Hàng chục luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh của học viên cao học Trường ĐH Văn Hiến tại phòng làm việc của ông N - Ảnh: M.G.
Sau bài viết Chi 15 triệu đồng có ngay luận văn thạc sĩ, nhiều ý kiến cho rằng ngoài học viên cao học, giảng viên hướng dẫn và hội đồng bảo vệ luận văn cũng chưa làm hết trách nhiệm khi cho qua những luận văn kém chất lượng, sao chép, thuê người làm... Quy trình "đẻ" ra những luận văn này là các hành vi gian dối và phải bị chế tài.
* GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Cần hàng rào kỹ thuật chống đạo văn
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài
Với luận văn thạc sĩ, vai trò của người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ rất lớn. Thực tế có những học viên vô tình hoặc cố ý đạo văn, sao chép, nếu người hướng dẫn không phát hiện kịp thời vẫn còn một đội ngũ khoa học ở hội đồng có thể kiểm soát, đánh giá để luận văn đạt yêu cầu về nội dung.
Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, rất nhiều luận văn thạc sĩ đã bị trả lại do sao chép, đạo văn từ nhiều nguồn khác nhau. Theo quy định của trường, trước khi bảo vệ, luận văn của học viên sẽ được đưa vào phần mềm chống đạo văn. Phần mềm này có cơ sở dữ liệu từ nước ngoài và Việt Nam. Phần mềm sẽ chỉ rõ luận văn này sao chép đoạn nào, của ai, sao chép ở đâu...
Ngay cả việc trích dẫn mà chép nguyên văn cũng không được chấp nhận, phải diễn đạt lại theo ý người viết. Giảng viên hướng dẫn phải ký xác nhận luận văn có bao nhiêu phần trăm nội dung trùng lắp sau khi quét qua phần mềm. Nếu bị phát hiện sao chép quá 20%, luận văn sẽ bị trả lại.
* TS Hoàng Đức Bình (đại diện Trường ĐH Bắc Đan Mạch tại Việt Nam):
Lỗi từ học viên và giảng viên hướng dẫn
TS Hoàng Đức Bình
Tôi có tham gia dạy sau ĐH và hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho học viên của mình. Việc nhờ người khác làm luận văn thuê tôi đã nghe râm ran nhiều. Khi ngồi hội đồng bảo vệ luận văn, điều quan trọng là hội đồng đánh giá học viên có tự làm hay không, chất lượng thế nào.
Việc nhờ người khác làm luận văn không chỉ có lỗi của người học mà ngay cả giảng viên hướng dẫn, hội đồng cũng phải nhìn lại.
Thực tế có nhiều học viên phản ảnh giảng viên hướng dẫn bỏ mặc học viên tự bơi, không hướng dẫn, khi cần ký mới ký, đôi khi học viên muốn gặp người hướng dẫn rất khó. Đó là cách làm khoa học không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm.
Trong khi đó, có học viên năng lực hạn chế, lười biếng, họ không thể làm khi không có định hướng và hướng dẫn từ giảng viên. Điều đó buộc họ phải nhờ người khác làm luận văn thuê cho mình, không chỉ để đối phó với hội đồng mà đôi khi còn đối phó với chính giảng viên hướng dẫn của mình.
Một số trường ĐH làm nghiêm túc, họ quy định tiêu chuẩn giảng viên, số lần giảng viên phải gặp học viên, thời gian bao lâu và có ký xác nhận. Giảng viên hướng dẫn phải hiểu biết chuyên sâu lĩnh vực để đưa ra các định hướng, hướng dẫn đảm bảo sinh viên có thể làm được.
Đối với giảng viên, việc "mua danh ba vạn bán danh ba đồng" là điều rất đáng phê phán. Để có được học vị, kiến thức như hiện tại, họ phải trải qua thời gian học tập vất vả mới có được tấm bằng. Vì chục triệu đồng mà viết thuê, làm thuê luận văn như thế là không đáng.
* TS Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên phó giám đốc ĐHQG TP.HCM):
Nguy cơ phá hỏng đào tạo sau ĐH
TS Nguyễn Đức Nghĩa
Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo sau ĐH. Trong đó, các ngành khối kinh tế và xã hội luôn tuyển sinh rất tốt, trong khi các ngành khối kỹ thuật rất khó tuyển học viên.
Có một lý do giải thích cho việc này đó là học kỹ thuật phải học thật, làm thật mới có được kết quả, đôi khi rất khó khăn. Trong khi đó, khối kinh tế, xã hội, nếu đề tài mang tính chất lý thuyết, việc học có thể nhẹ nhàng hơn và đôi khi người ta có thể nhờ người khác làm luận văn thay như báo phản ánh.
Để xảy ra việc này, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm là giảng viên hướng dẫn. Họ là người sâu sát nhất với học viên, nắm được năng lực và kỹ năng học trò mình. Trong một chừng mực nào đó, có thể họ thỏa hiệp với chính học viên của mình để cho ra những luận văn chưa đạt chất lượng.
Hội đồng bảo vệ luận văn là người phản biện, cần có những ý kiến và đánh giá công tâm trước khi quyết định luận văn đó có đạt yêu cầu hay không. Khi giảng viên và hội đồng chưa làm tốt vai trò của mình sẽ còn có nhiều luận văn thạc sĩ kém chất lượng, thậm chí sao chép được cho qua. Như thế sẽ có thêm nhiều người có bằng thạc sĩ nhưng kiến thức thực tế lại thấp hơn nhiều.
Cần phải có biện pháp chế tài nặng với những việc gian dối như thế này. Nếu xác định được là luận văn được thuê mướn viết thì người hướng dẫn, hội đồng chấm luận văn cao học, nhà trường xử lý như thế nào? Hay chỉ không công nhận luận văn này là xong?
Pháp luật có đưa tội danh "viết thuê luận văn" (ĐH, cao học, và biết đâu cả tiến sĩ) để trừng trị các tổ chức, cá nhân đi viết thuê luận văn hay không? Nếu không có giải pháp căn cơ cụ thể, hiện tượng này sẽ vẫn còn và có khi lại phát triển mạnh, làm hỏng cả hệ thống đào tạo sau ĐH của nhiều trường.
"Tệ" sính bằng cấp
Đó là ý kiến của bạn đọc Tuổi Trẻ quanh chuyện "vô tư" mua bán luận văn thạc sĩ...
* Tại sao phải có bằng thạc sĩ mới được tăng lương? Mới đi dạy, thậm chí chỉ là dạy cấp I mà vì chuộng bằng cấp, chuộng thành tích để khoe: cơ quan tôi, trường tôi có 50 nhân sự mà 10 trình độ ĐH, 25 thạc sĩ, còn lại trên thạc sĩ, còn có cả vài phó GS, GS nữa đấy nhé! (Hai)
* Đây là sự phản ánh "tệ" sính bằng cấp. Những chuyện này có lẽ không nằm trong khu vực doanh nghiệp tư nhân. Có bằng, lên chức thế là cứ mua, cần gì học, có tiền bỏ ra là vô tư có bằng. (Dương Văn Tuấn)
* Tôi mới nhận được quảng cáo qua tin nhắn điện thoại làm bằng cấp các loại, giao nhận toàn quốc, công khai như vậy thì chứng tỏ họ không sợ ai, nếu vậy thật đáng sợ. (Quốc)
* Những luận văn loại này mua chỉ dành cho một số sếp không có năng lực thực sự, cần cái bằng để hưởng chức vụ và lương bổng. Các nhà khoa học cho họ cũng không nhận nói chi mua 15 triệu đồng một luận văn, bởi những nhà khoa học mua bằng thì không làm được việc. (Hùng)
* Chuyện này không mới chút nào, nó tồn tại trong các trường ĐH trong một thời gian rất dài rồi. (Huy Long)
* Từ năm 2005 về trước, khi đăng ký thi thạc sĩ thì 100 thí sinh đậu được dưới 10. Giờ đăng ký 100 đậu 98 thí sinh. (Minhnongdan)
* Chỉ cần quy định, hạn chế những người có bằng cấp thạc sĩ, đặc biệt là tiến sĩ, làm công tác quản lý, mà nên hướng vào giảng dạy, nghiên cứu... thì sẽ thấy ngay. (Nguyễn Khang)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận