13/11/2024 14:03 GMT+7

Chỉ dùng cát biển có độ mặn nhỏ hơn độ mặn của vùng nuôi thủy sản hai bên cao tốc

Cát biển được khai thác ngoài khơi, có độ mặn cao, nhưng khi đưa vào công trường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau phải đảm bảo độ mặn nhỏ hơn độ mặn giới hạn theo quy định của thủy sản nuôi trồng hai bên đoạn tuyến sẽ thi công.

Chỉ dùng cát biển có độ mặn nhỏ hơn độ mặn của vùng nuôi thủy sản hai bên cao tốc - Ảnh 1.

Hiện nay đã có khoảng hơn 700.000m³ cát biển được đưa vào cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh: M.T.

Ngày 13-11, ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) - cho biết sau khi có nguồn cát biển được khai thác từ vùng biển của tỉnh Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát, lựa chọn đoạn thi công thí điểm mở rộng nhằm đủ cơ sở đánh giá toàn diện việc sử dụng cát biển đắp nền đường cao tốc.

"Hiện chúng tôi đã triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển đắp nền trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại km81 - km126+223 (đi qua địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) và đoạn tuyến nối từ km6+522 (nút giao đường Võ Văn Kiệt) đến km16+510 (nút giao với quốc lộ 1) là khu vực có môi trường đã nhiễm mặn tương tự và cao hơn đoạn thí điểm đắp cát biển trước đó (đường tỉnh 978, tỉnh Bạc Liêu)", ông Thi cho hay.

Vẫn theo ông Thi, đến nay đã thực hiện thi công được 4 tháng, nguồn cát biển hoàn toàn đáp ứng yêu cầu vật liệu cho dự án và đang góp phần rất lớn đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào 31-12-2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.

Bên cạnh việc kiểm soát chất lượng thi công công trình, theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị thường xuyên lấy mẫu đo kiểm soát chặt chẽ độ mặn của từng tàu cát về đến công trường; phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) để quan trắc đánh giá tác động môi trường

Độ mặn của cát được đo tại khu vực khai thác khoảng từ 22-25‰. Sau khi khai thác, cát sẽ được vận chuyển về vùng nước ngọt sông Hậu thuộc địa phận thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) để rửa mặn, cách mỏ B1 khoảng 40km.

Khoang tàu có thiết kế các lỗ thủng, khi nước đầy sẽ tự tràn ra, mang theo nước mặn. Đến khi đo nước trong khoang còn 13-17‰ là đạt. Ngay sau đó, cát được bơm sang các tàu xả tràn để đưa về công trình.

Khi về đến công trình, cát được bơm nước vào rửa tiếp và kiểm tra lại độ mặn trước khi bơm vào công trình.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay tổng khối lượng cát biển đưa về dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng hơn 700.000m³.

Chỉ dùng cát biển có độ mặn nhỏ hơn độ mặn của vùng nuôi thủy sản hai bên cao tốc - Ảnh 2.Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đã dùng khoảng 450.000m³ cát biển

Đến nay đã có khoảng 450.000m³ cát biển được đưa về công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Kết quả thí nghiệm chỉ tiêu độ mặn trong khu vực dùng cát biển làm nền đường đều trong ngưỡng cho phép.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên