07/06/2014 08:57 GMT+7

Chênh lệch giàu - nghèo gia tăng

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Sáng nay 7-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

CB0rjofb.jpgPhóng to
Quốc hội đang thảo luận về chương trình giảm nghèo sáng 7-6

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết kết quả giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã khẳng định thành tựu giảm nghèo đạt được liên tục trong nhiều năm là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn này.

Đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức. Cụ thể như mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỉ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục.

Bà Mai cho biết chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê cho thấy hệ số chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 (2002) lên 9,4 (2012).

Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước.

Năm 2012, các xã 135 tỉ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% và còn khoảng 900 nghìn hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người ở các xã này chỉ bằng khoảng 30% so với thu nhập chung khu vực nông thôn; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo bà Mai, đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống do phải bảo đảm chi phí đắt đỏ cho các dịch vụ y tế, nhà ở, giáo dục, đi lại và sinh hoạt tối thiểu.

Ngoài ra, vấn đề nghèo còn chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống và tệ nạn xã hội.

Bà Mai nói mặc dù chưa có số liệu thống kê, đánh giá toàn diện về tác động của di dân, tái định cư, định canh do xây dựng các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các công trình hạ tầng đối với vấn đề nghèo, song thực tế cho thấy có một số nguy cơ đang tiềm ẩn đối với nghèo đói từ những vấn đề này.

Công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo còn hạn chế.

v0GaIUU0.jpg
Các đại biểu bắt đầu thảo luận về chương trình giảm nghèo sáng 7-6

Tiếp tục đẩy mạnh giảm nghèo

Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020”.

Nghị quyết tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015 thông qua việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều; ưu tiên các chính sách đối với những địa bàn khó khăn nhất, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo nhằm thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội…

Đối với Chính phủ, cần nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo và chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều sau 2015 nhằm bảo đảm an sinh tối thiểu cho người nghèo về việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, trợ giúp pháp lý và thông tin để đảm bảo cho mục tiêu giảm nghèo bền vững; rà soát, phân loại và chuyển số nghèo kinh niên sang nhóm bảo trợ xã hội.

Xây dựng bộ tiêu chí bình xét, đánh giá chuẩn nghèo, tổ chức công tác thống kê, theo dõi thống nhất trong cả nước; hiện đại hóa công tác quản lý để thực hiện tốt hơn công tác giám sát, đánh giá hiệu quả giảm nghèo.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần tăng thêm nguồn vốn để thực hiện định mức cho vay theo hộ gia đình, đồng thời điều chỉnh mức cho vay, lãi suất, thời gian linh hoạt, phù hợp với địa bàn và gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nghèo; bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay; quan tâm chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo; xây dựng lộ trình hợp lý để hộ thoát nghèo ra khỏi chương trình tín dụng.

Nghiên cứu duy trì một số chính sách giảm nghèo phù hợp đối với các tỉnh, thành phố có chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia như chính sách tín dụng, dạy nghề và bảo hiểm y tế, đồng thời tiếp tục duy trì một số chính sách cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để bảo đảm thoát nghèo bền vững.

Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội thảo luận tại Hội trường.

TTO tiếp tục cập nhật.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên