19/08/2013 06:30 GMT+7

Chen chúc trong phòng học tạm

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TT - Học sinh các tỉnh ĐBSCL đã đến trường bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên nhiều trường vẫn gặp khó khăn trong việc bố trí học sinh vì cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng học xuống cấp trầm trọng.

1g5ZXFtu.jpgPhóng to
Sân chơi của Trường mẫu giáo An Thạnh Thủy (xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) quá nhỏ so với sĩ số 60 học sinh mỗi lớp - Ảnh: Thúy Hằng

Hàng ngàn học sinh tiếp tục học tập trong điều kiện hết sức khó khăn. Trong đó bậc học mầm non vẫn là điểm nóng do số trẻ huy động vào lớp ngày càng đông nhưng trường lớp vẫn còn tạm bợ, phải học nhờ lớp tiểu học.

Từ ngày 1-8, Trường mẫu giáo An Thạnh Thủy (xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) bắt đầu nhận trẻ vào lớp. Ngay từ sáng sớm nhiều phụ huynh đã dắt con đến đăng ký vì sợ đến trễ sẽ không được nhận. Cô Huỳnh Thị Thu Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước đây trường có nhiều điểm phụ nhưng hiện nay các phòng học đều xuống cấp trầm trọng nên chỉ còn một điểm chính và bốn điểm phụ hoạt động.

Trên 50 trẻ/lớp

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Long An, hiện nay bậc mầm non có 385 phòng kiên cố, 933 phòng học cấp 4, 159 phòng bán kiên cố (trong đó có 127 phòng học nhờ tiểu học). Toàn tỉnh có 22 xã, phường chưa có trường mầm non, các lớp phải học nhờ ở trường tiểu học. Còn tại Tiền Giang, năm học 2012-2013 toàn tỉnh có 9.077 phòng học, trong đó có 223 phòng học tạm thời và 42 phòng học mượn.

Tại điểm chính có bốn phòng học, diện tích mỗi phòng khoảng 50m2. Chỉ trong hai ngày tại điểm chính đã tiếp nhận được hơn 200 trẻ. Dự kiến trường sẽ sắp xếp hai lớp cho trẻ 5 tuổi (mỗi lớp hơn 40 trẻ) và hai lớp cho trẻ 4 tuổi (mỗi lớp 60 trẻ). Trong buổi học đầu tiên, do là trẻ mới nên các cô giáo khá vất vả mới điều khiển được hoạt động của lớp. Đã vậy sĩ số quá đông mà không gian lớp học lại chật hẹp nên giáo viên khó quản lý các em. Thấy vậy các giáo viên cho trẻ ra sân hoạt động nhưng diện tích sân chơi cũng hẹp nên càng khó khăn. Giáo viên phải xếp học sinh thành đội hình hai vòng tròn. Nhưng loay hoay với vòng tròn ngoài thì bên trong các bé lại rã vòng. Mất hơn 15 phút các cô mới ổn định được trẻ. “Tình trạng lớp học vượt sĩ số quy định đã kéo dài từ nhiều năm rồi. Năm nào lớp cũng trên 50 trẻ, học sinh học khó mà giáo viên quản lý cũng cực nhưng không có cách nào giảm sĩ số xuống” - cô Hà nói.

Còn tại điểm trường ấp Thạnh Thới thì phòng học chỉ rộng khoảng 30m2 nhưng phải sắp xếp chỗ ngồi cho 35 học sinh. Do phòng quá chật nên mỗi ngày giáo viên phải di chuyển bàn ghế ra ngoài nhường chỗ cho các em ngồi, đến trưa lại mang bàn ghế trở vào. Tại điểm trường ở ấp Thạnh An, gần 40 học sinh phải sinh hoạt trong căn phòng rất hẹp. Phần nền lát gạch tàu cách đây mấy chục năm nên ẩm thấp, giáo viên phải phủ một lớp bạt để học sinh có thể ngồi học. Phòng học này vốn là trụ sở sinh hoạt văn hóa của ấp Thạnh An. Một bên sắp xếp đồ dùng của trụ sở còn một bên là bàn ghế cho trẻ ngồi. Phần mái tôn đã quá cũ và in rõ dấu vết của những đường nước mưa chảy xuống. Cô Nguyễn Thị Tú, giáo viên phụ trách lớp, cho biết mỗi khi trời mưa là cô phải dùng tất cả vật dụng có sẵn trong lớp để hứng nước mưa. Sau đó phải đưa trẻ dồn về một góc phòng đợi mưa tạnh rồi mới học tiếp. “Phòng này dạy khoảng 20 trẻ mới đảm bảo nhưng năm nào cũng gánh gần 40 trẻ. Muốn chơi trò chơi là phải chia thành từng đợt. Đã vậy mỗi lần các cháu đi vệ sinh tôi phải dẫn vào nhà dân để đi nhờ vì ở đây không có nước. Riết rồi tội nghiệp quá nên đành phải nhắc phụ huynh tranh thủ cho các cháu đi vệ sinh lúc ở nhà” - cô Tú nói.

Tại Trường mẫu giáo Mỹ Phú, điểm phụ ở ấp Rạch Chanh (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An) có hai căn phòng cấp 4 đã xuống cấp nặng. Cô Trần Thanh Thủy, hiệu trưởng trường, cho biết do mặt đường phía trước trường chỉ mới rải đá xanh cộng thêm xe tải chở hàng lưu thông liên tục nên khói bụi phủ khắp trường. Phía trước hàng rào bằng lưới B40 cũng đã gỉ sét và phủ đầy bụi. Cổng rào thấp và “te tua”. Sân trường hẹp, chỉ mới tráng ximăng nhưng đầy vết nứt. “Do xe đi lại suốt ngày nên dù đã che chắn rất kỹ nhưng đến cuối buổi là bụi bám đầy bàn ghế trong phòng. Những buổi trời nắng thì phòng học rất nóng, bên ngoài khói bụi mù mịt. Những ngày mưa thì nước mưa dột ở trên xuống, rồi lại tạt từ cửa sổ vào. Ngày nào mưa lớn hơn thì nước từ mặt đường tràn vào ngập cả sân trường và tràn cả vào phía cửa lớp học” - cô Thủy nói.

Tại Trường tiểu học Nhà Dài (thị trấn Thủ Thừa) học sinh cũng chịu cảnh tương tự. Điểm phụ của trường nằm ở ấp 11 có bốn phòng bằng gỗ. Mái tôn của trường đã cũ và thủng lỗ chỗ. Các cánh cửa gỗ mục và chắp vá đủ kiểu. Ông Nguyễn Văn Ba, hiệu trưởng trường, cho biết trường được xây dựng từ những năm 1980 đến nay. Cách nay vài tháng, trời gió làm cây đổ vào trường, hư hết mấy mảnh tôn nhưng may mắn lúc đó không có học sinh. Ngoài ra, tại đây còn có một phòng học cho lớp mẫu giáo của Trường mẫu giáo thị trấn Thủ Thừa. Đây chỉ là phòng tạm bợ, mới được dựng lên 5-6 năm nay nhưng cột đã xiêu vẹo, mọt đục gần hết.

Chờ đề án xóa trường, lớp tạm

Bà Huỳnh Thị Huệ, phó giám đốc Sở GD-ĐT Long An, cho biết ngoài bậc mầm non đang gặp khó về giáo viên và trường lớp thì các bậc học còn lại đã tạm ổn. Hiện nay bậc mầm non ở Long An cần phải bổ sung 394 phòng do xuống cấp và không đủ diện tích theo quy chuẩn. Do đó mới đây HĐND tỉnh Long An đã thông qua đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2015. Theo đó từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn thành 394 phòng học và 43.244m2 nhà bếp, nhà kho để tổ chức ăn trưa cho trẻ tại trường. “Hiện nay mọi công tác chuẩn bị như khảo sát số phòng học tạm, học nhờ; quy hoạch đất và đào tạo giáo viên đã cơ bản xong. Cuối tháng 8 này sẽ bắt đầu triển khai đề án trên toàn tỉnh. Như vậy đến đầu năm 2014 khi có kinh phí các địa phương sẽ đẩy mạnh thực hiện các nội dung của đề án và đến cuối năm 2015 sẽ xóa toàn bộ phòng học tạm, học nhờ của bậc mầm non” - bà Huệ nói.

THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên