Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), hoạt động mua sắm nhộn nhịp, các sạp hàng vàng mã, bánh kẹo, trái cây, hoa… đông đúc khách mua hàng từ đầu giờ sáng.
Năm nay, giá các mặt hàng đồ cúng ông Công, ông Táo không biến động nhiều so với năm ngoái. Theo đó, bộ táo quân có giá dao động từ 50.000 - 200.000 đồng/bộ; tiền vàng, thỏi vàng thần tài giá 10.000 - 25.000 đồng/lễ...
Bên cạnh đó, cá chép sống cũng được nhiều tiểu thương bán giá 20.000 đồng/con, các loại hoa cúc giá 15.000 - 40.000 đồng/bó, bánh, mứt, kẹo đóng gói có giá từ 25.000 đồng/túi, mía cây từ 50.000 đồng/cặp...
Tương tự, tại chợ Thiếc (Q.10), chợ "cõi âm" nổi tiếng nhất TP.HCM, hoạt động mua bán đã sôi động từ sáng 22 tháng chạp. Các sạp bán đồ vàng mã được bày biện bắt mắt, đa dạng mẫu mã, tiểu thương bắt đầu những ngày buôn bán tấp nập nhất trong năm.
Cầm trên tay tờ giấy ghi chép danh sách hơn 10 món lễ vật cần sắm sửa cho cả mùa Tết, bà Đỗ Thị Hoa (50 tuổi, ngụ Q.5) cẩn thận lẩm nhẩm dò lại từng món xem còn thiếu lễ vật nào không. Bà Hoa cho biết năm nào bà cũng tự tay chọn đồ lễ và cúng cho cả gia đình.
Làm dâu mấy chục năm, việc chuẩn bị, mua sắm đồ cúng ông Công, ông Táo đã trở thành thói quen với bà Hoa. Bà hy vọng năm mới tất cả thành viên trong gia đình sẽ bình an, hạnh phúc và khỏe mạnh.
Tương tự, với quan niệm cả năm chỉ có một cái Tết, bà Phạm Thị Hằng (41 tuổi, ngụ Gò Vấp) không ngại đi hơn 10 cây số tới chợ "cõi âm" sắm đồ cúng, hiếu kính với tổ tiên.
Chi gần 1,3 triệu đồng mua các loại áo, mũ, vàng mã, bà Hằng cho biết không chỉ tới mua đồ cúng ông Công, ông Táo mà còn tiện thể mua luôn đồ cúng ông bà ngày 30, mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết.
Còn tại các chợ Hoàng Hoa Thám, Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình)… sức mua cũng tăng mạnh so với ngày thường.
Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết sức mua chưa bằng năm ngoái nhưng kỳ vọng sẽ còn bán được nhiều cho tới cuối ngày vì nhu cầu sắm đồ cúng của người dân vẫn cao, "có thể ít đi nhưng không thể không có", một tiểu thương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận