16/09/2019 05:27 GMT+7

Chi 86 tỉ, xé núi tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ quy mô lớn

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - UBND tỉnh Bình Định dự kiến chi hơn 86 tỉ đồng (tiền ngân sách hơn 34 tỉ, nguồn xã hội hóa hơn 51 tỉ) để thực hiện công trình phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ, tạc vào vách núi Bà Hỏa với quy mô lớn chưa từng có.

Chi 86 tỉ, xé núi tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ quy mô lớn - Ảnh 1.

Phác họa phù điêu tạc vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” tại TP Quy Nhơn - Ảnh: N.O.

Khi làm công trình này phải bù đắp lại cây xanh trên dọc các tuyến đường, trên quảng trường và không được ngăn tầm nhìn vì rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Nếu chưa thấy bức thiết thì chưa nên làm.

Ông Vũ Hoàng Hà (cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Định)

Ngày 15-9, ông Nguyễn Quang Trung, chánh văn phòng Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Bình Định, cho biết Bộ VH-TT&DL đã có văn bản thỏa thuận với Tỉnh ủy Bình Định chủ trương xây dựng phù điêu tạc vào vách núi với chủ đề "Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc" tại TP Quy Nhơn.

Xẻ núi tạc phù điêu

Theo Sở Văn hóa - thể thao Bình Định, bức phù điêu này có tổng chiều dài 81,5m, vị trí cao nhất 35m và hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ khoảng 3.000m2.

Vị trí tạc phù điêu là núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) nằm dọc ngã năm đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn, hướng nhìn ra cầu Thị Nại và Khu kinh tế Nhơn Hội theo hướng đông bắc.

Dự kiến cắt sâu vào núi (20-25m) tạo mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi, phần mặt phẳng nằm tạo thành sân quảng trường làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

Phù điêu được khắc họa ba lớp: lớp thứ nhất chính giữa bức phù điêu, ở vị trí trung tâm trang trọng nhất, chiếm 1/2 chiều cao của bức phù điêu là hình tượng cha Rồng - mẹ Tiên: cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim.

Sau lưng và dưới chân cha Long Quân và mẹ Âu Cơ là những lớp mây, thể hiện không gian đầy chất thần tiên gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Tiên Rồng của cư dân Lạc Việt.

Lớp thứ hai hai bên cha Rồng mẹ Tiên, thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng 18 đời Hùng Vương. Các vua Hùng với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của mẹ cha.

Lớp thứ ba phía dưới thể hiện các nhân vật, đại diện 54 dân tộc Việt Nam, cùng nắm chặt tay nhau, thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

Phía trước bức phù điêu là quảng trường với diện tích khoảng 3.000m2 được lát đá, trồng hoa và cây xanh trang trí, tạo nơi sinh hoạt cộng đồng.

Sở Văn hóa - thể thao Bình Định cho rằng công trình này sẽ làm tăng giá trị không gian văn hóa - lịch sử, kiến trúc cảnh quan đô thị và tăng giá trị hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thời gian thực hiện công trình này theo UBND tỉnh Bình Định dự kiến từ năm 2020-2022 và dự kiến tổng mức đầu tư hơn 86 tỉ đồng.

Trong đó nguồn ngân sách do tỉnh quản lý để triển khai phần hạ tầng cắt bạt núi, di dời và hạ ngầm đường điện, nguồn xã hội hóa cho việc triển khai phần mỹ thuật phù điêu tạc vào vách núi.

Chưa khả thi, tốn nhiều ngân sách

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Hoàng Hà - cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Định - chia sẻ mới đây Thường trực Tỉnh ủy có mời một số nguyên lãnh đạo chủ chốt đến tham gia lấy ý kiến về một số vấn đề, trong đó có hỏi ý kiến về việc bức phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ.

Theo ông Hà, muốn làm phù điêu này, việc trước hết phải quy hoạch giao thông của ngã năm này với tầm nhìn xa. Sau khi quy hoạch nút giao thông này và được duyệt mới tính đến việc đặt phù điêu ở chỗ nào để khỏi che khuất tầm nhìn, tránh gây tai nạn giao thông.

Về khoan thăm dò địa chất vách núi, chỉ khoan một vài lỗ thì chưa xác định được chiều sâu bên trong là loại đá gì, nếu không xác định chất liệu của đá thì khi làm phù điêu lên đó có thể sẽ đổ vỡ...

Ông Hà cũng nhận xét phác họa phù điêu như phác thảo là rất rối. Lãnh đạo tỉnh Bình Định nên gặp gỡ lấy ý kiến các nhà sử học, Bộ VH-TT&DL, chuyên gia có chuyên môn hiến kế xây dựng lại chủ đề.

Theo ông Hà, lãnh đạo tỉnh không nên làm theo kiểu tư duy nhiệm kỳ, lãnh đạo làm nhiệm kỳ này đôi khi cũng muốn để lại một công trình gắn liền với tên tuổi thì không nên, ngược lại phản tác dụng nếu không thành công.

Trong khi đó, kiến trúc sư Đào Quý Tiêu, chủ tịch Hội Kiến trúc sư Bình Định, cho rằng: "Xét về góc độ quy hoạch không gian đô thị, tôi thấy ý tưởng làm phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ cũng phù hợp tạo điểm nhấn nút giao thông mới.

Tuy nhiên, cách làm và tổ chức sắp xếp thế nào để đạt yêu cầu điểm nhấn của TP Quy Nhơn đáng phải lưu tâm".

Trước những dư luận như hiện tại, ông Lê Kim Toàn, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, cho biết về bức phù điêu "Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc", UBND tỉnh vẫn chưa trình dự án cụ thể về cho Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Định nên chưa rõ về tổng vốn đầu tư, tiến độ, quy mô dự án.

Chưa nhận diện được vua Hùng, sao xây tượng đài? Chưa nhận diện được vua Hùng, sao xây tượng đài?

TTO - Nhiều ý kiến các nhà khoa học băn khoăn nếu lập quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương thì sẽ chọn vua Hùng thứ mấy bởi hiện năm sinh, năm mất và các tài liệu nhân chủng học vua Hùng là ai vẫn là câu hỏi lớn.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên