12/10/2024 22:49 GMT+7

Chỉ áp diện tích tối thiểu với diện tích chuyển mục đích khi tách thửa

Đó là một trong những hướng dẫn của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các đơn vị lĩnh vực đất đai của TP.HCM liên quan tách thửa.

Chỉ áp diện tích tối thiểu với diện tích chuyển mục đích khi tách thửa - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và thông tin đất đai Mai Văn Phấn (giữa) chủ trì trao đổi, giải đáp cho các đơn vị của TP.HCM về cấp giấy chứng nhận, tách thửa - Ảnh: ÁI NHÂN

Tại Hội nghị triển khai các nghị định để thi hành Luật Đất đai 2024 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức chiều 12-10, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với các đơn vị lĩnh vực đất đai về các quy định liên quan cấp giấy chứng nhận, tách thửa... quy định tại nghị định 71/2024.

Tách thửa chỉ áp dụng diện tích tối thiểu phần đất chuyển mục đích

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Văn Phấn - cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và thông tin đất đai - đã giải đáp, trao đổi nhiều thắc mắc của các đơn vị, văn phòng đăng ký đất đai, các quận huyện liên quan lĩnh vực cấp giấy chứng nhận.

Trong đó, thủ tục rất được người dân quan tâm, được ông Phấn lưu ý trao đổi là tách thửa.

Ông Phấn cho biết qua kiểm tra có tình trạng nhiều địa phương đang áp dụng chưa đúng về tiêu chí diện tích tối thiểu khi giải quyết tách thửa đối với những trường hợp người dân có một thửa đất gồm nhiều loại đất (trước đây hay gọi là đất ở có vườn ao).

Theo quy định, khi người dân có nhu cầu thì giải quyết tách thửa đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên nhiều địa phương lại áp dụng đến hai tiêu chí diện tích tối thiểu với các loại đất dẫn đến không giải quyết được. 

Ví dụ, người dân có thửa đất 500m2 gồm diện tích đất ở và vườn ao. Địa phương quy định diện tích tách thửa đất ở tối thiểu 100m2, còn thửa đất còn lại là diện tích vườn ao (nông nghiệp) tối thiểu phải 500m2. Vì vậy, nếu cho chuyển mục đích 100m2 tách ra thì phần đất còn lại không bảo đảm diện tích tối thiểu của thửa đất nông nghiệp còn lại sau khi tách.

"Vì vậy chỉ được áp dụng tiêu chí diện tích tối thiểu đối với phần diện tích chuyển mục đích, nếu áp dụng thêm tiêu chí nữa thì vướng. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường là cần tham mưu xây dựng quy định tách thửa, hợp thửa của địa phương phù hợp, tránh vướng mắc khi áp dụng", ông Phấn lưu ý.

Quy định cấp giấy chứng nhận lần đầu đã rõ

Đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận lần đầu, theo ông Mai Văn Phấn, Luật Đất đai và nghị định hướng dẫn đã quy định rõ thẩm quyền sẽ do phòng tài nguyên và môi trường tiếp nhận, giải quyết. Sau khi ra giấy chứng nhận, phòng sẽ chuyển kết quả cho văn phòng đăng ký để cập nhật dữ liệu.

"Quy định Luật Đất đai hiện nay đã chấm dứt việc hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu quanh quẩn qua lại giữa văn phòng đăng ký với phòng tài nguyên và môi trường rồi mới ra lại bộ phận một cửa trả hồ sơ cho người dân như trước…", ông Phấn nói.

Gần đây, Tuổi Trẻ Online có phản ánh việc nhiều người dân TP.HCM sốt ruột chờ giải quyết cấp giấy chứng nhận lần đầu do các quận huyện chờ được hướng dẫn quy trình nội bộ.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng hướng dẫn đối với trường hợp đất nông nghiệp người dân tự ý dựng nhà ở (sử dụng đất không đúng mục đích) sẽ căn cứ nghị định 123/2024 xử phạt vi phạm hành chính. Nếu trong quyết định xử phạt có cho phép thực hiện việc đăng ký biến động đất đai, đơn vị sẽ tiếp nhận việc cấp giấy.

"Trường hợp Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 6 hỏi về việc có tiếp nhận giải quyết cấp giấy cho nhà đất xây sai phép, có quyết định cưỡng chế hay không thì đây là trường hợp từ chối tiếp nhận hồ sơ. Khi nào đã thực hiện xong quyết định cưỡng chế thì mới tiếp nhận hồ sơ...", đại diện bộ giải thích.

Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhà ở trước ngày 1-7-2006 không có giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở cũng như không có giấy phép xây dựng thì vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trên đất với điều kiện nhà không bị tranh chấp. 

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhà ở từ sau 1-7-2006 trở lại, nếu thuộc khu vực phải xin giấy phép xây dựng mà người dân chưa xin giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng thì bắt buộc phải có giấy xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng mới tiến hành thủ tục cấp giấy...

Chỉ áp diện tích tối thiểu với diện tích chuyển mục đích khi tách thửa - Ảnh 3.Từ 7-10-2024, đất phi nông nghiệp tối thiểu 400m² mới được tách thửa tại Hà Nội

Từ ngày 7-10-2024, Hà Nội áp dụng quy định mới về diện tích đất phi nông nghiệp tối thiểu để được tách thửa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên