Trong bất cứ câu chuyện "giúp nhau mùa dịch" nào, chẳng có câu chuyện nào lại giống câu chuyện nào. Những nghĩa tình đẹp của con người trong cơn đại dịch vẫn phát xuất theo mỗi hướng khác nhau, theo khả năng của từng người, từng trường hợp, mà thành nên những câu chuyện vô cùng ấm áp, nhân văn.
Như chị Minh Uyên - làm nghề "cho thuê phòng trọ" trong bài viết, khi COVID-19 quay trở lại, chị thêm nhiều trăn trở và lắng lo. Không chỉ là những ưu tư về dịch bệnh, chị còn ôm nhiều thật nhiều vô vàn suy nghĩ cho mọi người, những khách trọ mà chị coi như là thành viên "Nhà Mình", nơi đã gắn bó suốt nhiều năm qua trong con hẻm nhỏ đường Bùi Đình Tuý, Bình Thạnh.
Chị Uyên kể, "cho thuê phòng trọ" là nghề cha truyền con nối của gia đình mình. Từ đời ông ngoại, đến mẹ và giờ đến chị, vẫn tiếp tục đón tiếp những lượt khách thuê đến và đi, như truyền thống đó giờ. Mỗi ngày, xoay quanh chị là hàng tá việc liên quan đến "Nhà Mình" cùng 50 thành viên, ở trong căn nhà 6 tầng, có thang máy.
Mùa dịch, chị chất chồng nỗi lo "nhiều hơn một tí" vì có không ít bạn trong "Nhà Mình" phải tạm dừng công việc, ở hẳn trong nhà suốt để làm việc từ xa khi có lệnh giãn cách hoặc tìm đường về quê, tiết kiệm chi phí. Có gì "nhiều hơn một tí" như cái bánh, những bó rau hay túi trái cây, bọc trứng gà trong nhà, chị đều chia sẻ cho mọi người.
"Chị chẳng xem các em thuê nhà mình là khách trọ bao giờ cả, còn chị thì luôn là người chị lớn. Mỗi người ở đây giống như một thành viên trong một gia đình to vậy. Nhà chị lầu 1, còn các bạn ở các lầu 2, 3, 4... Những khi dư dả đồ ăn, lương thực trong mùa dịch, chị san ra cho các bạn, bớt đi lắng lo cơm áo gạo tiền khi thành phố đang 'bị bệnh' mà thôi", chị Minh Uyên tâm sự.
Vì ở chung với nhau, có thuốc men, vật tư y tế hay thông tin gì về việc tiêm vaccine, chị đều theo dõi và hỗ trợ sát sao cho cả nhà. Đồ ăn, thức uống mùa này, chị khoe "rình dữ lắm" để đem về chia cho mọi người trong nhà.
Việc sắp xếp xe cộ cho 50 cư dân trong nhà cũng một tay chị lo cả. Chị quen thuộc giờ giấc đi về của từng người, nên biết sẽ dắt xe ở vị trí nào để bạn đó dễ lấy nhất vào ngày hôm sau. Có lần chị bệnh, áy náy lắm khi nhờ người khác sắp xếp hộ nhưng sai vị trí, khiến có bạn đi làm trễ giờ hay muộn kỳ thi.
Thậm chí, cả việc giảm tiền khách thuê, chị cũng bứt rứt mà thành nên cả bức tâm thư, giãi bày những khó khăn đang có về việc vay nợ ngân hàng.
Chị nói: "Mình nợ ân tình của mọi người nhiều quá. Cảm thấy xót xa khi thấy mọi người gắn bó với nơi này, dù một số hộ đã về quê, đóng cửa im ỉm cả tháng nhưng vẫn gửi trọn tiền nhà, không chút than thở. Nên chị đã quyết định giảm từ 30-50% cho một số hộ, đồng thời, áp dụng giảm từ 5-10% mỗi tháng cho hết năm sau khi thành phố trở lại bình thường".
Ấm áp là thế, những người khách trọ chị Minh Uyên coi là gia đình cũng xem chị như một người chị lớn. Có quà quê hay một nồi bún ngon, mọi người đều dành gửi cho chị và gia đình, như một cách để cảm ơn đến người chị lớn luôn rộng tấm lòng với đàn em mình.
Ai cũng xem chị như người chị lớn, chứ không hẳn là "khách thuê", "chủ trọ".
Bạn Nhật Duy (SV năm 3, ĐH Văn Lang) chia sẻ: "Em cũng xem chị Minh Uyên như người trong nhà, chẳng phải chủ trọ hay khách thuê. Hai năm ở đây, em cảm nhận được mọi thứ gần gũi như nhà mình vậy".
Trong khi đó, Ái Thư (31 tuổi, nhân viên sale của Novaland) - một "F0 của Nhà Mình" đã trọ từ những ngày đầu, khi căn nhà vừa được xây mới lại cách đây 4 năm. Thư thân với chị Uyên lắm, nên từng tâm sự rằng: "Em ráng gom góp 1 tỷ, dành dụm để đưa cho chị Uyên, thay vì đi mua nhà, tại muốn ở đây mãi luôn".
Chị Uyên nói, mình lời được cái tình suốt những ngày tháng tiếp quản lại công việc này của gia đình. Mai này, con cái lớn hơn, sẽ đến lúc chúng thay chị phụ trách, nên chị muốn truyền cái tấm lòng, sự nhiệt huyết, tận tâm của mình vào công việc, để con hiểu và sau này sẽ duy trì tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận