Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đào Hồng Lan trao quyết định điều động, chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh (thứ hai từ phải) làm bí thư Thành ủy Bắc Ninh - Ảnh: TTCP
Ông Chinh (xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua, thạc sĩ quản lý giáo dục và là con trai đương kim bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến.
"Không vướng quy định nào cả"
Tân bí thư Thành ủy Bắc Ninh được điều động, chỉ định về làm bí thư thay ông Vương Quốc Tuấn - ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, bí thư Thành ủy Bắc Ninh - vừa được HĐND tỉnh Bắc Ninh bầu bổ sung làm phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Được kết nạp Đảng vào năm 2011, ông Chinh có nhiều năm công tác tại Tỉnh đoàn Bắc Ninh và được bầu giữ chức bí thư tỉnh đoàn này vào năm 2016. Ông Chinh cũng là tỉnh ủy viên, đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Thông tin ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, được điều động, chỉ định làm bí thư Thành ủy Bắc Ninh đã gây "bão mạng". Bởi dư luận từng nhiều lần xôn xao về câu chuyện "cả họ làm quan" ở Bắc Ninh. Cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến có nhiều người thân giữ các vị trí cao ở các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Hôm qua 24-7, dù nhiều lần liên hệ nhưng số máy của ông Nguyễn Nhân Chiến và ông Nguyễn Nhân Chinh đều báo không liên lạc được. Một lãnh đạo tỉnh ủy cũng từ chối trả lời. Trả lời câu hỏi về việc bố là bí thư tỉnh ủy, con được điều động, chỉ định làm bí thư thành ủy, ông Nguyễn Văn Hùng - trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh - chỉ nói ngắn gọn "không vướng quy định nào của Đảng cả" và tắt máy.
Dư luận "đương nhiên sẽ lấn cấn"
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Thưởng, nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, cho rằng cơ quan tổ chức phải làm rất kỹ lưỡng khi điều động, bổ nhiệm bất kỳ ai.
"Chưa cần biết người được bổ nhiệm là ai nhưng phải đủ tiêu chuẩn cho vị trí được giới thiệu, có phiếu tín nhiệm cao... Nếu lấy phiếu tín nhiệm không đạt hay có sự vận động, "gò" phiếu để cố tình điều động anh ta vào vị trí bí thư thành ủy là sai", ông Thưởng nói.
Theo ông Lê Như Tiến - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nếu bí thư thành ủy có đủ phẩm chất, điều kiện, được tín nhiệm, bầu tại đại hội chắc chắn dư luận không xôn xao.
"Nhưng bố đang giữ chức bí thư tỉnh ủy, con trai được điều động, chỉ định làm bí thư thành ủy liệu có trong sáng không? Tại sao không đưa về trước đại hội để bầu, mà sau đại hội của thành phố mới điều động về rồi chỉ định làm bí thư?", ông Tiến đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Tiến, chưa nói chuyện điều kiện, tiêu chuẩn hay chuyện có ưu ái, nâng đỡ hay bổ nhiệm "thần tốc" như dư luận đang bàn luận, có rất nhiều sở, ngành, huyện xa... có thể điều động bí thư tỉnh đoàn về để xem năng lực như thế nào bởi về những chỗ khó thì cán bộ mới thể hiện bản lĩnh, khả năng. Nếu thể hiện được, cán bộ sẽ được người dân quý mến và chính họ sẽ tiến cử.
"Nhưng ở đây việc điều động, chỉ định con trai bí thư tỉnh ủy giữ chức bí thư thành ủy đương nhiên dư luận sẽ lấn cấn rồi", ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức trung ương - cho biết vào năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.
Theo đó, tổ chức Đảng không được bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy.
Với chính quyền, theo quy định này, không được bố trí người thân đảm nhiệm các chức danh chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp... "Như vậy, quy định chỉ cấm nếu bố làm bí thư thì con không làm phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy", ông Hà nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận