30/06/2019 09:20 GMT+7

Chỉ cần nghe 'ba má tin', là con đủ tình thương để... lớn

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Mùa thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 vừa khép lại. Hơn 800.000 thí sinh vừa hoàn thành một nhiệm vụ trọng yếu trong cuộc đời của mình: tốt nghiệp một cấp học và lựa chọn ngành nghề cho tương lai.

Chỉ cần nghe ba má tin, là con đủ tình thương để... lớn - Ảnh 1.

Phụ huynh Nguyễn Kim Anh thẫn thờ rồi khóc khi đến điểm thi muộn, không gặp mặt được con gái - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Thật ra, mỗi mùa thi như thế không chỉ có con số hơn 800.000 đến 1 triệu thí sinh lo lắng mà gấp đôi con số ấy (thậm chí hơn) cùng quan tâm, mong chờ, cùng vui buồn với những chuyện trong và ngoài phòng thi, với kết quả điểm thi cao, thấp...

Đó chính là cha mẹ và người thân của các "sĩ tử".

Những ngày thi, điều đọng lại phía sau đề thi hay, chưa hay, đằng sau những bàn tán về đáp án... đó chính là tình cha, tình mẹ - những người dõi theo con em mình suốt chặng đường 18 năm, hồi hộp đếm từng ngày để "đi thi cùng con".

"Tôi xin nghỉ được vài tiếng, vội chạy về với con nhưng vừa đến nơi thì con đã vào phòng thi. Tôi chỉ muốn con bé thấy mình, cũng lo lắng yêu thương cổ vũ cho nó" - chị Nguyễn Kim Anh bật khóc. 

Hình ảnh khiến nhiều người xúc động đó đã được phóng viên Tuổi Trẻ kể lại trên báo: sáng 25-6, người mẹ - chị Nguyễn Kim Anh tất tả chạy tới điểm thi Trường THCS Bình Khánh (Cần Giờ, TP.HCM) để động viên tinh thần con gái Nguyễn Thị Trúc Phượng nhưng không gặp.

Và chị thốt lên câu nói ấy, đủ lột tả hết tình thương của người mẹ.

Kế đó, câu chuyện người cha mang chân giả cõng con lên phòng thi để động viên con hẳn cũng khiến bạn đọc ấm lòng. 

Hình ảnh được Tuổi Trẻ giới thiệu: đầu buổi chiều 26-6, một chiếc taxi chầm chậm chạy vào điểm thi Trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên Huế). Xe chạy đến cửa phòng thi ở tầng 1 rồi dừng lại. 

Một người đàn ông trạc 45 tuổi chậm rãi bước xuống rồi quay lại bế con đang nằm trong xe ra ngoài. Nhiều người gần đó, trong đó có cả các thí sinh, chạy đến và ngỏ lời giúp đỡ. 

Thế nhưng người đàn ông khua tay và nói: "Để tôi cõng". Người đàn ông đó là anh Nguyễn Văn Tân (phường Vỹ Dạ, TP Huế) đưa con trai là thí sinh Nguyễn Thiên Phú (học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Quốc học Huế) bị khuyết tật đi thi.

Ấu thơ, ai cũng biết bài hát Nhong nhong nhong với những ca từ dễ thương: "Nhong nhong nhong cha làm con ngựa/ Để cho con lên cưỡi trên lưng/ Nhong nhong nhong cha làm con ngựa/ Để cho con vui thỏa tiếng cười". 

Cha mẹ muôn đời vẫn thế, mong gánh hết mọi buồn đau, khó khổ để cho con vui thỏa tiếng cười. 

Hình ảnh cha làm con ngựa hay "ba sẽ làm cánh chim" không chỉ trong câu hát dành cho trẻ con mà hiện hữu trong đời thực bằng những câu chuyện giản dị, dễ dàng tìm thấy đâu đó trong cuộc sống.

Tình thương là ngôn ngữ chung, nhất là tình cảm gia đình, giữa các thành viên trong một mái ấm, sẽ đi tới trái tim của những người trong cuộc. 

Nên dẫu người mẹ Nguyễn Kim Anh không gặp được con trước giờ thi nhưng chắc chắn con gái chị, Trúc Phượng vẫn cảm được tình yêu thương đó.

Gia đình là điểm tựa. Điểm tựa đó chính là những người thân - thương trong một mái nhà. Những đứa con cần sự ủng hộ, chia sẻ khó khăn, động viên, lắng nghe, hay chỉ cần nói "ba má tin con" là đã đủ. 

Niềm tin và tình thương yêu của cha mẹ dành cho các con sẽ được dưỡng nuôi và trở thành điểm tựa vững chắc để chúng dần trưởng thành và vào đời bằng chính đôi chân của mình.

Kỳ thi THPT Quốc gia:

TTO - Chiều 27-6, Bộ Giáo dục và đào tạo họp báo, đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nghiêm túc và nhẹ nhàng.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên