25/10/2013 08:58 GMT+7

Chi đã ở đó

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Ta đã ở đó - chương trình múa đương đại diễn ra tối 25 và 26-10 tại Nhà hát TP.HCM đánh dấu sự trở lại của Thùy Chi qua cuộc hợp tác cùng nghệ sĩ múa Ngọc Anh từ Hong Kong.

mWE5G6FG.jpgPhóng to
Thùy Chi trên sàn tập - Ảnh: Nguyễn Minh Đức

Thùy Chi là một cái tên không hề mới của làng múa VN, nhưng sự xuất hiện của cô luôn khiến mọi người mong đợi. Có lẽ vì Chi lâu lâu mới múa trước công chúng. Hay cũng có thể vì Chi luôn lặng lẽ ở đâu đó trong hành trình múa của mình, bên ngoài tất cả hào nhoáng của giới nghệ sĩ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là vì Chi múa đẹp, điều mà mọi người đã công nhận.

Hoài niệm về múa khi... đang múa

Thùy Chi chỉ vừa trở về VN được vài tháng sau bốn năm học đại học ngành biên đạo tại Học viện Múa Bắc Kinh (Trung Quốc) theo học bổng của Nhà nước. Trước đó Chi đã dành 10 năm tuổi trẻ của mình để học trung cấp múa ở Trường múa Quảng Đông, chưa kể những năm học múa đầu đời khi mới 5 tuổi. Đó là lý do vì sao Thùy Chi mới 27 tuổi đời nhưng đã có 22 năm tuổi nghề. Nhưng đó cũng là lý do mà lâu lâu Chi mới múa trước công chúng trong những dịp hiếm hoi cô về nước thăm gia đình. Và cứ mỗi lần “lâu lâu” ấy, Chi lại khiến những ai có dịp được thưởng thức màn trình diễn của cô không khỏi thán phục một tài năng thật sự của nghệ thuật múa.

Đợt vừa rồi Thùy Chi vừa về nước thì nghe mẹ bảo: “Con tham dự cuộc thi biên đạo múa toàn quốc đấy nhé, mẹ đăng ký rồi!”. Chi bật ngửa, lúc đó chỉ còn vỏn vẹn ba tuần để lên ý tưởng và tập luyện. Lúc đầu Chi không định trực tiếp biểu diễn nhưng vì thời gian quá gấp, không thể tìm diễn viên múa nên cô tự múa tác phẩm dự thi biên đạo của mình. Vở múa có tên: Nỗi lòng Trưng Trắc.

Quá trình tập luyện trở lại như một diễn viên sau bốn năm học biên đạo khiến Chi khá vất vả để phục hồi sức khỏe. Nhưng đó cũng là những khoảnh khắc cô bỗng thấy mình hoài niệm tha thiết về múa, về những giọt mồ hôi trên sàn tập, về những giai điệu trầm bổng, về những động tác thanh thoát trên sân khấu, về sự im lặng tê người của khán giả khi theo dõi chương trình và sau đó là tiếng vỗ tay vỡ òa khán phòng khi màn diễn kết thúc. Chi bảo: “Ai từng làm diễn viên múa thì sẽ có nhiều hoài niệm như thế, ngay cả khi đang múa”.

Vì hơn ai hết, sau ba năm làm việc cho đoàn múa Thâm Quyến, Thùy Chi hiểu rõ tuổi thọ nghề của một diễn viên múa quá ngắn ngủi nếu so với cả một hành trình dài học hành và tập luyện. Vậy nên Chi mới chọn con đường học lên biên đạo để có thể gắn bó lâu dài với múa, dù vẫn luôn thích làm diễn viên. Nhưng cô cho rằng nhờ vậy mà bây giờ mình múa có hồn hơn vì đã có được tư duy và cá tính của một biên đạo, đã hiểu sâu sắc hơn về nguồn cội của từng động tác và giai điệu, đã có thể làm chủ được một tác phẩm múa hoàn chỉnh. Và rõ ràng là ban giám khảo của Liên hoan múa toàn quốc 2013 cũng nhận ra điều này khi tác phẩm Nỗi lòng Trưng Trắc được trao giải A và Thùy Chi đoạt huy chương vàng Tài năng biên đạo trẻ.

“Chúng ta đã ở đó”

Thùy Chi không hề chọn múa cho mình. Bố mẹ (GS-NSND Tạ Bôn và NSND Kim Dung) đã chọn thay cho con. Thùy Chi cùng Linh Nga được gia đình đưa sang Trung Quốc học múa từ năm 12 tuổi. 10 năm của Chi và Nga đã trôi qua ở Trường múa Quảng Đông xa xôi. Tuổi thơ của hai cô bé trôi qua giữa khung cảnh những chiếc giường sắt, bát sắt trong ký túc xá, giữa những buổi tập luyện vất vả, những quy định hà khắc kiểu “tăng cân là phải chạy mấy vòng sân trường”, giữa những đợt gọi điện về VN mà đứa này phải cầm một tờ giấy soạn sẵn nội dung và “nhắc tuồng” cho đứa kia tranh thủ báo cáo tình hình với bố mẹ.

Với Chi và Nga, rõ ràng họ đã ở đó cùng nhau trong muôn vàn ký ức tuổi thơ của mình. Nên sau này khi Linh Nga nổi tiếng hơn, được săn đón hơn thì mọi người lại sốt ruột giùm cho sự lặng lẽ của Thùy Chi. Nhưng Chi bảo: “So sánh vậy là khổ cho Chi và Nga lắm. Chúng tôi từng ở đó cùng nhau, nhưng bây giờ mỗi đứa đều có một lối đi riêng và bất kỳ sự kiện nào trong cuộc sống của đứa này đều khiến đứa kia xúc động. Vậy là đủ!”.

Còn với biên đạo múa Ngọc Anh - người cùng dàn dựng và biểu diễn chung với Thùy Chi trong chương trình sắp tới, cái duyên “ta đã ở đó” lại bắt nguồn từ một sự kết nối kỳ lạ dù cả hai chưa bao giờ làm việc cùng nhau trước đó. Năm 1998, GS-NSND Tạ Bôn trong một lần gặp Ngọc Anh và khoe rằng mình vừa cho con gái đi Trung Quốc học múa và “nó khóc dữ lắm!”. Cũng năm đó Ngọc Anh đi du học ngành múa ở Anh rồi sau này trở về làm việc tại Hong Kong. Thùy Chi cũng có nghe bố nhắc đến Ngọc Anh với ấn tượng rằng “anh ấy là con trai mà còn khóc nhiều hơn mình khi xa nhà!”.

Cách đây ba năm Ngọc Anh và Thùy Chi có dịp cùng về nước và đứng chung trên sân khấu trong chương trình múa đương đại Mộc nhưng không múa cùng nhau. Chỉ sau khi chương trình kết thúc và những cuộc gặp gỡ ngoài sàn tập mở ra, họ mới “nhận ra” nhau. Thì ra “chúng ta cũng đã ở đó” - ở nơi của những nỗi nhớ trong hành trình 15 năm xa nhà vì múa của cả hai. Vậy nên ý tưởng về chương trình Ta đã ở đó hình thành và được thai nghén suốt một năm qua, như một thời khắc lắng đọng mà cả Thùy Chi và Ngọc Anh muốn chia sẻ với khán giả về tình yêu múa và nỗi nhớ quê hương họ đã gìn giữ và trân trọng nơi xứ người.

Những ngày này Thùy Chi vẫn miệt mài trên sàn tập. Cô vừa mong đến buổi diễn để được gặp lại khán giả, nhưng cũng vừa lo sợ diễn xong rồi thì... ngày mai đi tập với ai! Chi chủ động chọn cho mình một cuộc đời giản dị với những niềm vui bé mọn hằng ngày như vậy. Và Chi đã ở đó từ lâu.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên