15/07/2014 02:44 GMT+7

Chỉ dấu ung thư giả

Bác sĩ Phan Thanh Hải(giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic)
Bác sĩ Phan Thanh Hải(giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic)

TT - Một số người có chỉ số dấu ấn ung thư cao qua kết quả xét nghiệm máu, qua khai thác bệnh sử thì được biết họ thường xuyên uống nấm linh chi với trà ô long hoặc hay ăn đậu hũ (đậu phụ)... Khi thay đổi thói quen ăn uống, kết quả xét nghiệm thay đổi theo.

vq8hfLdB.jpgPhóng to
Chuẩn bị mẫu máu xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư tại Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic - Ảnh: L.Th.H.

Kết quả xét nghiệm máu có chỉ số dấu ấn ung thư cao hơn mức bình thường làm không ít người khủng hoảng, suy sụp vì tưởng rằng mình bị ung thư. Thực tế dấu ấn ung thư không có giá trị chẩn đoán ung thư. Bác sĩ Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic, TP.HCM - cho biết như vậy.

Dương tính giả

"Để đánh giá một kết quả xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư có tin cậy được không phải dựa trên ba yếu tố: độ nhạy, độ đặc hiệu và quy luật phát triển theo thời gian. Ví dụ nếu kết quả xét nghiệm có dấu ấn ung thư buồng trứng (CA 12-5) cao hơn bình thường thì một tháng sau làm lại. Nếu chỉ số này giảm hoặc ở ngưỡng bình thường thì kết quả trước là dương tính giả"

Theo bác sĩ Hải, ông từng gặp không ít trường hợp dở khóc dở cười của bệnh nhân khi có kết quả xét nghiệm truy tìm các dấu ấn ung thư trong máu cao hơn mức bình thường.

Khi thấy nồng độ một chất tăng cao, bệnh nhân thường hốt hoảng tìm đến các bệnh viện và bác sĩ sẽ cho làm đủ loại chẩn đoán cận lâm sàng khác như chụp MRI, CT scan, nội soi, siêu âm, có khi cho chụp cả PET CT... để xác định xem bệnh nhân có bị ung thư không.

Bác sĩ Hải kể cách đây khoảng ba tháng, Trung tâm Medic nhận khám và xét nghiệm kiểm tra lại chỉ số dấu ấn ung thư dạ dày (CA 72-4) cho một bệnh nhân là cán bộ cấp cao ở một tỉnh miền Tây Nam bộ.

Trước khi đến Trung tâm Medic, bệnh nhân đã đi khắp các bệnh viện lớn ở Cần Thơ và TP.HCM để xét nghiệm máu lại cũng như nội soi và sinh thiết dạ dày, chụp CT scan, MRI... để xem có bị ung thư dạ dày hay không.

Kết quả xét nghiệm máu ở nhiều bệnh viện cho thấy chỉ số CA 72-4 rất cao nhưng các kết quả lâm sàng khác không có gì bất thường. Bệnh nhân bị khủng hoảng tinh thần dữ dội vì cứ nghĩ “án tử” đã giăng ngay trước mặt.

Kết quả xét nghiệm máu lại của bệnh nhân ở Trung tâm Medic thấy chỉ số CA 72-4 rất cao. Chụp CT scan, nội soi lại và sinh thiết bao tử nhưng kết quả cũng không thấy gì bất thường.

Thấy lạ, bác sĩ Hải mới lên mạng Internet tìm thông tin xem vì sao CA 72-4 dương tính như thế thì phát hiện Đài Loan đã công bố một công trình nghiên cứu cho thấy nếu sử dụng trà ô long với nấm linh chi, chỉ số CA 72-4 sẽ vọt lên rất cao.

Hỏi chuyện với bệnh nhân này thì bệnh nhân nói ngay: “Tôi có trà ô long nhiều lắm. Tôi uống dữ lắm”. Chưa kể bệnh nhân còn rất thích uống nấm linh chi.

Thấy vậy, bác sĩ Hải mới đưa tài liệu nghiên cứu của Đài Loan cho bệnh nhân xem và giải thích chỉ số CA 72-4 cao là do dương tính giả.

Nguyên nhân là do bệnh nhân thường xuyên uống nấm linh chi kết hợp với trà ô long. Nghe xong bệnh nhân rất mừng và ngưng ngay việc sử dụng hai loại trà, nấm này.

Hai tuần sau quay lại xét nghiệm thì chỉ số CA 72-4 giảm hẳn. Sau mấy lần xét nghiệm kiểm tra thì chỉ số này hoàn toàn trở lại bình thường.

Tại Trung tâm Medic còn ghi nhận có gia đình ba thế hệ có chỉ số ung thư đường tiêu hóa (chỉ số CEA) rất cao. Từ người mẹ đến con trai, cháu nội mới hơn 10 tuổi đều có chỉ số CEA cao.

Sau khi bác sĩ Hải khuyên gia đình thay đổi thói quen ăn uống và đến xét nghiệm lại thì chỉ số này vẫn không thấy giảm.

Đến nay các bác sĩ vẫn không lý giải được vì sao CEA lại cao như vậy suốt ba, bốn năm nay mà cả gia đình ba thế hệ chưa ai bị ung thư dù đã cho làm thêm nhiều chẩn đoán hình ảnh, cận lâm sàng khác. Nhưng chỉ số này cao có thể liên quan đến yếu tố gen di truyền gia đình này và đây là dương tính giả.

Chỉ có giá trị tham khảo

Khi tế bào ung thư phát triển sẽ sinh ra một số chất vào trong máu, bác sĩ Hải cho biết. Do đó khi nồng độ một chất nào đó tăng cao thì sẽ chỉ điểm một người nào đó có thể bị ung thư.

Ví dụ, CEA tăng cao thì chỉ điểm ung thư đại tràng, thực quản, dạ dày; CA 125 tăng cao chỉ điểm ung thư buồng trứng.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư mà có một vài chất nào đó tăng cao thì cũng không phải là kết quả đáng tin cậy để chẩn đoán ung thư.

Thực tế cho thấy có nhiều chất gia tăng trong máu không phải là do bệnh nhân bị ung thư, mà có thể do bệnh nhân bị viêm, do ăn uống, môi trường sống...

Đơn cử những người thường ăn đậu hũ khi xét nghiệm máu có thể ra chỉ số CA 15-3 rất cao, nhưng truy tìm bằng đủ phương khác mà không thấy ung thư đâu.

Bác sĩ Hải cũng cho biết xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư đều là những công trình nghiên cứu từ các nước châu Âu, châu Mỹ.

Những nghiên cứu này thực hiện trong điều kiện, môi trường của người dân ở quốc gia đó hoặc châu lục đó nên chưa chắc đã thích hợp khi áp dụng ở điều kiện VN vì gen, thể tạng của người VN khác, việc ăn uống, môi trường, điều kiện sống cũng khác.

Sau 50 tuổi nên tầm soát ung thư

Với tần suất ung thư của VN hiện nay chỉ nên cho xét nghiệm truy tìm dấu ấn ung thư ở người trên 50 tuổi, người có nguy cơ cao (có người thân trong gia đình bị ung thư), người bị ung thư đang điều trị hoặc đã khỏi nhưng cần theo dõi tái phát. Ở nam giới nên xét nghiệm truy tìm dấu ấn ung thư gan, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư đường tiêu hóa - đây là những ung thư thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Nam giới cũng hay bị ung thư phổi nhưng chỉ chụp CT scanner phổi với liều tia thấp để kiểm tra là đủ. Với phụ nữ, những xét nghiệm sinh học tìm dấu ấn ung thư vú không có giá trị nhiều mà cần siêu âm, chụp nhũ ảnh. Phụ nữ cũng dễ bị ung thư tuyến giáp nhưng chỉ cần siêu âm tuyến giáp là đủ. Đặc biệt, ung thư buồng trứng là loại ung thư giết phụ nữ rất nhiều nên cũng rất cần được xét nghiệm, siêu âm kiểm tra...

Bác sĩ Phan Thanh Hải(giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên