Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - phát biểu chỉ đạo tại đại hội - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Sáng 14-12, Đại hội khóa 6 (2022-2027) Liên đoàn Thể dục Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Liên đoàn Thể dục Việt Nam hiện đang quản lý các môn: thể dục dụng cụ, aerobic, thể dục nghệ thuật, khiêu vũ thể thao.
Ba năm qua, phong trào "ly khai" khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam của khiêu vũ thể thao đã diễn ra rầm rộ.
Hàng ngàn VĐV, HLV của môn khiêu vũ thể thao đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, tha thiết muốn tách khiêu vũ khỏi Liên đoàn Thể dục để thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam vì môn này không liên quan đến thể dục và cần môi trường để phát triển.
HLV Chí Anh mang 2 ba lô đựng 3.000 chữ ký của những người mong tách khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
VĐV, HLV khiêu vũ thể thao phải bán hàng online, đi buôn đất
Sáng 14-12, đại hội đã dành rất nhiều thời gian để phát biểu, tranh luận về vấn đề này. Phát biểu tại đại hội, HLV Chí Anh, Khánh Thi mong muốn được tách khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam.
HLV Chí Anh cho biết nếu không lúc này thì không lúc nào để khiêu vũ thể thao có cơ hội đứng độc lập, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ và theo xu hướng thế giới.
HLV Chí Anh chia sẻ: "Nhiều VĐV, HLV khiêu vũ thể thao phải bán hàng online, đi buôn đất... để theo đuổi niềm đam mê khiêu vũ. Mỗi bộ trang phục thi đấu của VĐV khiêu vũ thể thao tiêu tốn vài trăm triệu đồng, chi phí đi tập huấn và thi đấu nước ngoài vô cùng tốn kém.
Có VĐV giành huy chương vàng SEA Games phải lấy tiền tích cóp làm đám cưới để đi tập huấn nước ngoài. Mong muốn thiết tha của các VĐV, HLV là khiêu vũ thể thao có tổ chức riêng hoạt động, phát triển để không có thêm VĐV nào như tôi để bố mẹ phải bán nhà cho đi học nhảy".
HLV Khánh Thi cho biết chị đại diện cho 300 CLB khiêu vũ thể thao khắp Việt Nam mong khiêu vũ thể thao được tách ra thành lập liên đoàn riêng để phát triển.
Mỗi VĐV khiêu vũ thể thao đỉnh cao tiêu tốn trung bình 2-3 tỉ đồng/năm để đầu tư đi tập huấn và thi đấu quốc tế, mua trang phục... tất cả họ đều phải lấy tiền từ gia đình, tự bươn chải.
Riêng VĐV Phan Hiển - Thu Hương trong 3 tháng năm 2022 đã tiêu tốn 4 tỉ đồng chi phí tập huấn, thi đấu, trang phục... để giành huy chương vàng SEA Games 31.
Nếu khiêu vũ thể thao mất đoàn kết...
Mặc dù vậy, cũng có nhiều ý kiến ngay trong chính cộng đồng khiêu vũ thể thao không đồng ý tách khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam ngay ở thời điểm này.
HLV Hoàng Thu Trang cho biết chính cô và HLV Chí Anh, Khánh Thi, Hồng Việt đã viết đơn xin tách khiêu vũ thể thao ra khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam vào năm 2019. Dù vậy, sau thời điểm này Liên đoàn Thể dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi, làm tốt hơn.
Chị Thu Trang cho rằng Liên đoàn Thể dục Việt Nam đang làm rất tốt vai trò của mình, việc khiêu vũ thể thao ngay lập tức rời Liên đoàn Thể dục để tách ra thành lập liên đoàn riêng là không tốt, ảnh hưởng đến phong trào và chưa tạo được sự đồng thuận.
Nếu khiêu vũ thể thao mất đoàn kết thì không có gì đảm bảo tách khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam ngay ở thời điểm này sẽ tốt hơn, phát triển hơn.
Tổng trọng tài khiêu vũ thể thao quốc tế Chu Tân Đức cho rằng chỉ có một nhóm nhỏ muốn tách khiêu vũ khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam chứ không phải tất cả, chưa kể theo ông Đức là có lợi ích nhóm.
Ông Đức cho rằng nhiều VĐV, HLV, CLB khiêu vũ thể thao vẫn muốn trực thuộc Liên đoàn Thể dục Việt Nam để đảm bảo tính công bằng. Ông Đức cũng cho rằng chính gia đình ông cũng phải bán mấy cái nhà để theo đuổi đam mê khiêu vũ thể thao.
Các đại biểu bỏ phiếu về việc có tách khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam hay không - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Có lợi ích nhóm?
Phát biểu tại đại hội, đại diện Bộ Nội vụ, Tổng cục Thể dục Thể thao ủng hộ chủ trương tách khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam để hoạt động độc lập.
Đây cũng là xu hướng của thế giới cũng như vì mục tiêu phát triển của từng môn thể thao riêng biệt. Dù vậy, việc có tách hay không sẽ do Đại hội Liên đoàn Thể dục Việt Nam quyết định.
Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - khẳng định: "Quan điểm cá nhân tôi là không nhập môn nào với môn nào, mỗi môn có sứ mệnh riêng và tách ra để phát triển được thì tách.
Có lo ngại nếu tách khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam ra nhưng chưa thành lập được Liên đoàn Khiêu vũ thể thao ngay thì ai quản lý? Vậy có thể trả về cho Tổng cục Thể dục Thể thao để tổng cục quản lý như đang quản lý những môn chưa có liên đoàn?".
Ông Chí Anh - HLV trưởng đội tuyển khiêu vũ thể thao Việt Nam - sau đó đã mang 2 ba lô có hơn 3.000 chữ ký của VĐV, CLB khiêu vũ thể thao trên cả nước đề nghị đại biểu dự đại hội xác minh. Đây chính là chữ ký của những người muốn tách khiêu vũ thể thao ra khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam.
Ông Chí Anh nói đây là nguyện vọng của những người làm khiêu vũ thể thao Việt Nam chứ không phải lợi ích nhóm.
Ông Trần Đức Phấn đã phải đứng lên chỉ đạo sau khi diễn biến đại hội trở nên căng thẳng. Ông Phấn cho biết ủng hộ việc tách khiêu vũ thể thao ra khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam.
Đại hội phải ủng hộ chủ trương cho tách thì các bước sau đó mới thực hiện được. Ông Phấn đề nghị các đại biểu phát biểu chừng mực, kiềm chế, không căng thẳng và mất đoàn kết.
Ông Trần Chiến Thắng - chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam - cho biết quan điểm của ông là tách khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam.
Đại hội bỏ phiếu kín, kết quả kiểm phiếu cho thấy chỉ có 33,78% phiếu ủng hộ tách khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam, 60,81% đại biểu không ủng hộ. Vì vậy khiêu vũ thể thao vẫn sẽ tiếp tục ở lại thuộc quản lý của Liên đoàn Thể dục Việt Nam.
Đại hội diễn ra từ 8h sáng nhưng do có tranh luận, mâu thuẫn gay gắt nên đến hơn 13h chiều vẫn chưa thể bầu đội ngũ lãnh đạo Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ 6. Các đại biểu tham dự họp cũng không ăn trưa mà tiếp tục họp.
Liên đoàn Thể dục Việt Nam có nguồn thu vô cùng ít ỏi
Theo báo cáo của Liên đoàn Thể dục Việt Nam, nhiệm kỳ 5 (2017-2022), Liên đoàn Thể dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích chuyên môn đáng khích lệ.
Với môn thể dục dụng cụ: giành 1 huy chương vàng đồng đội tại Olympic trẻ Argentina 2018; 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng tại Cúp thể dục thế giới 2019; vận động viên Lê Thanh Tùng xuất sắc giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020; giành 3 huy chương vàng tại SEA Games 30; giành 4 huy chương vàng tại SEA Games 31...
Đội tuyển aerobic đạt được những thành tích: 3 huy chương vàng SEA Games 31; 3 huy chương vàng SEA Games 30; 1 huy chương vàng giải vô địch các nhóm tuổi và vô địch thế giới 2018.
Đội tuyển khiêu vũ thể thao: giành 5 huy chương vàng SEA Games 31; 2 huy chương vàng SEA Games 30.
Theo báo cáo tài chính của Liên đoàn Thể dục Việt Nam, nguồn thu hằng năm của liên đoàn như sau: năm 2018 thu 2,9 tỉ đồng; năm 2019 thu được 2,8 tỉ đồng; năm 2020 thu được 1,5 tỉ đồng; năm 2021 thu được 667 triệu đồng. Liên đoàn Thể dục Việt Nam cho biết khó khăn lớn nhất trong hoạt động của liên đoàn chính là nguồn thu quá ít, ảnh hưởng đến hoạt động của liên đoàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận