PGS.TS Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đó là một trong nhiều điểm nhấn mà PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - nêu tại Hội nghị tổng kết năm học năm 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Cụ thể, ông Đạt thông tin hằng năm có khoảng 350.000 - 370.000 sinh viên nhập học trong tổng số khoảng gần 900.000 học sinh thi THPT quốc gia cùng năm. Như vậy, trung bình chỉ khoảng 40% học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia học tiếp đại học (ĐH), hay rộng hơn chỉ 20% dân số ở độ tuổi 18 học đại học.
"Có thể thấy, tỉ lệ người học ĐH ở Việt Nam đang thấp so với khu vực, cụ thể Việt Nam 28,3%, Thái Lan 49,3%, Nhật Bản 63,6%, Hàn Quốc 93,8%, Mỹ 88,8%" - ông Đạt nói.
Ngoài ra, ông Đạt cho rằng việc phân luồng trong giáo dục nên thực hiện từ THCS, không nên kéo sinh viên học ĐH ra học nghề mà nên thu hút người không học ĐH vào học nghề.
Thay vào đó, cần giữ tỉ lệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nếu không, khi lao động các nước di chuyển vào Việt Nam ngày càng nhiều, người lao động có thể sẽ không có được việc làm tại đất nước mình mà cũng không đủ khả năng di chuyển sang nước khác tìm việc.
Đại diện lãnh đạo TP.HCM và ngành giáo dục TP.HCM tham dự hội nghị trực tuyến do Bộ GD-ĐT tổ chức - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp - cho biết số cơ sở giáo dục đào tạo ở nước ta không nhiều nếu so với dân số cả nước, cũng như số sinh viên nước ta vẫn còn thấp.
"Chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta thừa sinh viên, thừa trường, thừa lớp, tôi nghĩ chúng ta nên kiểm tra lại" - ông Quân nói - "Việc sắp xếp lại các trường là tốt, nhưng không nên ngay từ đầu giữ một định hướng chung rằng cần sáp nhập và giải thể, mà phải dựa vào kết quả nghiên cứu cho từng địa phương".
Theo ông Quân, trước mắt những trường đã và đang hoạt động tốt thì nên giúp củng cố phát triển, còn những trường "nguy cấp", cần đánh giá trên diện rộng, nếu cần để trường này tồn tại thì cần tìm nguyên nhân và cách giải cứu.
"Đừng nghĩ chúng ta thừa rồi cứ ép số lượng xuống" - ông Quân nhấn mạnh.
TP.HCM tiếp tục dẫn đầu môn tiếng Anh
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá công tác thi THPT quốc gia năm 2019 tại TP.HCM diễn ra nghiêm túc, đáp ứng sự tin tưởng của cha mẹ học sinh và xã hội.
TP.HCM tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có kết quả thi tốt nhất, có điểm trung bình các môn thi xếp thứ 5 cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2018. Ngoài ra, TP giảm gần 25% số học sinh có điểm thi dưới 5 so với năm trước.
Đặc biệt, môn tiếng Anh, TP tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp có kết quả cao nhất cả nước với điểm trung bình 5,78.
"Chất lượng dạy và học môn tiếng Anh của TP được quan tâm, có nhiều mô hình đột phá như Chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy và học các môn toán, tiếng Anh và khoa học bằng tiếng Anh, định hướng cho học sinh phổ thông TP tiếp cận và đạt các chuẩn quốc tế" - ông Liêm nói.
Hiện nay, 94,5% học sinh TP.HCM đã được học tiếng Anh từ lớp 1.
Về cơ sở vật chất trường học, ông Liêm cho biết thêm trong năm học 2018-2019, TP đã đưa vào sử dụng 977 phòng học, tăng 691 phòng học mới với tổng kinh phí 2.729.425 triệu đồng.
Chuẩn bị cho năm học 2019-2020, TP tiếp tục hoàn chỉnh và dự kiến đưa vào hoạt động 1.364 phòng học mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận