Chị chị em em 2 lấy cảm hứng từ Ba Trà - Tư Nhị, hai mỹ nhân Sài Gòn xưa. Phim mượn tên, câu chuyện, một số chi tiết về cuộc đời họ. Phần lớn cốt truyện còn lại được sáng tác thêm.
Ba Trà là hoa khôi số một Sài Gòn. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển tả Ba Trà "sáng chói trong tiền, trong nhan sắc, và sắm xe hơi có tài xế phụ". Những hình ảnh này lên phim, do Minh Hằng thể hiện.
Còn Tư Nhị có ít ghi chép được đạo diễn - biên kịch viết thêm xuất thân, tính cách. Tư Nhị (Ngọc Trinh đóng) làm điếm mạt hạng nhưng tham vọng lật đổ Ba Trà để làm đệ nhất mỹ nhân.
Tấu hài vui nhưng hơi suồng sã
Chị chị em em 2 được phân loại 18+. Nội dung và hình ảnh phim đều phù hợp mức phân loại này.
Ở tuyến truyện của Ba Trà, mỹ nhân tỏ ra cao sang. Cô chỉ mặc những trang phục đẹp nhất, đi xe hơi, rải tiền cho dân thường, đút lót cho ký giả để thường xuyên lên bìa báo.
Ba Trà trông giống ngôi sao showbiz hơn là gái làng chơi hạng sang. Khi dạy Tư Nhị làm mỹ nhân tầm cỡ, Ba Trà nhấn mạnh phải tạo "danh tiếng", thay vì chỉ là "người đẹp nhất". Chiến lược này thực sự giống với ngôi sao showbiz hay hoa hậu.
Để dựng danh hiệu "đệ nhất mỹ nhân", Ba Trà mở qua show múa dưới nước đầy bí hiểm. Khách mời rất hạn chế và phải bỏ nhiều tiền. Trong show, Ba Trà ăn diện lộng lẫy, khiêu vũ uyển chuyển trong bể nước để khách chiêm ngưỡng. Màn biểu diễn làm nên thương hiệu Ba Trà, khiến các người đẹp khác không có cửa đọ với cô.
Bên cạnh đó là tuyến truyện của Tư Nhị. Xuất thân là cô gái điếm tên Nhi, Tư Nhị bán mình cho nhà chứa Ba Phò ở khu Bò Rệt thấp kém. Khách là những gã đàn ông quê mùa, ít tiền, thô kệch. Phim không có cảnh nóng nhưng dày đặc từ "đĩ", "điếm" và những từ liên quan mua bán dâm.
Ở nhà chứa này, bầu không khí vui vẻ một cách kỳ cục vì phim chọn cách hài hước hóa. Một gái điếm già (Lê Giang đóng) nhiều lần bị ra giá rẻ mạt, được đưa làm nhân vật tấu hài.
Khi các cô gái tâm sự, họ cám cảnh phận mình nhưng không mơ thoát kiếp đĩ điếm. Họ chỉ mơ mở nhà chứa khác để ăn chia nhiều hơn. Khi khách đến mua dâm, hàng loạt câu thoại hài được tung ra suồng sã. Một khách già (Trung Dân đóng) tự đặt biệt danh là "dai". Một khách trốn vợ đi mua dâm (Công Ninh) liên tục nhấn mạnh gu là những cô điếm mập.
Đến phần Tư Nhị lộ rõ tham vọng lật đổ Ba Trà, Chị chị em em 2 càng gợi liên tưởng đến showbiz. Cả hai đấu đá không chỉ bằng cách tát, dìm nước, nhấn đầu... Họ dùng mưu mô, truyền thông và sức mạnh của dư luận. Họ công khai hạ nhục nhau.
Giới thường dân và báo chí trong phim không khác gì mạng xã hội hay các kênh truyền thông giải trí lá cải ngày nay. Họ tò mò, bàn tán và mổ xẻ hai mỹ nhân, như thể hai ngôi sao showbiz.
Minh Hằng xứng đáng với một phim tốt hơn
Chị chị em em 2 thiên về hành trình Tư Nhị chiếm đoạt ngôi vị đệ nhất mỹ nhân. Nhưng Ngọc Trinh lại không phải ngôi sao sáng nhất phim. Minh Hằng mới là người "chiếm sân khấu" bằng vẻ đẹp chín muồi và thần thái sắc sảo.
Trước khi Chị chị em em 2 ra mắt, Minh Hằng khẳng định cô rất nghiêm túc với nghề diễn. Qua bộ phim, cô đã chứng minh được điều đó.
Vai diễn Ba Trà giàu biểu cảm. Một mỹ nhân "vạn người mê" lạnh lùng nhưng hào phóng. Một kẻ thủ đoạn, đấu đá ngầm nhưng thâm độc. Một đứa con gái tội nghiệp, bị bà mẹ mê cờ bạc bòn rút tận xương tủy. Ba Trà cao ngạo, khinh bỉ Tư Nhị trong lần đầu gặp. Cũng chính Ba Trà dám thú nhận yêu thương Tư Nhị nhưng lại bị phụ lòng, phản bội.
Điều đáng tiếc là Ba Trà không được phát triển chiều sâu tâm lý bằng Tư Nhị. Cuộc đời Ba Trà vẫn còn khiến khán giả tò mò và muốn cô trải lòng thêm. Từ đỉnh cao, Ba Trà rơi xuống vực sâu. Hành trình đó rất đáng nói.
Còn với Ngọc Trinh, cô lại tiếp tục diễn một vai gần giống hình ảnh chính mình trên truyền thông. Như vậy, khán giả khó thấy nỗ lực đổi mới của một diễn viên. Ngọc Trinh rất chịu khó trong những cảnh khỏa thân. Nhưng thay vào đó, cô nên đầu tư nội tâm của nhân vật.
Sau "Chị chị em em 2", nên phát triển tiếp thương hiệu phim nữ giới
Phần một Chị chị em em thu trên 70 tỉ đồng và có lãi. Phần 2 thu 40 tỉ đồng dù mới chiếu 6 ngày, khả năng có lãi.
Chị chị em em 2 kéo dài thương hiệu phim về nữ giới. Từ tên phim, nội dung đến thời lượng, nữ giới đều áp đảo. Hai phim chiều chuộng khán giả nữ với màu sắc, váy áo, bối cảnh, diện mạo diễn viên nịnh mắt.
Nhưng sẽ không đúng nếu gọi Chị chị em em là thương hiệu phim về nữ quyền. Nữ giới ở đây đấu đá, hạ bệ nhau chứ không hỗ trợ, nâng đỡ nhau. Cách khắc họa vẻ đẹp của họ vẫn còn chất "male gaze" (qua cái nhìn của đàn ông).
Nhưng dù sao, vẫn nên có một thương hiệu phim về nữ giới của điện ảnh Việt. Nội dung cần được phát triển với góc nhìn ngày càng mới mẻ, cấp tiến hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận