"Chết chìm" bè cá An Giang

HÙNG ANH 08/04/2007 07:04 GMT+7

TTCT - Ở miền Tây nói đến Châu Đốc - An Giang là người ta nhớ ngay đến nghề nuôi cá bè. ông Ba Danh (Phan văn Danh, chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang) nói hồi ông 6-7 tuổi đã thấy trên sông Hậu đoạn chảy qua Châu Đốc có bè nuôi cá.

Phóng to

Làng bè Châu Đốc - An Giang “chết chìm” trên sông Hậu nhưng vô phương cứu vãn

TTCT - Ở miền Tây nói đến Châu Đốc - An Giang là người ta nhớ ngay đến nghề nuôi cá bè. ông Ba Danh (Phan văn Danh, chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang) nói hồi ông 6-7 tuổi đã thấy trên sông Hậu đoạn chảy qua Châu Đốc có bè nuôi cá.

Sông Hậu mùa này nước trong xanh chảy lững lờ. Đứng dưới hân tượng đài tôn vinh cá ba sa ở công viên đường Lê Lợi (thị xã Châu Đốc) nhìn về hướng làng bè vẫn thấy hàng trăm mái tôn nhấp nhô bắt nắng sáng loáng trên sông. Nhưng ông Hai Nghiệp, một người nuôi cá bè kỳ cựu trên sông Hậu nay đã giải nghệ, nói giọng buồn buồn: “Làng bè Châu Đốc - An Giang đã hết thời. Bè còn đó nhưng bảy phần mười đã bị ngân hàng quản lý để xiết nợ. Số còn lại cũng không mấy người dám liều mình tiếp tục nuôi cá”. “Cuốn phim” đầy những sự kiện buồn vui của làng bè đang chiếu chậm trong trí não ông Hai Nghiệp...

Hết thời oanh liệt

Phóng to

Tượng đài tri ân con cá ba sa trị giá 1,2 tỉ đồng do tỉnh An Giang dựng tại ngã ba sông Hậu, sông Châu Đốc năm 2003

Ông Hai Nghiệp nói hồi thập niên 1970 của thế kỷ trước, lúc sông Hậu mới loe hoe vài chục chiếc bè thì dân làng bè chỉ nuôi rặt cá lóc bông. Sau đó họ chuyển sang nuôi cá mè vinh, cá he, cá hú... và sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Mãi đến đầu thập niên 1990 “quân số” làng bè Châu Đốc mới có 560 chiếc bè với sản lượng cá nuôi khoảng 2.300 tấn. Nhưng chỉ trong mười năm từ 1990-2000, làng bè Châu Đốc “bùng nổ” với số lượng hơn 4.200 chiếc lớn nhỏ, neo đậu chen kín bờ sông Hậu từ Tân Châu đến tận Long Xuyên.

Đó là thời vàng son của nghề nuôi cá bè, vì lúc đó cá ba sa xuất khẩu đang hút hàng nên mọi người đổ xô đóng bè nuôi cá. Những chủ bè có 1-2 chiếc thì gom vốn đóng thêm, người chưa từng nuôi cá cũng bằng mọi cách vay vốn ngân hàng, vay nợ lãi suất cao bên ngoài để đóng bè nuôi cá. Thời điểm đó giá đóng một chiếc bè là cả một gia tài: bè nhỏ nuôi khoảng 100 tấn cá giá không dưới 200 triệu đồng, bè lớn (150-200 tấn cá) giá 500-800 triệu đồng/chiếc bởi phải đóng bằng các loại danh mộc (sao, cà chất) và sử dụng đinh đặc biệt chống gỉ sét.

Ông Hai Nghiệp nói: “Hồi đó người ta nói An Giang là xứ giàu có nhờ lúa mà chưa thấy ai trồng lúa trở thành tỉ phú. Nhưng mấy ngàn ông chủ bè ở An Giang là mấy ngàn ông tỉ phú. Châu Đốc, An Phú lúc ấy là xứ của tỉ phú”. Người dân An Phú, Châu Đốc hiện nay vẫn còn nhớ như in cảnh những ông chủ bè cá xài tiền theo kiểu ngắt khúc không cần đếm, mua canô chạy xé nước sông Hậu để đi nhậu; sống bập bềnh trên nhà bè nhưng chồng một chiếc Dream Thái, vợ chiếc Spacy, nhà bè trang bị đầy đủ tiện nghi như một biệt thự cao cấp.

Nhưng thời vàng son oanh liệt mau chóng lụi tàn. Năm 1996 cả làng bè tồn đọng 8.000 tấn cá ba sa, các chủ bè đành chịu lỗ, bán 4.000-5.000 đồng/kg cá cho doanh nghiệp chế biến. Sau đó làng bè bỏ con cá ba sa, gượng dậy với nghề nuôi cá tra. Cuối năm 2000 đến lượt con cá tra điêu đứng, làng bè tồn đọng hơn 20.000 tấn cá tra phải bán đổ bán tháo.

Và từ năm 2000-2003 cá tra nuôi bè bắt đầu lép vế trước con cá tra nuôi hầm vì mỡ nhiều, tỉ lệ phi lê thấp, chi phí nuôi quá cao, thường bị bệnh chết ồ ạt và bị doanh nghiệp chế biến thu mua với giá thấp hơn giá thành sản xuất 20-30%. Nhiều năm liền trắng tay, làng bè Châu Đốc - An Giang thật sự suy sụp và những tỉ phú một thời oanh liệt lâm cảnh chồng chất nợ nần. Hàng loạt nhà bè bị các ngân hàng quản lý, phát mãi đề trừ nợ vay, hàng trăm tỉ phú như ông B., ông Út L. Ba Th., Tư Đ., Hai B... phải rời bỏ quê hương xứ sở dắt díu gia đình tha phương cầu thực với hai bàn tay trắng vì tiền bạc, tài sản đã đội nón ra đi theo con cá tra bè.

Ông Dương Bình Luận, chấp hành viên của Đội thi hành án huyện An Phú, cho biết trong quá trình điều tra kê biên nhà bè để thi hành án cho các ngân hàng, ông đã chứng kiến rất nhiều tỉ phú ngày xưa giờ phải làm đủ thứ nghề để kiếm cơm từng bữa nuôi vợ nuôi con, đói lên đói xuống. Theo thống kê của Sở Thủy sản An Giang, đến đầu tháng 3-2007 tổng số nhà bè trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2.237 chiếc (1.600 chủ bè), giảm khoảng 2.000 chiếc so với hồi nghề nuôi cá bè đang thịnh, nhưng phần lớn đã bị các ngân hàng quản lý để thu hồi nợ và số bè còn thực nuôi cá cũng không nhiều.

Ông Trần Văn Ánh, trưởng phòng tổng hợp Ngân hàng Nhà nước VN (chi nhánh An Giang), cho biết tỉ lệ cho vay nuôi cá bè chỉ bằng 50% giá trị tài sản thế chấp, nhưng hiện nay số nợ của các chủ bè với các ngân hàng thương mại trong tỉnh là gần 100 tỉ đồng và khả năng thu hồi rất thấp do không phát mãi được bè cá vì... không ai thèm mua.

"Xẻ thịt" bè cá

Phóng to
Một bè cá đang bị “xẻ thịt” trên sông Châu Đốc
Từ khi làng bè suy sụp, hết thời thì ở An Giang xuất hiện một nghề mới: nghề xẻ thịt bè cá. Ngoài bãi “xẻ thịt bè cá” bán phế liệu khá nổi tiếng của bà Tám Điểm ở ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú thì suốt dọc sông Hậu xuất hiện rất nhiều thợ rã bè. Minh, một thợ “xẻ thịt” bè cá khá nổi tiếng trên sông Châu Đốc cho biết không phải bè nào thợ cũng mua.

“Sau khi khảo sát kỹ, thấy chất lượng gỗ bè còn khỏang 70%-80% tụi tui mới chấp nhận mua. Nhưng giá thu mua chỉ bằng 10%-20% giá đóng bè vì đa số bè cá rả ra chỉ bán đồ phế liệu và gỗ... nghĩa địa (gỗ đã qua sử dụng)”. Mặc dù gỗ bè cá sau khi rả gần như còn mới nguyên nhưng tuyệt nhiên không có ai mua về cất nhà vì... kiêng cữ, gỗ bè chỉ bán đựơc cho những người sửa chửa ghe thuyền, làm sàn nước.

Minh nói, một chiếc bè cá từ khi xẻ thịt đến lúc bán xong mất... vài ba tháng bởi chỉ bán đựơc từng món một nên bè kêu bán thì nhiều nhưng thực tế người mua để xẻ thịt thì chẳng bao nhiêu. Ông Dương Bình Luận xác nhận: trong 100 vụ phát mãi bè cá để thi hành án thì chưa đầy 10 vụ bán đựơc bè nhưng với giá rất thấp, không đủ để chủ bè trả nợ nên phần lớn bè bán xong mà chủ bè vẫn còn nợ ngập đầu.

Khi làng bè An Giang, Châu Đốc “chết chìm” trên sông Hậu nhiều người mới giật mình: lâu nay làng bè là một trong những “đặc sản” của vùng Châu Đốc, Thất Sơn - Bảy Núi. “Làng bè ngòai vấn đề kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động còn là nét văn hóa đặc sắc của Châu Đốc, An Giang, là một góc văn minh sông nước miệt vườn.

Mất làng bè là An Giang mất một hình ảnh truyền thống hơn nữa thế kỷ tuổi đời”, ông Ba Danh ngậm ngùi nói. Không muốn mất làng bè nhưng làm gì để giữ được làng bè truyền thống vẫn là một bài toán khó đối với An Giang. Bà Phan thị Yến Nhi, phó giám đốc Sở Thủy sản An Giang, nói hiện nay đang là thời kỳ hòang kim của nghề nuôi cá tra hầm: cá tra hầm giá thành sản xuất thấp, tỉ lệ phi lê cá hầm cao hơn cá bè nên khôi phục nghề nuôi cá bè gần như là chuyện bất khả thi.

Phóng to
Thu họach cá tra bè, một hình ảnh đã lùi vào dĩ vãng
Bà nói: “Cố gắng giữ đựơc chừng nào hay chừng đó. Theo tôi muốn khôi phục nghề nuôi cá bè cần phải khôi phục nghề nuôi cá basa gắn với phục vụ du lịch, cụ thể là khuyến khích chủ bè vừa nuôi cá vừa chế biến các món ăn từ cá basa tại bè phục vụ du khách”.

Tuy nhiên muốn khôi phục nghề nuôi cá bè thì các chủ bè phải cần có vốn đầu tư trong khi hiện nay ngân hàng nghe nói tới chủ bè đều... chạy dài, chỉ chấp nhận cho vay vốn nuôi cá tra hầm. “Nếu nghề nuôi cá tra hầm không xuất hiện thì nghề nuôi cá tra bè vẫn tồn tại và phát triển. Không phải chúng tôi chê chủ bè không biết làm ăn nhưng nói thật xu thế hiện nay không cho phép chúng tôi đầu tư vào nghề nuôi cá bè vì tỉ lệ rủi ro quá cao. Hiện tại số nợ quá hạn của các chủ bè không thể thu hồi vẫn đang là gánh nặng đối với ngân hàng”, ông Trần văn Ánh nói.

Và trước sự quay lưng của ngân hàng, chuyện khôi phục làng bè và nghề nuôi cá bè ở An Giang, Châu Đốc ngày càng mờ mịt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận