Chén chè thời ly nhựa

HOÀNG XUÂN (HÀ NỘI) 08/12/2013 05:12 GMT+7

TTCT - Trên đường Lý Chính Thắng có một quán chè nóng lề đường chỉ bán đêm, đông khách ghê lắm. Mười mấy nồi chè đầy ắp cùng gần chục mẹt bánh đủ loại quây tròn xung quanh cô bán chè, còn người mua thì quây tròn xung quanh cả chè lẫn người bán.

Phóng to
Minh họa: Salem

Thời béo phì ai cũng ngán đồ ngọt, sợ đồ béo, nhưng quán này bán không kịp khách. Người ngồi ăn vòng trong vòng ngoài. Chẳng phải nơi dành riêng cho các teen. Chồng chống xe chờ vợ mua mấy chục bịch mang về cho cả nhà, cha dẫn con, cậu bồng cháu, cả gia đình hoặc một nhóm bạn bè, có khi chờ cả nửa tiếng mới được múc chén chè mà vẫn kiên nhẫn chờ, thế mới lạ!

Thật ra chè ngon quá. Gần chục thứ chè dân dã: đậu trắng, đậu đen, đậu xanh, chè bắp, chè thưng, chè táo xọn, chè khoai môn, chè chuối, chè trôi nước... Rồi bánh: bánh khoai mì, bánh đậu xanh nướng, bánh da heo, bánh bò, xôi vị...

Chè thì đẫy đà, nước cốt dừa sánh đặc, béo thơm mà không ngán, màu đen đậm, màu xanh mát, lấm chấm hạt đậu no tròn bóng lưỡng, mập ú miếng khoai môn bở mà chắc lẫn giữa đám nếp nở vừa tới, hạt vẫn còn nguyên, ngậm nước dừa nửa trong nửa mờ, quyến rũ như tình yêu ở cái độ chưa gì là rõ ràng...

Chén chè nhỏ chỉ khoảng vài muỗng xúp nên người nào cũng ăn ít nhất hai chén mới tạm thời ngưng chiến. Ngưng chiến chốc lát rồi đứng lên trả tiền đi về hay lại ngắm một vòng, múc một chén nữa là tùy cái bụng và cái lưỡi. Cô bán chè này khéo lắm, biết khách sợ mập nên chén chè chỉ ngọt vừa vừa, nước cốt dừa rất thật nên thơm sánh chứ không lợn cợn bột nên khách rất ghiền.

Bẵng một thời gian. Quay trở lại hàng chè vào một đêm thiên thời: mưa cả ngày, chiều tối mới tạnh, Sài Gòn lạnh se rất thích hợp với sự ăn chè. Nhưng..., chao ôi là ngỡ ngàng. Thay vì chén chè nhỏ xíu, cái muỗng nhỏ xíu dễ thương giờ là chồng ly nhựa trong to đùng phễu phão. Hồi trước mỗi chén chè chỉ khép nép một vá nhỏ, đủ để thèm mà ăn ít nhất hai chén, giờ cô bán chè phải vung tay múc tới hai vá mới lửng cái ly bự chảng.

Thọc cái muỗng cà phê vào ly chè nóng, trời đất, cả một sự vô duyên. Cái ly nhựa rẻ tiền cầm ọp ẹp trong tay, quá bự lại sâu, không thể vừa ăn vừa ngắm những hạt nếp trong bóng, hạt đậu đỏ ong lăn lộn giữa nước cốt dừa, cái muỗng quá lớn, chưa ăn đã ngán. Hỏi cô bán chè những cái chén nhỏ đâu rồi thì được một khách hàng trả lời thay: Không có ai rửa chén, xài ly nhựa cho gọn.

Rầu. Bản hòa ca tinh tế biến mất rồi.

Cũng cô bán chè đó, cũng những nồi chè thơm ngậy càng thơm hơn trong tiết trời lành lạnh, mà tôi chết ngắt cái hăm hở ăn chè. Chết không trăng trối! Không ăn nổi một muỗng chè nào, đành chống cằm ngồi tiếc cái chén chè của thời không ly nhựa, mặc cho cô bạn nhìn khó hiểu.

HOÀNG XUÂN (TP.HCM)

Leo lắt tuổi già...

Căn phòng nơi tôi thuê trọ nằm ở ngõ cụt nên khá yên tĩnh. Nơi có cây khế cơm rất to từ trong vườn một gia đình vươn tán tỏa bóng râm mát. Đây là nơi tụ họp của các cụ bà vào mỗi buổi chiều với đủ thứ chuyện, chuyện nhà, chuyện người, chuyện chợ búa cho đến cả chuyện quốc gia đại sự. Cứ mỗi cụ mang theo một chiếc ghế nhỏ rồi ngồi quây quần chuyện trò râm ran vang khắp ngõ.

Người thì tranh thủ nhặt rau đỡ con cháu, người khâu vá, người thêu tranh, cũng có cụ đến chỉ để ngồi ngâm thơ và kể chuyện thời xưa. Tôi thường nằm im bên cửa sổ, lắng tai nghe những âm thanh vọng lại có tiếng cười, có quãng lặng và đôi khi như nghe thấy cả tiếng thở dài. Rồi thì từng bóng người già cứ vắng dần đi...

Bạn tôi thắc mắc hoài ngõ này sao lắm người già. Ra chợ thấy người già chọn rau, trả giá mặc cả rồi còng lưng xách nặng. Về nhà thấy người già lẽo đẽo chạy theo đứa cháu đang tuổi hiếu động để bón từng thìa cơm. Đêm đến nghe thấy tiếng người già khục khặc ho khan trong gió. Sáng ra thấy người già đứng trước cửa ngóng xa xôi.

Thỉnh thoảng tôi cũng ra ngõ ngồi để nhận được những nụ cười móm mém bắt thân của các cụ già. Hễ có ai đó đi qua dừng lại hỏi đường cũng khiến các cụ vui. Ai đó dừng chân hỏi thăm dăm ba câu là thấy mắt môi tuổi già như vẫn còn thắm lắm. Chỉ đến lúc ấy tôi mới biết họ cô đơn đến nhường nào.

Thời gian thật khắc nghiệt khi lấy đi của chúng ta nhiều thứ. Tôi đọc được trong cái dáng leo lắt của một ai đó xa xôi là hình bóng của bà, của mẹ và của chính tôi trong những năm tháng sau này. Lòng sao tránh khỏi ngậm ngùi...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận