TTCT - Hôm đó là buổi hừng đông của tháng chạp năm 1972, tôi 12 tuổi và đang gỡ con cá chẽm mắc lưới dưới bến sông trong tiết trời gió bấc lùa về lạnh như cắt thì chiếc tàu Thành An (chạy tuyến Vàm Lẽo - Bạc Liêu) ghé trước cửa nhà tôi. Phóng to Tranh: Hoàng Tường Bước lên bờ là một người con gái lạ, khoảng 20 tuổi. Chị thoáng tần ngần rồi bước thẳng vào nhà tôi nói lí nhí, thèn thẹn với ba má tôi trong sự ngạc nhiên của hai người: “Thưa ba má, con là vợ hứa hôn của anh Ba Đờn. Ảnh có gởi thơ cho ba má...”. Ba tôi cầm thơ đọc, thơ viết: “Thưa ba má! Cô gái cầm thơ này là Cưởng, vợ hứa hôn của con. Con đã báo cáo với tổ chức, còn ba má vì hoàn cảnh chiến tranh lại xa xôi nên Cưởng về nhà mình báo với ba má thay con, mong ba má tha lỗi! Sắp độc lập rồi, khi đó con về cày ruộng nuôi ba má và làm đám cưới với Cưởng để ba má nở mày nở mặt với người ta. Con nhớ ba má và mấy đứa em con lắm! Con của ba má: Phan Hữu Đờn”. Đọc xong thơ, ba má tôi đều mừng. Kể ra, anh Ba tôi đi vào vùng giải phóng đã hơn bốn năm mà gia đình chỉ thăm anh được một lần, cách đây hơn hai năm. Lần đó tôi, má tôi cùng cô Tư chèo xuồng từ nhà tôi ra Vàm Lẽo hơn 20 cây số để thăm anh. Thời buổi chiến tranh, mỗi lần đi thăm là khó khăn, nguy hiểm vô cùng. Trên đường đi phải trốn máy bay của Mỹ ngụy. Ra đến Vàm Lẽo phải ở đó mấy ngày để nhờ người “móc” anh Ba về. Nghe tin má và tôi ra, anh băng đồng cả một đêm, một ngày mới về tới chỗ thăm. Năm tôi ra thăm, anh Ba mới 21 tuổi mà nghe nói đã làm đến chức trung đội trưởng trinh sát của tiểu đoàn Phú Lợi I. Hôm đó, anh mặc cái quần đùi, đội nón tai bèo, mình đeo súng và đạn M79. Gặp nhau, anh cứ ôm má và tôi đến nghẹt thở. Nhìn vết thương trên sống mũi anh mới kéo da non, má tôi khóc. Anh an ủi: “Má đừng lo, sắp độc lập rồi, con về cày ruộng nuôi má!”. Anh thức suốt đêm nói chuyện với má và cô tôi. Còn tôi nằm gác đầu trên đùi anh, thi thoảng anh cúi xuống hôn vào trán tôi. Tôi thương anh Ba tôi nhất nhà. Anh trắng trẻo, đẹp trai mà cũng hiền và chịu cực khổ nhất nhà. Hồi đó, đất ruộng nhà tôi cặp mé sông Bạc Liêu mà pháo binh ngụy từ chi khu Bạc Liêu chiều nào cũng bắn ra. Pháo bắn làm sụp hầm chết không biết bao nhiêu người. Đạn pháo cũng làm vỡ bờ, vỡ đê nên nước mặn tràn lên ruộng, năm nào lúa cũng thất mùa. Má tôi đi cấy mướn, ba tôi đi gặt, đập lúa thuê. Anh Ba tôi 12 tuổi đã đi ở đợ chăn trâu để mỗi năm kiếm 50 giạ lúa cho gia đình. Lâu lâu anh băng đồng 4-5 cây số về thăm em, thăm má, trên tay là một nón trứng chim, một cây ống thụt cho tôi. Anh về ăn cơm gấp gáp, ôm tôi hôn mấy cái rồi đi. Má tôi rớt nước mắt, dúi cho con nắm cơm, thẻ đường... Năm 1968, chế Hai tôi 17 tuổi được gả ra ngoài xóm Năm Căn, cách nhà tôi hơn 4 cây số. Mới theo chồng được bốn tháng, chế Hai bị “đầm già” của Mỹ bắn chết. Chế Hai tôi chết không toàn thây, đầu tóc cháy sém, tay chân gãy hết vì lãnh nguyên trái pháo. Hay tin dữ, nửa đêm anh Ba tôi băng đồng về nhà. Đến nơi thì căn nhà cũ đã bị thiêu trụi, bởi trước đó lính tiểu khu Vĩnh Lợi phát hiện trong vườn nhà tôi có hai hầm bí mật. Ba má tôi bồng bế con cái xuống ghe chạy vào chùa Cả Giá lánh nạn trước khi chúng đốt nhà, bắt người. Anh Ba tôi quanh quẩn một đêm ở khu nhà cũ hoang tàn. Đến sáng, anh băng đồng vào căn cứ Vàm Lẽo đi theo cách mạng trong nỗi hận thù những kẻ đã giết chị, làm ly tán gia đình mình. Sau phút xúc động xem thơ của anh Ba, má tôi bình tĩnh nhìn con dâu tương lai từ đầu đến chân rồi gật đầu hài lòng. Con gái ruộng mà chị Cưởng trắng như bông bưởi. Đôi mắt bồ câu ướt rượt, sống mũi dọc dừa, đôi má son hồng như giồi phấn, cái miệng cười hồn nhiên mà hiền lành. Má tôi ôm chị, vuốt mái tóc đen huyền chấm lưng của chị âu yếm như vuốt tóc con gái. Đêm đó, chị Cưởng vào buồng ngủ với má tôi, chị ôm má tôi vừa thủ thỉ vừa khóc. Tôi nằm ngoài võng, nghe tiếng được tiếng mất. Đại khái câu chuyện của chị thế này: Nhà chị ở Hòa Tú, cũng làm ruộng và nghèo như nhà tôi. Chị có cha mẹ già, một đứa em gái và một anh trai. Thập niên 1960, Mỹ leo thang chiến tranh thì quê chị chìm trong đạn bom, máu lửa. Năm 1967, máy bay bỏ bom làm sụp hầm, giết chết mẹ và em gái chị. Cũng như anh Ba tôi, anh Hai chị lên đường. Chị sống côi cút với cha già. Dường như có duyên số sắp đặt, anh Hai chị là đại đội trưởng của tiểu đoàn Phú Lợi I, thủ trưởng của anh Ba tôi. Đơn vị Phú Lợi I đóng quân ở Hòa Tú nên anh Hai chị thường dẫn anh Ba tôi về nhà chị chơi. Đến năm 1970, anh Hai chị hi sinh trong một trận chống càn ở Sài Ca Nã. Sau biến cố này, ba chị tưởng như không còn chịu đựng được nữa, may nhờ có anh Ba tôi thường xuyên đến động viên, an ủi nên ba chị cũng dần nguôi ngoai. Mỗi khi đóng quân gần, anh Ba tôi dẫn quân về nhà chị gặt lúa giùm rồi kéo lúa vào sân. Chị Cưởng bảo anh Ba tôi giỏi lắm! Mỗi lần ghé thăm là leo lên thóc nóc nhà cho chị hay sửa cái giàn bếp, khi thì sên giùm cái đìa... Anh thực hiện nghĩa vụ hậu phương - quân đội bằng tấm lòng của đứa con trai trong nhà. Nghĩa cử đó làm cho chị cảm mến anh Ba tôi, còn ba chị thì bảo: “Tao phải gả con Cưởng cho thằng Ba Đờn thì mới yên cái bụng”. Từ đó, việc hôn nhân giữa chị và anh Ba tôi mới thành sự. Nửa đêm, tôi nghe chị Cưởng và má tôi sụt sịt khóc. Chị bảo đời chị côi cút, đau thương. Giờ đây có anh Ba Đờn, có gia đình tôi, chị xem như có gia đình mới, cảm thấy được an ủi bù đắp nên mừng lắm. Chị bảo trước khi chị vô đây, ba chị dặn vào nhà tôi lo tết với gia đình chồng để tạo tình thân. Thế là chị ở nhà tôi từ rằm tháng chạp đến mùng 4 tết mới về. Suốt thời gian ấy, chị quấn quýt với mẹ và em chồng. Chị tắm rửa, kỳ cọ cho tôi và con Diệu. Chị sức dầu dừa rồi chải đầu, bắt chí cho má tôi. Chị không cho má tôi làm động móng tay, còn chị thì làm việc không hở tay. Gà gáy chập đầu, chị đã thức dậy lọ mọ vo gạo nấu cơm rồi dọn dẹp bếp núc. Sáng sớm, chị đã chẻ củi, tét lá dừa, rồi đi rọc lá chuối để phơi, chuẩn bị gói bánh tết. Thời gian ở nhà tôi, chị chẻ củi chất thành một cự to ở sau hè và tét mấy chục bó lá dừa để nhóm lửa chất bên chái bếp mà má tôi dùng nửa năm cũng không hết. Chị bảo anh Ba Đờn thương má lắm, giờ anh bận lo việc nước nên chị thay anh đỡ đần cho má được chút ít là chị mừng rồi. Nghe chị nói, má tôi ôm chị mà rơm rớm nước mắt. Chị bảo mấy tháng trước chị ướm thử hối anh làm đám cưới. Anh bảo ráng chờ độc lập, đám cưới có ba má và các em dự cho vui. Chờ anh bao lâu chị cũng chờ được, nhưng chị sợ. Một nỗi sợ mơ hồ rồi thành nỗi ám ảnh triền miên. Chiến tranh ngày càng ác liệt, đơn vị anh Ba chiến đấu liên miên. Mỗi lần anh về là y như trên người anh có thêm một vết thương. Chị sờ lên những vết thương ấy mà khóc. Khi anh đi, mỗi lần nghe bom rền pháo giội xa xa là chị đứng ngồi không yên. Nỗi sợ của chị Cưởng cũng là nỗi sợ của ba má tôi. Tại làng tôi, chết chóc cứ rình rập. Chiều thì đầm già lượn lờ phóng pháo, đêm thì pháo 110 ly từ chợ Bạc Liêu bắn ra, ngày thì tàu chiến Mỹ bắn lên làng xóm như vãi trấu nếu chúng phát hiện có gì lạ. Nhưng đó không phải là nỗi sợ lớn của ba má tôi. Nỗi sợ lớn của hai người ở phía Vàm Lẽo - nơi anh Ba tôi đang xông pha trận mạc. Đầu mùa sa mưa, cây me già trước nhà tôi thay lá, cứ chiều chiều má tôi ra gốc me ngồi ngóng về phía Vàm Lẽo. Ở đó là một chân trời rất xa, có sấm chớp nhì nhằng của mưa đầu mùa xen lẫn với ánh chớp của lửa đạn. Mắt má tôi buồn nhớ con trai và lo sợ cho nó đến quằn quại. Không biết từ bao giờ nỗi sợ hãi ám ảnh má tôi rồi biến thành căn bệnh “liệu”. Hễ có tiếng súng hoặc ai làm rớt vật gì ở gần là má tôi “liệu”: “mô Phật, mô Phật”. Tháng giêng, má tôi lấy chiếu, đệm bao ví ngoài sân rồi đốt mấy chục ngọn đèn cầy mà lạy trời, lạy Phật van vái cho hòn đạn mũi tên có con mắt biết tránh anh Ba tôi. Chiến tranh càng ác liệt, đầu ba má tôi ngày càng bạc trắng. Vậy mà nỗi sợ lớn nhất của chị Cưởng và ba má tôi rồi cũng xảy ra. Đó là một buổi hừng đông. Cũng trên chiếc tàu Thành An chạy từ Vàm Lẽo vào, hôm đó nước sông Bạc Liêu ròng sát kiệt, chị Cưởng để nguyên quần áo nhảy xuống bãi sình, lội lên nhà tôi. Mới không gặp chị hai tháng mà tôi thấy chị đổi khác vô cùng, người hốc hác, xanh xao, tóc tai bù xù... như già đi mười tuổi. Chị đổ sụp vào người má tôi rồi bất tỉnh sau khi nói kịp có một câu: “Má ơi, anh Ba hi sinh rồi!”. Ba má tôi như chết đứng, rồi một nỗi đau đến tận cùng chảy ra theo những giọt nước mắt. Tôi nhìn vào bốn hố mắt già nua của hai người, bắt gặp một nỗi thống khổ tột cùng của kiếp nhân sinh. Ba tôi ngồi đó như sụp xuống, má tôi quằn quại đau đớn. Tất cả chúng tôi đều không dám khóc to. Anh Ba tôi chết, gia đình cũng không dám làm đám tang, không dám dựng bàn thờ tang cho anh, bởi vì vùng tôi ở là vùng kềm “ngày quốc gia, đêm cộng sản”. Trước đây, ba má tôi trả lời với tề ngụy rằng anh Ba tôi lên Sài Gòn làm hãng tàu, giờ nếu để chúng biết được anh làm cách mạng thì làm sao sống nổi ở đất này. Mười bốn tuổi, tôi cảm được nỗi đau đời. Tôi ra bờ đìa ngồi khóc một mình khi chiều xuống. Tôi nhìn về phía Vàm Lẽo, ở đó ráng chiều bầm tím một góc trời, rồi tôi nhớ anh Ba tôi khôn xiết. Nhớ mỗi lần giữ trâu về thăm nhà là anh dúi cho tôi cái ống thụt, cái nạng dàn thun. Tôi lớn tồng ngồng mà anh ôm tôi hôn chùn chụt... Tôi nhớ anh ra chợ Bạc Liêu được đôi lần. Một lần, dịp giáp tết, cô tôi cho một ít tiền, anh dẫn tôi và anh Hữu ra chợ Bạc Liêu vào tiệm chụp hình Hồng Kông (tiệm của cha anh Khưu Lễ, phó chủ tịch Liên hiệp các hội KH-KT tỉnh Bạc Liêu, vừa mới mất cách đây vài tháng vì tai nạn giao thông) để ba anh em chụp một tấm hình. Hình lấy về, ai cũng đẹp, vậy mà má tôi ngồi buồn. Bà lấy hình giấu đi vì bà có niềm tin mê tín rằng: chụp hình ba người sẽ chết một người. Vậy mà cái niềm tin dân dã đó lại đúng một cách đau đớn như thế. Chị Cưởng nằm vật vã trong buồng má tôi ba ngày rồi đi liêu xiêu xuống tàu về quê như kẻ mộng du. Chị bảo đi tìm mộ anh Ba. Từ ngày anh Ba hi sinh, chị Cưởng đến ở nhà tôi nhiều hơn. Nhìn chị, tôi cảm được nỗi đau góa phụ của đời người phụ nữ như thế nào. Chị ngày càng tiều tụy, sức sống và sự tươi trẻ tuột mất khỏi đời chị. Chị lầm lũi “dâng cơm mời nước” cho cha mẹ chồng, chăm sóc em chồng. Tối, chị ôm má tôi âm thầm chảy nước mắt. Ngày, chị làm việc nhà quần quật. Chị dang nắng chẻ củi, giặt đồ cứ giống như chị rước lấy cực khổ để quên nỗi đau. Một buổi trưa hè nọ, má tôi ngồi nhìn chị bằng ánh mắt u ám, rồi bà kêu chị ra sàn lãn, cạnh lu nước để bà gội đầu cho chị. Nhìn mái tóc xơ xác, cháy sém của chị, má tôi bật khóc, chị cũng khóc, rồi mẹ chồng nàng dâu ôm nhau mà khóc. Má tôi uất ức, thương cảm nói với chị rằng: “Má chỉ có một thằng Đờn, làm sao má bù đắp được cho con đây hỡi trời!...”. Anh Ba tôi hi sinh năm 1974, lúc đó chị Cưởng 23 tuổi. Từ đó đến năm 1980, cả thời chiến tranh cho đến khi hòa bình, chị đều lui tới nhà tôi thường xuyên, đặc biệt là khi tết đến. Có chị Cưởng, ba má tôi cảm thấy như được bù đắp. Hai người xem chị như con gái. Tháng chạp năm 1980, chị lại vào lo tết với má tôi, chị lầm lũi ra cụm rừng sau nhà tìm những góc trâm bầu khô đem về để nấu bánh tết, rồi rọc lá chuối... Khuôn mặt chị ẩn chứa một nỗi niềm ray rứt khó nói. Má tôi dò hỏi, chị khóc trước mặt ba má tôi rồi nói uất nghẹn: “Con định thưa với ba má cho con đi lấy chồng”. Má tôi ngồi buồn xo rồi lặng lẽ khóc. Tôi biết má tôi buồn một nỗi buồn của người mẹ sắp mất thêm một đứa con. Ba tôi thì ngồi trên bàn giữa, suy nghĩ rất lâu rồi chậm rãi nói, giọng rất buồn: “Bà đừng khóc, con Cưởng đi lấy chồng là phải lẽ. Đàn bà con gái chỉ có một thời. Bà bịn rịn làm lỡ duyên con tội nghiệp. Hơn nữa, đối với gia đình mình, đối với thằng Đờn, mặc dù chưa đám cưới, nó cũng làm được phận vợ, phận dâu...”. Chị Cưởng về. Đi như chạy, không dám ngoái đầu lại nhìn má tôi, cứ y như chị là kẻ có lỗi. Còn ba má tôi lại như vừa vuột khỏi tay một đứa con. Hai ông bà già lặng lẽ, cực nhọc đi đốn lá ngày đêm để bán mót tiền mua một chiếc nhẫn nhỏ tặng chị vào ngày cưới. Chồng chị Cưởng là một chủ ghe chài chở lúa gạo từ Bạc Liêu lên vùng trên. Hồi đó là thời bao cấp, nghèo lắm, có lúc nhà tôi ăn cơm độn khoai. Nghe nói chồng chị khá, ba má tôi vừa tủi vừa mừng, dù sao cũng đỡ tấm thân cho chị. Bẵng đi hơn một năm sau, chị Cưởng mới về thăm lại nhà tôi. Khác hơn chúng tôi hình dung, chị Cưởng xanh xao, vàng vọt hơn, má trái chị bầm xanh hum húp. Mắt chị buồn đến thăm thẳm tái tê. Chị mang quà tặng ba má chồng và mấy đứa em chồng cũ rồi nói nói cười cười một cách gượng gạo, giả tạo. Má tôi cảm được điều không lành, bà gặng hỏi thì chị Cưởng bảo là bị té đòn dài bầm má. Đến tối, má tôi kêu chị vào buồng ngủ, bà ôm con dâu cũ mà rớt nước mắt rồi bảo: “Con dối gạt ai chớ làm sao gạt được má. Con không có hạnh phúc phải không?”. Chị khóc lặng lẽ. Chị nghẹn ngào nói với má tôi: “Chồng con không thương con như anh Ba Đờn. Ảnh bảo con thờ con ma chớ không phải thờ chồng. Ảnh chạy theo tiền, những cuộc làm ăn và những người đàn bà khác. Ảnh ruồng rẫy, đánh đập con...”. Má tôi ôm chị, dỗ dành rồi khóc cùng chị. Tôi biết bà đau lắm, nỗi đau của người mẹ khóc phận bạc của con gái. Và kể từ năm 1983, chị Cưởng không còn về nhà tôi nữa. Năm nào tết đến, ba má tôi cũng mong ngóng chị. Tôi biết chị không phải là người bạc lòng, phải chăng đời chị khổ quá nên không dám về, sợ làm buồn lây những người mình đã trót yêu thương. Năm tháng qua mau, tin tức về chị Cưởng vẫn mịt mù thăm thẳm. Đến năm 1984, má tôi qua đời, sau đó 13 năm, ba tôi qua đời mà chị Cưởng vẫn bặt tăm. Tôi biết ba má tôi ra đi vẫn còn mang nỗi mong chờ chị xuống mộ. Năm 2003, nhân chuyến đi cúng mộ anh Ba Đờn ở nghĩa trang Hòa Tú, tôi lội bộ hơn chục cây số về xóm Gọc Tre tìm gia đình chị, nhưng người của xóm bảo bác Ba Kiệt, ba chị, đã chết từ lâu, còn chị thì mấy chục năm không thấy về nữa. Chị Cưởng ơi! Chuyện của gia đình mình xảy ra đã suýt soát 40 năm. Dẫu biết đời nhiều dâu bể, nhưng em vẫn tin chị còn sống nên viết mấy dòng này trên báo. Nếu có duyên số, chị đọc được bài báo này, dù hoàn cảnh có ra sao, xin chị hãy nhắn cho em một cái tin, em sẽ tìm chị. Em là thằng Nghĩa, đứa em chồng trước bé nhỏ của chị năm xưa. Năm nay em đã 53 tuổi, sống tại thành phố Bạc Liêu. Chị Cưởng ơi! Tết nào em cũng ngồi nhớ chị. Nhớ những cái tết nghèo khó và buồn đau của gia đình mình. Mùa xuân hôm nay có đẹp thì nỗi nhớ của em cũng đắng ngắt. Năm nay, mùa xuân ở chợ Bạc Liêu thật đẹp. Chiều chiều em ra đường Nguyễn Tất Thành rồi ngó ra quảng trường lớn, ở đó đèn hoa rực rỡ, có những đôi trai gái sóng đôi hạnh phúc. Thế là em nhớ chị, nhớ anh Ba. Rồi em nhớ ba má, nhớ chế Hai... Em nhớ những phận người trong chiến tranh. Đó là một nỗi nhớ da diết, một niềm ray rứt khôn nguôi của em, của hôm nay. Tags: Bút kýPHAN TRUNG NGHĨA
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.