04/07/2018 19:54 GMT+7

'Chị em mình cưới vợ cho ba nhé!'

NĂM ĐOÀN (Hòa Khánh, Đà Nẵng)
NĂM ĐOÀN (Hòa Khánh, Đà Nẵng)

TTO - Khi chúng tôi biết nói câu: "Chị em mình cưới vợ cho ba nhé!" thì ba tôi đã già rồi. Người phụ nữ thương ba ngày đó đã tìm đi biệt xứ, không ai còn hay tung tích gì của bà. Riêng tôi mường tượng được lý do người phụ nữ ấy ra đi.

Chị em mình cưới vợ cho ba nhé! - Ảnh 1.

Tôi năm nay 20, sinh viên đại học. Chị gái tôi vừa ra trường và may mắn được theo đuổi đúng đam mê của mình. Ba tôi đã bước sang tuổi sáu mươi ba, tóc đã bạc màu sương gió. 

Bây giờ tôi vẫn sống với chị ở thành phố cách quê tôi hơn 200km, trong căn trọ nhỏ. Nhiều đêm sau cuộc gọi cho ba, chị nằm gác tay lên trán, trằn trọc. Chị hỏi tôi: "Chị em mình cưới vợ cho ba, em nhé!".

Nhưng hình như đã muộn quá rồi. Ba tôi đã già. Người phụ nữ thương ba ngày đó đã tìm đi biệt xứ, không ai còn hay tung tích gì của bà. Riêng tôi mường tượng được lý do người phụ nữ ấy ra đi.

***

Quê tôi ở một miền biển nghèo của tỉnh Quảng Trị. Tầm chín, mười năm về trước, người dân vẫn trồng khoai sắn, đi những chuyến biển gần bờ. Rồi khoảng giữa năm 2009, bà con ồ ạt nuôi tôm. Đôi ba người phất lên nhờ đổ đống tiền vào tôm tép. 

Cũng lắm nhà thua đậm, lâm cảnh trắng tay. Gia đình tôi nằm trong số đó. Ngày ấy nghe tin vụ tôm cuối cùng chết sạch, vỡ nợ hàng trăm triệu đồng, mẹ tôi ngất đi, rồi nằm liệt suốt hơn một năm thì qua đời.

Mẹ mất, để lại cho ba 6 cô con gái. Ba chị gái đầu của tôi đã lớn, người có gia đình, người đi làm xa cũng lâm cảnh bệnh tật, lo đủ tiền nuôi thân đã khó, chưa tính đến chuyện phụ ba lo cho các em. Mình ba làm bốc vác nuôi 3 chị em tôi ăn học. 

Đến lúc chị gái thứ tư của tôi vào đại học thì ba cũng hết sức chèo chống. Chị vẫn quyết học đại học vì đam mê. Mãi sau này tôi mới biết chị đã vừa làm vừa học đại học, dành dụm gửi tiền hằng tháng phụ ba nuôi chúng tôi.

Từ ngày mẹ mất, tôi chẳng thiết tha chuyện học hành. Ba đi làm cả ngày cả đêm. Chị gái không bảo nổi tôi, cũng đành chịu. Tôi cứng đầu, suốt ngày theo đám bạn lêu lổng. 

Từ một học sinh giỏi nhất nhì, tôi tụt xuống nhóm học sinh cá biệt của trường. Thi thoảng chị về quê thăm, lại ôm tôi mà khóc. Nhưng tôi vẫn thế, bất cần. Không ai hiểu tôi. Lúc ấy tôi là con bé mới lớn.

Sau giờ cơm tối, ba lại rón rén cầm điện thoại ra phía sau hè nhà, gọi những cuộc gọi dài lê thê với những câu chuyện yêu đương với người phụ nữ nào đó. Tôi không muốn cố gắng, cũng không biết mình cố gắng vì điều gì, nên tôi chọn buông xuôi. Kệ!

Năm tôi học lớp 11, chị tôi là sinh viên năm 2, một đêm xảy ra một chuyện mà tôi không bao giờ quên được, và tôi chắc ba cũng không thể nào quên. Chị về quê, gầy đi trông thấy. Đến giờ, tôi mới hiểu sao ngày đó chị gầy nhom. 

Một đứa con gái tỉnh lẻ lên phố vừa học vừa làm thêm cùng lúc hai ba việc, bán hàng rong khắp các quán nhậu hằng đêm, ban ngày phụ bốc hàng, xách nước thuê cho người ta ở chợ để chắt chiu từng đồng gửi về nhà nuôi em. 

Hôm ấy, sau giờ cơm tối, chị ra hiệu hai đứa dọn mâm, rửa bát, chị mệt nên vào thẳng giường trong buồng nằm. Ba lại cầm chiếc điện thoại cũ, đi vòng vòng hút thuốc sau hè. Tiếng ếch nhái kêu ran. Tôi không quan tâm lắm. Bé út lụi cụi rửa chén ngoài sân giếng.

Rồi tôi thấy bóng chị lẻn ra phía cửa sau. Nép vào bờ tường nơi cây nhãn lồng um lá. Tôi lẻn theo. Cuộc nói chuyện say sưa với người phụ nữ đầu dây bên kia kéo ba tôi đi xa ra tận những luống sắn cao quá đầu người. 

Ba tôi ngồi giữa một luống, mải mê cuộc nói chuyện, chẳng hay biết chị đã nép ở sát đằng sau tự bao giờ. Chị ngồi đó, nghe hết cuộc nói chuyện của ba qua điện thoại. Và rồi thình lình chị gào lên, chạy đến chỗ ba: "Ba lấy vợ ư? Ba ơi, răng có thể ích kỷ rứa được?".

Bóng đêm mờ quá, tôi không rõ gương mặt chị lúc ấy, nhưng tôi đoán nó méo xệch đau khổ. Chị như một con thú dữ dằn, vừa khóc vừa chồm tới giật chiếc điện thoại khi ba còn ngơ ngác. Chị ném cái điện thoại xuống ao rồi chạy ào băng qua mấy luống sắn, ao bèo, chạy dọc bờ phi lao theo lối xuống con đường cái.

Ba tôi đuổi theo rất nhanh nhưng không kịp. Tôi cũng chạy bở hơi tai theo. Chạy đến chỗ đường cái cách nhà tôi vài trăm mét, bất ngờ một chiếc xe tải lớn chở hàng chạy ngang, chị lao ra trước mũi xe, đứng sững. Ba lao theo kéo kịp chị vào vệ đường. Vùng vẫy một lúc, chị ngồi sụp trong lòng ba, khóc như đứa trẻ. 

Chị muốn tự tử. Chị thổn thức trong nước mắt: "Con vẫn biết "con chăm cha không bằng bà chăm ông", rồi khi bọn con lấy chồng hết, ba sẽ khổ. Con tin ba, nhưng con không thể tin người đàn bà xa lạ kia. 

Con không tin có người chịu về cùng khổ cực với ba nuôi hai em con ăn học và yêu thương, lo lắng vẹn toàn cho em. Con cầu xin ba, xin ba vì hai em con mà đừng đi bước nữa".

Chị khóc, khóc càng lúc càng to, nấc nghẹn. Ba tôi cũng khóc. Người đàn ông tóc điểm bạc khóc lên thành tiếng. Chưa bao giờ tôi thấy ba khóc như lúc ấy, ông vốn là người mạnh mẽ, ít khi thể hiện cảm xúc. 

Phải đau lắm ba mới khóc thành tiếng như vậy. Ba ôm chị tôi vào lòng, nói trong tiếng nghẹn: "Ba hứa! Ba hứa với con, ba không bao giờ để các em phải khổ".

Tôi quay mặt đi. Tôi băng qua vạt cỏ lau cao quá đầu. Tôi quên đi bóng tối. Đạp chân lên mấy cồn cát cao. Tôi đến trước mộ mẹ cách nhà không xa. Qùy sụp. Nghẹn ứ.

***

Sau đêm ấy, khoảnh khắc chị định chọn cái chết, chọn gạt bỏ hạnh phúc của ba vì các em, cả tôi và ba đều thay đổi. Tôi khóc suốt mấy hôm ròng. Ba tôi buồn lắm mà vẫn vờ như không có chuyện gì xảy ra. 

Chị lại tiếp tục hành trình của mình. Ba không còn gọi điện thoại cho người phụ nữ ấy. Ba không đi sớm về muộn. Không bỏ rơi hai chị em mỗi đêm.

Còn tôi, sau đêm ấy, một luồng ý nghĩ lóe trong đầu. Tôi thấy mình không xứng đáng với sự hi sinh của chị và ba. Và tôi lao đầu vào học. 

Ngoài giờ học, tôi cùng bé út đi hái cây rèng về làm chổi bán, tôi xin theo ba bốc vác, xin phụ việc, làm thuê đủ cả. Và tôi đã thay đổi từ đấy, thay đổi đến chóng mặt.

Sau bao nhiêu năm, nay tôi đã là sinh viên đại học năm 2. Hè này tôi chọn về quê, phụ ba việc nhà, chăm em và chăm sóc bà nội đã già. 

Căn nhà ngày càng cũ đi thấy rõ. Ba càng ngày càng nhiều nếp nhăn. Mỗi tối, tôi vẫn ôm gối sang xin ba cho ngủ ké. Tôi ôm ba, thủ thỉ: "Ba ơi, chị em con cưới vợ cho ba nhé!".

Ba gõ đầu tôi, cười chua chát: "Còn ai mà chịu ưng ba nữa. Đợi cả 6 đứa bây lấy chồng hết, ba mới nhắm mắt là vui rồi!".

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Khi màn hình điện thoại tắt...

TTO - Rất ngạc nhiên và thú vị: đến lúc này, đây là tác giả gửi bài dự thi có tuổi đời trẻ nhất - sinh năm 2003, đang 15 tuổi và bước vào lớp 10. Và, đặc biệt bài viết dự thi đề cập đến chủ đề rất thời sự: sống ảo!

Chị em mình cưới vợ cho ba nhé! - Ảnh 3.
NĂM ĐOÀN (Hòa Khánh, Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên