07/02/2017 09:56 GMT+7

Chen lấn, giành giật: Do thói quen, không phải do lễ hội?

NGUYỄN THÀNH GIANG
NGUYỄN THÀNH GIANG

TTO - Tác giả Nguyễn Thành Giang cho rằng nguyên nhân tình trạng giành giật, chen lấn tại các lễ hội xuất phát từ thói quen đã ăn sâu vào nhiều người. Để cung cấp thêm một góc nhìn, xin gửi đến bạn đọc bài viết của tác giả này.

Hàng trăm thanh niên xô đẩy nhau cướp lộc trầu, cau tại hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khai mạc ngày mùng 6 tết - Ảnh: NAM TRẦN

Chuyện giành giật, chen lấn nhau đã trở thành thói quen xấu của con người, chứ không phải bản chất của lễ hội. Vì vậy, để dẹp bỏ tật xấu này cần phải có chế tài hướng về phía con người chứ không phải về lễ hội.

Những ngày Tết và sau Tết, trong những lễ hội diễn ra, nhất là các lễ hội ở Bắc bộ, xảy ra tình trạng cướp giật, , cầu tài. Điều ấy xảy ra ở các ngôi đền, chùa lớn hay các địa điểm tâm linh thu hút nhiều người đến.

Báo chí, cộng đồng lành mạnh năm nào cũng lên tiếng, nhưng sự việc cứ năm sau lại tệ hơn năm trước. Nhiều người đổ thừa cho cái Tết cổ truyển, đổ thừa cho lễ hội.

Theo tôi, không phải vậy. Thực tế trải nghiệm cho tôi thấy chen lấn, giành giật đã là thói quen ăn sâu vào cách hành xử của một bộ phận người Việt, kể cả ngày thường lẫn ngày Tết.

Tôi từng gặp nhiều cảnh giành giật nhau ở chỗ đổ xăng. Nhiều người đàn ông trẻ, to con lớn xác, chạy xe vào sau, nhưng khi thấy người đứng đợi trước là người già, sinh viên, phụ nữ, liền tìm cách đưa xe vào sát, giành chỗ đứng có lợi hơn mình. Và khi nhân viên đổ xăng đến, họ lên tiếng bảo đổ cho họ trước.

Nếu người khác không chịu nhường vị trí đổ trước, họ sẵn sàng gây gổ, chửi bới thô tục. Với những người đàn ông đó, có lẽ không có thứ tự, không có trước sau dù bất cứ ở đâu.

Trong đầu họ, ai mạnh hơn là cướp giật được. Trường hợp ấy, đi 10 cây xăng tôi dường như đã thấy đến tám cây có.

Xem clip "Hàng trăm thanh niên tranh cướp lộc tại hội Gióng" - Nguồn: TVO

Một nơi nữa mà tôi thường thấy sự chen lấn, giành giật là ở các siêu thị lớn. Theo tiến trình mua bán, vấn đề sau cùng là đem hàng đã mua ra chờ tới lượt mình thì đưa hàng vào tính tiền.

Rất nhiều bà nhiều cô ăn vận đẹp đẽ, môi son má phấn, mặt mũi sáng sủa, nhưng cứ coi nguyên tắc của họ ở chỗ này là ai mạnh và to mồm thì giành được.

Họ sẵn sàng đẩy người đứng trước ra hoặc bỏ chồng hàng của mình lên hàng người ở phía trước để được tính tiền trước. Hiện tượng phản cảm ấy xảy ra cũng không hề hiếm. Những bà những cô này cũng không hề có ý niệm nào về thứ tự, về xếp hàng ở những nơi công cộng cần xếp hàng.

Theo tôi, vì chuyện giành giật, chen lấn nhau đã trở thành bản chất của con người chứ không phải bản chất của lễ hội, nên việc giải quyết cũng phải hướng về phía con người chứ không phải về lễ hội. Nên chăng ở những đền, chùa, khu tâm linh có lượng người đổ về lớn hằng năm, cần có những quy định chặt chẽ hơn, chế tài khắt khe hơn cho những người đến đây".
Nguyễn Thành Giang

Phía trên chỉ là hai ví dụ tôi dẫn ra dễ thấy nhất, để chứng minh rằng giành giật, chen lấn là bản chất của nhiều người Việt.

Ngoài ra, ở các điểm giữ xe, chợ, xe buýt..., ngày thường cũng như lễ Tết, việc chen lấn xô đẩy, giành giật là một việc nhiều khi là đương nhiên. Nhưng vốn thường ngày chúng ta dễ lướt qua vì biết bao bộn bề của cuộc sống.

Chỉ khi Tết đến chúng ta mới có chút thời gian rãnh để nhìn xung quanh một cách nhiều hơn. Lại nữa, khi các lễ hội Tết và xuân diễn ra, số lượng người đổ về rất đông, tất nhiên những thành phần thích chen lấn, cướp giật với người khác bình thường ở nhiều nơi khác nhau, giờ tụ họp về mộtt điểm nên trở thành đông hơn, dễ nhìn thấy hơn.

Chính vì thế, nhiều người nhầm lẫn là ở lễ hội Tết, các chùa phủ ngày xuân mới có chuyện bát nháo diễn ra. Theo tôi, nhìn nhận như vậy chưa đúng vấn đề. Dẫn đến nhiều người đổ lỗi cho lễ hội, cho những nét văn hóa truyền thống, thậm chí đòi bỏ Tết, bỏ lễ hội.

Đồng ý rằng cửa chùa hay nơi tâm linh ai cũng có quyền được đến và bày tỏ tấm lòng, thể hiện nguyện vọng với đất nước, với đồng bào hay với chính bản thân họ. Nhưng chúng ta có thể đặt nội quy rõ ràng ở ngay cổng vào, và thông báo nghiêm túc rằng nếu ai chen lấn, cướp giật nhau sẽ bị xử lý, thậm chí trục xuất ra khỏi nơi lễ.

Trước đó khi lễ chưa diễn ra, chúng ta có thể đăng thông tin về nội quy của lễ hội trên báo, trên loa truyền thanh hay các phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi. Và một khi đã có quy định, đã thông báo quy chuẩn, bất cứ ai vi phạm, chen lấn, xô đẩy, cướp giật, đều phải bị xử lý đưa ra khỏi nơi lễ.

Tất nhiên, những lễ hội nào có nghi thức chính lâu đời có liên quan đến cướp, giật lộc, ban tổ chức cũng nên nghiêm túc họp với các bô lão, giảm bớt nghi thức hoặc giới hạn số người nhất định cho nghi lễ. Những người còn lại chỉ được xem bên ngoài, lễ bái, khấn nguyện mà thôi.

Quan trọng hơn là phải xây dựng cách sống văn minh nơi đông người, đặc biệt là các lễ hội, Tết nhất là cho thế hệ trẻ. Ở nhà trường, thầy cô cần quán triệt dạy và thực hành các hành xử theo thứ tự cho học sinh.

Có thể kết hợp trong những dịp đưa các em đến thắp hương các di tích lịch sử, văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ... Và, chính các giáo viên cũng phải làm gương cho học trò ngay trong giờ học, ngay trong nhà trường, khi có những vấn đề dễ nảy sinh tâm lý muốn về trước, lên trước hay chen lấn...

Về phía gia đình, tất nhiên, mỗi người cha người mẹ phải là một hình mẫu cho con mình. Từ việc hành xử có thứ tự, có văn hóa ở các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, ở chợ, cây xăng, siêu thị, bãi giữ xe... Và, khi thấy có ai đó chen lấn, xô đẩy để giành lợi cho mình, cha mẹ phải lên tiếng để con biết điều đó là không đúng chuẩn mực.

Tôi tin rằng nếu gia đình nào cũng làm được như vậy, tương lai không xa sẽ bớt đi rất nhiều và có thể không còn tình trạng chen lấn, giành giật tại các điểm công cộng, tâm linh ngày thường cũng như ngày lễ tết.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng không phải cần đến cứ Tết, cứ lễ hội chúng ta lại phê phán nhau, thậm chí cãi nhau trên các diễn đàn về sự chen lấn, giành giật. Hãy nhìn lại xung quanh và nhìn lại chính mình trong cả những ngày bình thường, để từ đó hoàn thiện kỹ năng ứng xử. Tôi tin rằng ai trên đời cũng có giây phút ích kỷ, vội vàng mà giành giật, chen lấn, xô đẩy người khác.

Nếu ai cũng biết nhìn lại bản thân và biết tự hoàn thiện mình, cuộc sống này sẽ tốt hơn rất nhiều. Đừng ra rả đòi bỏ lễ hội, phê phán những nét văn hóa đầu năm  mà nhiều khi mang tội với tiền nhân... Đôi khi sau nhiều đời, tục lệ ấy đã bị chính lòng tham của con người thay đổi dần...

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!


 

NGUYỄN THÀNH GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên