Chiều 13-2, gần 50 thương nhân phân phối xăng dầu cả nước đã tổ chức cuộc họp bàn các giải pháp, kiến nghị về sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Nêu quan điểm về việc điều hành giá, ông Hòa, một thương nhân phân phối tại miền Trung, chỉ ra diễn biến thị trường vừa rồi, khi giá lên cao thì chiết khấu bằng 0 đồng, thậm chí là chiết khấu âm và không có hàng cho đại lý.
"Chờ ngày đổi giá xăng dầu như mong chờ gì đó ghê gớm lắm"
Do đó, ông đặt câu hỏi là tại sao không có công thức, cách tính giá cho phù hợp hơn. Đặc biệt trong trường hợp khi biến động giá vượt qua tỉ lệ bao nhiêu phần trăm, thì Nhà nước xử lý, để tránh tình trạng chiết khấu như trên.
“Hệ thống phân phối có, nhưng phụ thuộc vào đầu mối. Đầu mối không bán hàng thì thương nhân lấy đâu hàng bán cho đại lý. Hiện đang thiếu cơ chế xử lý vướng mắc này. Bản thân chúng tôi cũng không có hàng, đi mua hàng từ đầu mối không được. Nhiều thời điểm chờ ngày đổi giá như mong chờ cái gì đó ghê gớm lắm”, ông Hòa bộc bạch.
Một trong những nội dung sửa đổi của nghị định là quyền được mua hàng của các thương nhân phân phối, theo dự thảo là chỉ giới hạn trong ba thương nhân đầu mối và không được mua hàng của thương nhân phân phối khác.
Ông Hoàng Trung Dũng, CEO Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng nếu chỉ cho thương nhân phân phối mua từ ba đầu mối là vi phạm Luật thương mại, Luật cạnh tranh. Cũng bởi theo ông, mọi doanh nghiệp có quyền bình đẳng, mua bán những gì pháp luật không cấm.
Có trao đặc quyền đặc lợi làm méo mó thị trường?
“Anh không thể bắt tôi mua chỉ ba ông, trường hợp các đầu mối này bắt tay với nhau, trong khi chỉ có 33 đầu mối và nhìn thấy tác động của đầu mối tới thị trường xăng dầu rất rõ. Sửa đổi như vậy thì coi như không sửa, trao cho thương nhân đầu mối nhiều đặc quyền, đặc lợi vô hình, có thể dẫn tới méo mó thị trường xăng dầu”, ông Dũng nêu quan điểm.
Theo ông, hiện hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ là của doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, 33 doanh nghiệp đầu mối khó có đủ năng lực “cáng đáng” được hết. Do đó, không thể bỏ loại hình thương nhân phân phối, để đại lý mua trực tiếp từ đầu mối được ông so sánh là “không khác gì việc bà con nông dân mang cá, mang rau trực tiếp ra chợ bán”.
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp mang con dấu, đóng dấu vào văn bản kiến nghị chung gửi tới các cơ quan chức năng như Quốc hội, Chính phủ, các bộ ban ngành, VCCI… để kiến nghị những bất cập trong quản lý và dự thảo sửa đổi nghị định.
Tiếp tục nêu vấn đề về việc thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ ba đầu mối, đơn kiến nghị nêu trường hợp nếu cả ba đầu mối không có hàng, hoặc bị cơ quan nhà nước xử phạt, thì sẽ ảnh hưởng tới thị trường như việc đứt nguồn cung.
Trong khi đó, ở thời điểm khan hàng và nguồn cung bị đứt gãy, thương nhân phân phối đã phát huy vai trò. Dù mua hàng của đầu mối với chiết khấu 0 đồng nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ với đại lý và các thương nhân khác với mức chiết khấu bằng mức mua vào, góp phần đảm bảo nguồn cung thị trường.
Do đó, doanh nghiệp phân phối kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, cũng như giữ quy định thời gian điều chỉnh giá theo nghị định 83, tức là ở mức 15 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận