16/09/2016 13:56 GMT+7

"Chỉ 1/10 bãi đậu sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập"

Q.KHẢI - M.PHƯỢNG
Q.KHẢI - M.PHƯỢNG

TTO - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú cho biết như vậy trong buổi làm việc của Sở GTVT TP.HCM với các đơn vị để tìm biện pháp giảm ngập úng cho sân bay Tân Sơn Nhất sáng 16-9.

Ông Tú cho biết trong hai trận mưa to vừa qua cũng như các năm trước, chỉ ngập ở một số ít bến đậu như bến 11, 12, 26, 27, đường lăn M1 trong tổng số 50 bến đậu khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Tú cũng cho biết sân bay Tân Sơn nhất có ba hướng thoát nước chính từ sân bay. 

Khu vực phía bắc gồm hai đường hạ, cất cánh và các hệ thống đường lăn kết nối với hai đường hạ cất cánh đang thoát nước thông qua các mương của sân bay là mương M1, M2, M3 để chảy ra kênh Hi Vọng về kênh Tham Lương.

Toàn bộ khu vực sử dụng hệ thống thoát nước có diện tích 500ha. Hệ thống kênh này có vai trò rất quan trọng và hiện đang thoát nước rất tốt. Do đó, các cơn mưa to vừa rồi không bị ảnh hưởng.

Việc máy bay không hạ cất cánh được liên quan đến điều kiện thời tiết xấu, gió giật mạnh, tầm nhìn hạn chế do mưa và không phải do ngập nước.

Phần thoát nước phía nam của sân bay thoát qua mương A41. Toàn bộ khu vực thoát nước qua hệ thống mương này có diện tích 80ha (sân đậu máy bay 30ha, các đơn vị nằm trong sân bay 20ha và 30ha của khu dân cư).

Hướng phía Đông Nam gồm có ga quốc tế, một phần đông nam khu bay, các đơn vị trong sân bay, hai nhà ga với diện tích khoảng 120ha, sử dụng mương Nhật Bản để thoát nước.

Hiện dự án làm cống hộp ở mương Nhật Bản của TP đã gần hoàn thiện, chỉ còn phần đấu nối với phía trong sân bay qua phần tường rào sân bay với hàng rào an ninh bay.

Vì thế, nguyên nhân chính giải quyết ngập sân đậu chính là hệ thống thoát nước từ sân bay qua mương A41. Mương này do bị lấn chiếm, bồi lấp tạo thành nút thắt, gây khó khăn cho việc thoát nước.

Giải pháp căn cơ để giải quyết ngập ở sân đậu là phải trả lại bờ mương, lòng mương ở hai nhánh mương A41 như cấu trúc ban đầu. Trong lúc chờ tháo dỡ, tính toán, phương án đưa ra là xây hồ điều tiết theo hướng thoát nước. Trong đó, các đơn vị phải tính toán vị trí xây dựng hồ điều tiết.

Một giải pháp khác là lắp đặt trạm bơm cưỡng bức ở hợp lưu hai nhánh mương A41, sử dụng hai van một chiều, tuy nhiên phải tính toán kỹ.

Cùng đó, dự án cải tạo mương  A41 đã có chủ trương của HĐND TP.HCM gồm hai giai đoạn: từ năm 2016-2018 làm công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng với kinh phí 400 tỉ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2017-2019 là 160 tỉ đồng.

Q.KHẢI - M.PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên