lúa vụ đông xuân 2017 tăng 0,91 tấn/ha so với 2016.

"Theo dự báo của cơ quan khí tượng, khả năng nhiệt độ ấm hơn so với trung bình nhiều năm là 75%, khả năng mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm là 60%. Còn theo kinh nghiệm của bà con, nhiệt độ năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái vì hạt dẻ nở nhiều, đầu vụ đồng đã rét, và do biến đổi khí hậu, hoa dã quỳ nở sớm và nở nhiều" - chị Lò Thị Dương (dân tộc Thái) đọc to bản tin ứng dụng thông tin thời tiết, khí hậu trong nông nghiệp tháng 1, 2, 3 vụ đông xuân 2018 của xã Mường Phăng, huyện Điện Biên do ACIS cung cấp.

Ngoài ra, bản tin còn đính kèm các khuyến cáo cụ thể như các kỹ thuật và thời điểm gieo/cấy, làm đất, diệt trừ sâu bệnh... được xây dựng một cách chi tiết cho từng tháng và tương ứng với các kịch bản khí hậu khác nhau.

Phía dưới chị Lò Thị Dương có hơn 30 chị em dân tộc Thái búi tóc cao (người Thái gọi là tằng cẩu) thuộc nhóm tài chính tự quản (VSLA) chăm chú lắng nghe. Đều đặn hai lần mỗi tháng, các chị em dân tộc Thái ở xã Mường Phăng tập trung lại để sinh hoạt.

Ở tỉnh Điện Biên, hiện dự án triển khai tại 2 xã là Mường Phăng và Pá Khoang với hơn 100ha đất lúa. Đây là những xã nằm trong vùng tiểu khí hậu của huyện Điện Biên với diễn biến thời tiết rất phức tạp, mùa đông nhiệt độ thường xuống thấp, kèm sương muối; mùa hè nhiệt độ cao hơn các địa phương khác trong tỉnh, gây thiệt hại mùa màng.

Chị em Mường Phăng thành kỹ sư nông nghiệp - Ảnh 4.

Cần biết - Về Mường Phăng - mảnh đất lịch sử của tỉnh Điện Biên, du khách không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc êm ả của núi rừng Tây Bắc, vẻ đẹp của hồ Pá Khoang, đắm say trong điệu khắp điệu xòe mà còn được thưởng thức các món ăn dân dã của người Thái như cá nướng, cơm lam, xôi đồ...

Chị em Mường Phăng thành kỹ sư nông nghiệp - Ảnh 4.

Các phụ nữ dân tộc Thái cùng thảo luận bản tin khí hậu do dự án ACIS cung cấp - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Thay đổi tích cực

Chị Lò Thị Dương cho biết: "Bà con trước đây mạnh ai nấy làm, có khi nhà này cấy lúa đã bám rễ mà nhà kia vẫn chưa cấy, nên nhiều loại sâu bệnh hại lúa phát sinh, khó ngăn chặn. Nhưng nhờ cấy đồng loạt nên việc phòng trừ sâu bệnh cũng dễ. Trước đây, 1 sào thu hoạch chỉ được 8-9 bao thóc, nay đã thu được 13-15 bao" - chị Dương nói.

Chị Quàng Thị Kiên, ở bản Phăng 2, xã Mường Phăng, nói việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và dự báo thời tiết đã mang lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống của bà con nơi đây. 

"Mình sản xuất theo thời tiết, theo khoa học thì hiệu quả, năng suất nâng lên rất nhiều, giúp bà con có của ăn của để, xóa đói giảm nghèo. Còn làm theo kinh nghiệm thì có năm được, năm mất, có khi không kịp thu hoạch, lũ về coi như mất trắng" - chị Kiên chia sẻ.

Chị em Mường Phăng thành kỹ sư nông nghiệp - Ảnh 6.

Các thành viên nhóm VSLA ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên họp 2 lần/1 tháng để thảo luận thông tin thời tiết và cho vay vốn. Ảnh: QUỲNH TRUNG

Ông Vì Văn Thành (người dân tộc Thái), trưởng nhóm nông dân học hỏi Farmnet ở xã Pa Khoang, tỉnh Điện Biên, cho biết từ khi có dự án, bà con có sự điều chỉnh thuốc trừ sâu và phân bón. 

Trước đây bà con cứ rải nhiều phân đạm cho lúa, bây giờ biết chọn phân bón phù hợp cho từng thời điểm. Trước kia bà con cứ sáng phun, trưa phun, chiều phun, bây giờ phun đúng thời điểm nên giảm chi phí rất nhiều. 

"Ví dụ, so với mọi năm, 1.000m2 ruộng tôi phun đến 8-9 bình thuốc trừ sâu. Bây giờ chỉ phun 4-5 bình thôi" - ông Thành cười.

Ông Vì Văn Thành cho biết nhiều bà con dân tộc thiểu số đã nhận rõ những biến đổi bất thường của thời tiết và họ cũng đã chọn cách thay đổi thích nghi với hiện tượng biến đổi khí hậu. 

Ví dụ, đầu năm 2015, do thời tiết diễn biến bất thường, mưa lũ thường xuyên, trong khi nhiều nơi phải cấy lại, thậm chí cấy lại 3 lần, gia đình ông Thành không rơi vào cảnh đó nhờ áp dụng phương pháp gieo mạ trên sân để tránh mưa lũ.

Chị em Mường Phăng thành kỹ sư nông nghiệp - Ảnh 7.

Ông Vì Văn Thành nói trước kia 1.000m2 ruộng phun 8-9 bình thuốc trừ sâu, nay chỉ phun 4-5 bình mà hiệu quả, năng suất cao - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Mong dự án kéo dài

Ông Mùa A Kềnh - phó chủ tịch UBND xã Mường Phăng - đánh giá cao những kết quả dự án mang lại. 

"Chúng tôi gọi các chị em hưởng lợi từ dự án là các "kỹ sư nông nghiệp". Hầu như mỗi hộ gia đình đều có một thành viên tham gia. Nếu dự án được duy trì hiệu quả thì kiến thức của người dân được nâng cao, có kinh nghiệm để truyền lại cho con cháu" - ông Kềnh bày tỏ.

Bà Trần Thị Thanh Xuân, cán bộ Trạm khuyến nông tỉnh Điện Biên, mong muốn dự án kéo dài vì thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân dân tộc thiểu số, vốn có ít khả năng tiếp cận các dịch vụ thời tiết.

Dù dự án ACIS mang lại những kết quả tích cực và được người nông dân đón nhận cũng như giới chuyên gia và quan chức địa phương đánh giá cao, nhưng những người thực hiện dự án vẫn luôn canh cánh nỗi lo là liệu khi nhà tài trợ rút đi, dự án còn có thể tiếp tục hay không...

"Chúng tôi mong chính quyền tỉnh Điện Biên sẽ tiếp nhận dự án này sau khi nhà tài trợ rút khỏi và các cơ quan chức năng sẽ biến mô hình này thành chính sách, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được dịch vụ dự báo thời tiết tốt hơn cũng như có thêm kiến thức về nông nghiệp" - ông Lê Xuân Hiếu, cán bộ quản lý dự án của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, bộc bạch.

Tự chủ tài chính, tránh bẫy tín dụng đen

img_9629 (1)

Một thành viên VLSA ghi chép thông tin vay vốn của các thành viên trong nhóm - Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Ngoài bản tin thời tiết, Care International còn triển khai mô hình tiết kiệm thôn bản hay còn gọi là tài chính tự quản (VSLA) cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên. VSLA là một nhóm tiết kiệm và cho vay tự chủ và độc lập, với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng.

Hoạt động chính của VSLA là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần. Ví dụ, ở xã Mường Phăng, mỗi thành viên của nhóm VSLA được mua tối đa 5 cổ phần (mỗi cổ phần trị giá 20.000 đồng) và gom thành một quỹ chung. Bất cứ ai có nhu cầu vay vốn chính đáng đều được vay với lãi suất 2%/tháng.

Ví dụ, nếu vay 1 triệu đồng sẽ chỉ phải trả lãi 2% tương đương 20.000 đồng mỗi tháng, thay vì lãi suất 40-60% nếu vay tín dụng đen vốn phổ biến ở các vùng nông thôn.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên