16/01/2020 13:11 GMT+7

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - “Thầy đi trò, trò đi ngủ, ngủ... tới, tới rồi!”. Ngày tết nếu bạn về một làng quê xứ Huế mà nghe hô như thế, thì đích thị là hội bài tới. Và hãy đọc câu chuyện dưới đây để biết thêm một điều vừa đáng mừng vừa đáng lo.

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 1.

Nghệ nhân Ngô Thị Tuyết đang chế tác bộ bài tới - Ảnh: MINH TỰ

UNESCO gọi những nghệ nhân dân gian như bà Tuyết là “Báu vật nhân văn sống”. Điều đáng lo, bà Tuyết hiện là nghệ nhân duy nhất còn thực hành việc chế tác bộ bài tới. Bộ bài này lại gắn liền với văn hóa bài chòi - di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, nhà nước cần có cách để cùng gia đình bà giữ gìn nghề này, vì đã là nghề gia truyền thì chỉ con cái mới là người có thể tiếp nối cha mẹ.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách

Du khách thập phương chơi xuân rất thích thú với trò chơi bài chòi ở Hội An hay cầu ngói Thanh Toàn (Huế).

Nhưng có lẽ ít ai biết những chiếc thẻ bài chòi đó được chế tác từ bộ bài tới do một người phụ nữ 67 tuổi ở Huế làm ra.

Đó là nghệ nhân duy nhất vẫn miệt mài làm bộ bài tới để duy trì trò chơi dân gian gắn liền với tết Việt.

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 3.

Căn nhà bà Tuyết phơi đầy những lá bài vừa in xong - Ảnh: M. TỰ

Hơn 50 năm vẫn... tới

Bà là Ngô Thị Tuyết, 67 tuổi đời, 54 tuổi nghề, hiện sống ở làng Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Ngôi làng ven đô Huế, nằm ngay sát cạnh phổ cổ Bao Vinh - nơi nổi tiếng với những nghề truyền thống và cũng là bối cảnh của bộ phim Mắt biếc.

Tôi về làng Địa Linh vào ngày giáp Tết Canh Tý 2020, hỏi bà Tuyết làm bài tới, người dân làng vui vẻ chỉ đường. Bước vào đã thấy ngổn ngang những con bài với hình thù lạ mắt đang phơi đầy cả nhà.

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 4.

Công việc bà Tuyết đã làm từ năm 14 tuổi - Ảnh: M. TỰ

Bà Tuyết đang tất bật cho kịp chuyến hàng tết. "Hồi trước nhằm mấy ngày tháng chạp, cả nhà tui phơi đầy bài. Cả xóm cùng làm. Nhà ni làm bài, nhà tê chơi bài, làng xóm rộn ràng vui lắm!", bà Tuyết vừa cắt những lá bài vừa trò chuyện.

Làm bài tới là nghề gia truyền, bà không rõ đời ông cố đã có chưa, nhưng từ đời ông nội thì nghề này đã thịnh hành. Ông nội truyền lại nghề cho cả tám đứa con. Đến lượt tám người con lại truyền nghề cho đàn cháu, nhưng giờ chỉ còn mình bà Tuyết theo nghề.

Năm 14 tuổi, bà được cha dạy nghề, vừa đi học vừa làm bài tới. Đó là những năm đầu thập niên 1950, thú chơi bài tới đang rất thịnh hành và bộ bài tới luôn có mặt trong ngày tết từ quê lên phố Huế.

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 5.

Mỗi ngày bà Tuyết cung cấp cho chợ Đông Ba 100 bộ bài tới - Ảnh: M.TỰ

Khoảng tháng 9 ta thì ông Ngô Sự (ba bà Tuyết) soạn khuôn in bài tới ra để vào mùa tết. Khuôn in bài tới làm bằng gỗ thị, mực in là muội đèn dầu, nên mỗi đêm luôn phải thắp vài cây đèn dầu vặn to để sáng mai có mực mà in.

Về sau, in bằng mực tàu nên cũng đỡ vất vả hơn. Mỗi ngày nhà bà xuất xưởng khoảng 200 bộ bài tới, làm đến chiều ba mươi tết mới dừng để cúng tất niên. Chợ Đông Ba là đầu mối, phân phối đi khắp cả vùng từ Quảng Trị đến tận Nha Trang.

Nghệ nhân Ngô Thị Tuyết đang thực hiện công đoạn cắt xén bộ bài tới - Video: MINH TỰ

Bây giờ thì bài không in bằng khuôn gỗ nữa mà bằng kỹ thuật in lụa, trên giấy roki, nên hình ảnh sắc nét và quân bài đẹp hơn xưa. Công việc còn lại là dán bài lên giấy màu lưng bài, hong ráo, rồi cắt xén và đóng bộ.

Một mình bà cặm cụi với tất thảy công đoạn, nhưng mỗi ngày vẫn cung cấp đều đặn cho chợ Đông Ba khoảng 100 bộ. Bà chủ quầy hàng Lâm Vy ở chợ Đông Ba cho biết ở Huế hiện chỉ còn một mình bà Tuyết làm loại bài này.

Bài tới của bà Tuyết được phân phối về khắp các làng quê của Huế, và đóng hàng vào tận Quảng Nam, Quảng Ngãi...

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 7.

Bộ bài tới có 30 con bài, mỗi con bài có một cặp chia cho hai phe - Ảnh: M. TỰ

Tới bài - bài tới

Tôi cũng mua một lốc 10 bộ bài tới để đem về tặng cho bạn bè ngày tết và nhờ bà Tuyết hướng dẫn lại cách chơi.

Lần cuối cùng tôi chơi bài tới là tết năm 1984 khi rời làng quê lên phố đi học. 36 năm không chơi bài tới nhưng khi bà Tuyết hướng dẫn là tôi thực hành được ngay cái trò chơi ngày tết rộn ràng một thuở.

Bộ bài tới có 30 cặp bài, chia làm ba pho: văn, vạn, sách và ba cặp bài yêu.

Các con bài hình chữ nhật dài như chiếc thẻ, in những hình thù cổ xưa, vừa có tên Hán (tử, tuyết, liễu) lẫn tên nôm (rún, nghèo, xơ, quăn...), nhưng trên đầu mỗi con bài lại ghi tên bằng chữ quốc ngữ.

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 8.

Pho "văn" trong bộ bài tới - Ảnh: M. TỰ

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 9.

Pho "vạn" trong bộ bài tới - Ảnh: M. TỰ

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 10.

Pho "sách" trong bộ bài tới - Ảnh: M. TỰ

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 11.

Ba con bài "yêu" trong bộ bài tới - Ảnh: M. TỰ

Chơi bài tới chia thành hai phe, mỗi phe có ba người chơi, với 30 con bài nên mỗi người được phát 10 con. Người đánh đầu tiên gọi là "đi chợ", phát ra một con bài, phe bên kia ai có con bài tương tự thì được quyền đi, bằng cách rút con bài đó kèm theo một con bài mới.

Cứ thế mà thả bài xuống chiếu cho đến khi còn lại hai con thì hô "chực", tức chầu chực để chờ "tới".

Trong bộ bài tới, có ba con bài đóng dấu triện đỏ (Ầm, Tử, Mỏ), đó là bài không được dùng để đi chợ và chực. Vì vậy, khi đối phương chực thì người ta thường dùng con bài đỏ này để đi, bà Tuyết nói đó là con bài chặn.

Lúc này, phe bên kia phải thận trọng đi cách sao để đối phương không tới được. Khi phe bên kia đi con bài trùng với một trong hai con bài chực thì hô to "tới, tới!". "Gọi tên bài tới là rứa đó!" - bà Tuyết cho hay.

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 12.

Nhiều gia đình ở Huế ngày nay vẫn còn duy trì thú chơi bài tới ngày xuân - Ảnh: TĐAS

Từ bộ bài tới, người xưa đã tạo ra nhiều trò chơi khác như bài ghế, bài thai, bài nọc, bài đôi, bài phu, bài đố... Và điển hình nhất là bài chòi - một trò chơi dân gian kết hợp của nhiều nghệ thuật: văn chương, âm nhạc, sân khấu, hội họa...

Ngày xuân, bạn về chơi khu chợ quê cạnh chiếc cầu ngói Thanh Toàn (Huế) mà nghe trống giục tùng tùng cùng những câu hò đầy chữ nghĩa, đó là hội bài chòi. "Đi đâu ôm tráp đi hoài/Cử nhân không thấy tú tài cũng không", đích thị con bài "học trò".

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 13.

Hội bài chòi ở Hội An - Ảnh tư liệu

Ngày 7-12-2017, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giáo sư Đặng Hoành Loan, thành viên nhóm lập hồ sơ di sản này, cho biết trò chơi bài chòi chỉ có ở vùng Trung Bộ, từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận, và nơi phát tích của trò chơi này là đất Thuận Hóa. Bộ bài tới của Huế là căn cứ để làm các bộ thẻ bài chòi ở các tỉnh Trung Bộ.

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 14.

Thẻ chơi bài chòi được làm từ bộ bài tới - Ảnh tư liệu

Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè bài tới/ Cơm chưa kịp xới/ Trầu chưa kịp têm/ Tao đánh ba đêm/ Thua ba tiền rưỡi/ Về nhà chồng chửi/ “Thằng Móc, thằng Quăn/ Đánh sao không ăn/ Mà thua lắm bấy?” Tui lấy tiền cấy / cho đủ mười ngày...

vè Bài tớVè bài tới đăng trên báo Thông loại khóa trình năm 1888

Tới và tới đâu?

Vào buổi thịnh vượng nhất (thập niên 1950-60), làng Địa Linh có khoảng 10 nhà làm bài tới. Nhưng rồi con số đó cứ giảm dần, vì ngay từ hồi đó, cái nghề này vẫn không đủ nuôi sống gia đình họ.

Các cô bác của bà Tuyết cũng truyền nghề cho con, nhưng rồi chẳng ai theo đuổi nổi. Các anh chị em bà Tuyết cũng vậy, họ phải làm nghề khác để sống, chỉ một mình bà theo nghề cho đến tận hôm nay.

Mỗi bộ bài bán sỉ giá ba ngàn đồng, mỗi ngày làm trăm bộ, trừ đi vốn liếng vật liệu thì tiền công còn chẳng là bao.

Chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm bài tới - Ảnh 16.

Bộ khuôn khắc trên gỗ thị dùng để in bài tới, truyền từ đòi ông nội đến đời bà Tuyết, đã hơn 100 năm - Ảnh: M.T

Bà Tuyết cho tôi xem bộ khuôn gỗ thị dùng để in bộ bài tới do ông nội truyền lại có tuổi ngoài trăm năm và nói: "Tui vẫn làm là vì cố giữ cái nghề gia truyền. Nếu tui bỏ thì cái nghề ni sẽ mất ngay".

Bà cho hay cả năm đứa con bà đều biết làm bài tới và rất hiểu nỗi lòng của mẹ cũng như quý trọng nghề ông bà truyền lại, nhưng họ không thể sống được bằng cái nghề thủ công mỹ nghệ "dày văn hóa mà mỏng kinh tế" này.

Buổi tối đi làm về họ cũng phụ mẹ làm bài. Ngày tết, cả nhà vẫn trải chiếu đánh bài và hào hứng "tới, tới". Nhưng sẽ tới đâu thì chưa ai có thể trả lời được.

Nguồn gốc bộ Bài Chòi Nguồn gốc bộ Bài Chòi

TTCT - Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè bài tới/ Cơm chưa kịp xới/ Trầu chưa kịp têm...

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên