Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực văn hóa, thể thao ở Đà Nẵng lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê thành công. Thậm chí có công trình sau đấu giá mức cho thuê cao gấp 2-3 lần giá khởi điểm như gầm tam cấp sảnh chính tầng 1 cung thể thao Tiên Sơn với giá cho thuê 372 triệu đồng/năm, sân tập golf tại công viên Thanh Niên với giá cho thuê hơn 24 tỉ/10 năm...
Người thuê tài sản công "ngắm nghía" vị trí đẹp
Ghi nhận của phóng viên, hầu hết khu vực được đấu giá cho thuê thành công đều sở hữu vị trí đẹp, không gian thoáng mát. Đặc biệt các thiết chế văn hóa này có sức hút đối với công chúng với lượng người tới lui đông đúc.
Một chủ quán cà phê (không muốn nêu tên) cho biết các đơn vị thuê khảo sát rất kỹ lượng khách tới lui các địa điểm này. Dựa trên số lượng sự kiện văn hóa thể thao, người tham gia hằng năm để tính toán doanh thu trước khi thuê.
Đặc biệt các điểm vui chơi, luyện tập thể thao ban ngày lẫn buổi tối có nhiều tiềm năng để khai thác sử dụng.
"Sức hút nội tại của công trình văn hóa có ảnh hưởng lớn nhất đến nguồn thu vì có khi khách đến thư viện, bảo tàng, nhà thi đấu chiếm 50% lượng khách của quán mà không cần quảng bá, gầy dựng nhiều" - người này nói.
Cần thêm các cơ chế khuyến khích
Ông Trần Công Tự - giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao Đà Nẵng, đơn vị đã thực hiện nhiều đề án cho thuê - cho biết hiện nay tất cả nguồn thu từ mục đích cho thuê, kinh doanh của đơn vị này đều nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.
Các đề án đều bám sát hướng dẫn quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và được thành phố ra quyết định phê duyệt.
Theo Sở Tài chính TP Đà Nẵng, từ năm 2020 đơn vị đã có hướng dẫn quy trình lập, thẩm định, phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó thống nhất các bước thực hiện và quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phối hợp lập, thẩm định, ban hành đề án.
Ngoài hướng dẫn theo nghị định 151, Sở Tài chính Đà Nẵng cũng có một số lưu ý với đơn vị lập đề án trong đó yêu cầu lập bản vẽ tổng thể hiện trạng vị trí nhà, đất.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Đà Nẵng hiện còn nhiều vị trí có không gian mở, khuôn viên, sân vườn, vỉa hè rộng lớn quy tụ rất đông người dân, học sinh, sinh viên thường xuyên đến sinh hoạt có tiềm năng cho thuê.
Một cán bộ quản lý đơn vị trung tâm thể thao cấp quận ở Đà Nẵng nhìn nhận cần có thêm cơ chế khuyến khích các đơn vị khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công trên cả nước.
Vị này cho biết dù được phép chi phục vụ mục đích thu nhưng để khai thác hết công suất, công năng các tài sản công, cán bộ phải làm thêm ngoài thời giờ thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao. Vì như thế mới quản lý, theo dõi việc sử dụng tài sản công và đảm bảo cơ sở vật chất tại đơn vị.
"Trong trường hợp ngược lại, nếu việc phát sinh nhưng nguồn thu không tăng thêm thì sẽ có ít đơn vị thiết tha khi làm đề án nên cần gợi mở, khuyến khích để sử dụng hết công năng của các thiết chế" - vị này nhìn nhận.
Lưu ý an ninh, vệ sinh thực phẩm khi lập đề án
Trong quá trình lập đề án cho thuê, Sở Tài chính Đà Nẵng cũng đề nghị thực hiện mô tả hiện trạng sử dụng hiện nay và định vị, mô tả phần diện tích nhà, đất sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh.
Đồng thời xác định tổng diện tích đất, diện tích đất dự kiến kinh doanh, cho thuê, chiếm tỉ lệ % trong tổng số diện tích nhà, đất đang quản lý, sử dụng.
Đặc biệt lưu ý đánh giá tác động của việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đối với hoạt động của đơn vị và đối với vấn đề an ninh quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận