Trái lại, sườn tây là "thánh địa" ma túy, nhiều biệt thự của những ông chủ giàu lên bất thường.
Bên kia sườn đồi, bước qua mốc biên giới 261 vài chục bước chân là bản Pa Háng, đi thêm vài cây số là bản Muống thuộc huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Đây được coi là "tử địa" ma túy, những ông trùm lớn sẵn sàng cung cấp cả tạ hàng trắng nếu có kẻ đặt hàng.
Sườn tây đầy cám dỗ
Đứng ở mốc 261 nhìn rõ các căn biệt thự "khủng" của các đại gia bên Lào. Những cửa hàng tạp hóa dựng tạm bằng vài tấm tôn bên đường chỉ cách đường biên vài chục mét. Vài cái đầu rối như tổ quạ lấm lét ngó từ trong cửa hàng dò xét chúng tôi.
Một tên kín đáo giơ ống nhòm một mắt, loại kính ngắm quang học gắn trên các khẩu súng bắn tỉa, quan sát động thái của những ông khách lạ đứng gần cột mốc.
Anh cán bộ trinh sát biên phòng ngăn chúng tôi không được bước chân sang nước bạn mặc dù có đầy đủ giấy tờ.
"Nếu anh có giấy tờ thăm người thân, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng ở bên kia thì chúng tôi để anh đi. Còn nếu không thì không ai đảm bảo an toàn cho anh. Không phải cơ quan chức năng bên nước bạn gây khó khăn mà người dân bên đó sẽ bắt anh lại. Mấy người hay sang đó bán hàng, mua ve chai cũng bị bắt lại mấy lần rồi, giờ không ai dám đi nữa", anh cán bộ trinh sát nói.
Ông Lê Thái Hòa, trưởng Phòng phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Sơn La, phân tích: con đường ngắn nhất để đưa ma túy từ Tam giác vàng vào nội địa Việt Nam là qua tỉnh Hủa Phăn. Khu vực này có một con đường được trinh sát bộ đội biên phòng gọi với bí danh "Con đường tơ hồng".
Những năm trước, đêm đêm có từng toán, từng nhóm mang ba lô, súng ống, đạn dược cõng ma túy vượt biên, luồn sâu vào rừng già Pha Luông rồi tản mát đi Khò Hồng, Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La), Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) để tiến sâu vào nội địa.
Các toán vận chuyển ma túy mấy năm trước sống như thổ phỉ. Tiểu liên, lựu đạn đèo kè kè bên hông. Chúng đi thành nhóm, thuê người mang lương thực, nước uống, sẵn sàng đấu súng.
Người được thuê chủ yếu là người Lóng Sập, Chiềng Sơn, Xuân Nha... (Mộc Châu, Vân Hồ). Những người thuộc đường rừng Pha Luông như lòng bàn tay, sẵn sàng đấu súng để được trả vài triệu đồng mỗi chuyến hàng và được hút chích thoải mái.
Những "ông trùm" phía bên kia biên giới từng treo thưởng vài nghìn đô cho kẻ nào dám bắn cán bộ biên phòng hoặc dọa ném lựu đạn, "làm cỏ" các chốt biên phòng heo hút trên núi.
Sau khi những ông trùm ma túy lớn trong vùng bị bắt như: Tàng "Keangnam" (Tráng A Tàng), Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận ở Tà Dê, Lũng Xá (xã Lóng Luông, Vân Hồ), tình hình có vẻ tạm yên.
Rừng Pha Luông không còn những bãi cỏ cây đổ rạp vì nhiều người ngồi nghỉ. Khe đá, gốc cây vắng những chiếc "điếu hồng" (chai nước chế thành dụng cụ sử dụng hồng phiến) hoặc giấy bạc những tên chuyển hàng bỏ lại.
Tuy nhiên, nhận định của lực lượng biên phòng là những ông trùm lớn bên Lào còn nhiều. Những đầu mối cung cấp hàng lớn cho các ông trùm trong nước trước đây vẫn ở bản Muốn, Pa Háng thường trực và có cả những xưởng pha chế, ép bánh (heroin, hồng phiến) đưa về sát biên giới. Chỉ cần bộ đội lơ là hàng chục ký "hàng" luồn rừng vào nội địa.
Bản sườn đông xác xơ vì ma túy
Buốc Pát chỉ cách trung tâm xã Lóng Sập (huyện Mộc Châu, Sơn La) chưa đầy chục cây số. Bản người Mông nằm sát biên giới, bên này sườn núi là Buốc Pát, bên kia là các bản Pa Háng, bản Muống thuộc huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Hai bên sườn đông - tây là hai cuộc sống trái ngược. Sườn đông là bản nghèo xơ xác, cơm không đủ ăn, bộ đội trích tiêu chuẩn ăn hằng tuần góp tiền nấu cơm cho trẻ con đi học.
Cho đến bây giờ, lứa đàn ông "cứng tuổi" nhất bản là trưởng bản Mùa A Dê vừa 31 tuổi. A Dê cời cời cái bếp than giữa nhà rồi nói: "Ngày xưa em đi học xa nên không bị "con ma túy" bắt. Ở bản, lấy vợ sớm chắc đến giờ cũng dặt dẹo rồi".
Người cao tuổi nhất bản Buốc Pát bây giờ là hai phụ nữ mới bước qua tuổi 50. Đàn ông lớn tuổi gần như không còn.
Từ hơn chục năm trước, người trong bản Buốc Pát sang bên kia biên giới làm thuê, người bên ấy giàu, trả công lao động cao bằng mấy lần đi làm phụ xây, cuốc hố, vác sắn thuê bên này. Đã vậy thỉnh thoảng chủ nhà còn cho "làm vài khói" (hút ma túy) cho vui.
Trai tráng thuộc đường rừng, người ta thuê đi "vác đồ" mỗi đêm được cả triệu bạc. Có người cả năm chẳng thấy mặt ở bản bao giờ, đến Tết dân bản thấy ngồi ngáp trước nhà, mắt lồi, má hóp, hai ống chân run lẩy bẩy như con ngựa bị bỏ đói ngày mưa rét.
Ngày ấy cả bản nghiện. Trưởng bản Mùa A Dê rùng mình nhớ lại cái mùi ngai ngái của khói thuốc phiện bay khắp bản. Một vài người đốt bàn đèn hút ở đầu bản, cả bản ngửi thấy mùi. Mùi thuốc theo sương núi bay là là từ mái nhà nọ sang mái nhà kia như con ma rừng.
"Mới đầu thì chồng nghiện, rồi vợ nó, con nó ngửi mùi thuốc nhiều cũng nghiện theo. Có nhà cả gia đình nghiện, đồ đạc bán hết để sang bên kia (Lào) mua thuốc. Bán hết thì đi làm thuê luôn bên ấy, ở luôn bên ấy. Nhà nào cho cơm, cho thuốc thì ở lại. Bên ấy bán như bánh kẹo, mỗi viên "thuốc hồng" giá bằng hai gói bim bim, mỗi bó củi cũng được một "khói" (một liều ma túy), nên cả năm chỉ nhìn thấy họ về bản vài lần", Mùa A Dê kể.
"Ở đây đất rộng, nhà nhiều ruộng nhất trồng được hai bao thóc giống, vài yến ngô giống. Quanh năm không lo thiếu gạo, con trâu, con lợn có cái ăn quanh năm. Ngày mới về lập bản, dân có thóc ngô chất đầy nhà, con gà khoét bao ăn lệch diều chẳng ai buồn đuổi", A Dê mơ màng nghĩ đến những ngày tuổi thơ no ấm.
Rồi anh buồn buồn kéo vạt áo lau mũi cho đứa con chưa đầy 3 tuổi. Ngày ấy, họ chưa nghĩ đến ma túy tàn phá bản.
Thế rồi, ngày ấy thanh niên trong bản cứ học lớp 7, lớp 8 là bỏ học về nhà lấy vợ, rồi đi làm thuê bên Lào, rồi lại nghiện, lại nghèo. Từ năm 2012, bộ đội biên phòng nấu cơm cho trẻ con ăn.
Bọn trẻ thích đến trường, rồi chúng được đi học bán trú, được Nhà nước nuôi. Đường bê tông đang làm lên tận bản, mùa mưa tới xe máy không phải cuốn xích vào lốp nữa. Bể nước sạch đã xây xong rồi, điện có rồi, trường học cũng xây rồi.
Học được cái chữ và điều đáng mừng là lứa trẻ mới lớn bây giờ biết "sợ" ma túy, không vướng nghiện ngập, học xong đi làm công nhân, cuối năm mang tiền mua xe máy, mua thêm nương để làm.
"Dân bản không còn nghiện, chịu khó làm thì vài mùa nữa là ngô thóc để đầy nhà, con trâu, con lợn lại đầy nương thôi", Mùa A Dê hy vọng. Nhưng cách bản không xa, những cái vòi bạch tuộc ma túy chết chóc vẫn đang rình rập. Không thể một phút lơ là...
Khi Suối Thín hết chỗ làm lúa nương, con cháu trong bản lục tục chia nhau đi sâu vào dãy Pha Luông lập bản mới. Khu đó đất tốt, có nước quanh năm nhưng lại nằm sâu trong rừng đặc dụng.
Chính quyền phải vận động mãi, rồi hỗ trợ để bà con di dời sang nơi khác. Bố mẹ và hơn chục nhà khác lại buộc đồ lên ngựa, dắt díu nhau về xã Lóng Sập, chỗ bản Buốc Pát bây giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận