Muốn chụp ảnh tại chung cư Tôn Thất Đạm, Q1, TP.HCM, khách phải đóng 50.000 đồng cho tổ trưởng - Ảnh: THANH CHIÊU
Trong thực tế không chỉ có khu nhà cổ nói trên, khi một số địa điểm trở nên nổi tiếng và có nhiều người đến tham quan thì phát sinh những vấn đề tương tự. Vậy làm gì để điểm "check-in" mang đến niềm vui cho cả cư dân và du khách?
* Chuyên viên xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy (hội trưởng Hội quán Các bà mẹ):
Đặt mình vào hoàn cảnh của nhau
Cái cây, bông hoa không tự nhiên mọc mà do công người chăm sóc. Cảnh quan thiên nhiên cũng vậy, phải có sự bảo tồn, vun vén của con người.
Tôi đồng ý quan điểm thu phí, nhưng phí đó được gọi là phí đóng góp (chứ không phải phí tham quan) để trả công hoặc điện nước tưới hoa cho người chăm sóc và cũng để nâng cao ý thức của người đến tham quan, chụp ảnh.
Đồng thời, du khách phải tôn trọng những quy định về giờ giấc, cách ứng xử văn minh nơi công cộng như hạn chế tiếng ồn, không xả rác, chào hỏi, vui vẻ với người dân địa phương và tránh làm phiền họ... Bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người dân địa phương để có ý thức hơn khi chụp ảnh, không gây cản trở lối đi.
Thiết nghĩ người dân địa phương cũng nên có những khẩu hiệu vui vui vẽ lên tường trang trí, dạng "vừa đấm vừa xoa".
Chẳng hạn, sự đóng góp của các bạn sẽ giúp việc trang trí, vệ sinh nơi đây sạch sẽ hơn hay cảm ơn bạn đã không gây tiếng ồn và để lại rác, thậm chí thông báo về thời gian tham quan, chụp ảnh...
* Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Minh:
Chính quyền cần chung tay
Chung cư, khu dân cư là không gian sống riêng, sở hữu riêng của cộng đồng cư dân. Thiết kế của chung cư, khu dân cư phù hợp mục đích sử dụng để ở của từng hộ cư dân.
Tuy nhiên, đã có chung cư, khu dân cư cũ, cổ, kiến trúc độc đáo... trở thành điểm tham quan, thu hút du lịch của địa phương, quận huyện, tỉnh thành.
Mặt trái của việc trở thành địa điểm tham quan đó là cuộc sống cư dân ở chung cư, khu dân cư có thể bị xáo trộn, ảnh hưởng sự riêng tư, việc xả rác bừa bãi, ồn ào huyên náo...
Bên cạnh đó, chung cư, khu dân cư phải đối mặt với áp lực từ nhu cầu dịch vụ kéo theo của khách tham quan, nhu cầu sử dụng điện nước, chỗ để xe, việc xuống cấp của chung cư...
Để giải quyết việc này, cộng đồng cư dân có thể thống nhất đặt ra việc thu phí khách tham quan nhằm chi cho việc tổ chức, hướng dẫn, điện nước, vệ sinh, sửa chữa, tôn tạo không gian...
Bên cạnh đó, vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương là rất quan trọng để giúp cho hoạt động tham quan tại chung cư, khu dân cư được quy củ hơn. Chính quyền cần chung tay để vừa bảo vệ không gian sống cho cư dân vừa phát triển thêm địa điểm tham quan cho địa phương mình.
* ThS Phạm Đức Thiện (khoa du lịch Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Tính kỹ lý thuyết sức chứa
Hiện trạng "check-in" gây phiền phức không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà có ở nhiều nơi trên thế giới.
Ban đầu việc phát triển du lịch mang lại lợi ích cho người dân địa phương, tuy nhiên về lâu dài những lợi ích đó không bù đắp được những mất mát, tiêu cực đến đời sống người dân.
Trong du lịch, phát triển bền vững và phát triển hiện tại không ảnh hưởng đến khả năng phát triển của tương lai phải đảm bảo 3 mặt kinh tế, môi trường và văn hóa xã hội.
Để khắc phục mâu thuẫn phát sinh, trong du lịch có lý thuyết về sức chứa. Với cơ sở hạ tầng từng địa điểm thì đón tiếp bao nhiêu khách trong 1 ngày, 1 giờ là đủ. Ở Việt Nam chưa tính toán sức chứa.
Muốn phát triển bền vững thì đòi hỏi cơ quan chức năng và người dân tính toán và thu phí bảo tồn. Phí thu được sẽ dùng vào công tác bảo tồn, vệ sinh, phục vụ nhu cầu của cộng đồng hoặc thuê đội trật tự để quản lý du khách không được xả rác, gây tiếng ồn.
Chỉ khi người địa phương cảm thấy được hưởng lợi từ du khách đến tham quan thì người dân mới cải thiện cảm xúc, niềm nở đón tiếp.
* ThS Nguyễn Xuân Anh (khoa xã hội học Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Giáo dục và xử phạt
Với sự phát triển và lan tỏa của mạng xã hội, con người có nhu cầu chia sẻ với nhau những giá trị vật chất và tinh thần, nhưng điều đáng nói là có một bộ phận chưa có thái độ đúng đắn trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc của cộng đồng.
Điều này thể hiện sự hạn chế trong nhận thức và hành xử thiếu văn minh của một nhóm người ngày càng đề cao tính cá nhân (cái tôi được thỏa mãn) hơn là việc thể hiện trách nhiệm với tập thể, cộng đồng.
Họ thích nhận lợi ích hơn là cho đi và xây dựng các giá trị.
Để thay đổi, tất nhiên là cần có giáo dục nhận thức về văn hóa, quy tắc, kỷ luật. Tuy nhiên, những bài học ấy sẽ bị phá vỡ nếu thiếu vắng đi những hành xử gương mẫu từ phía gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, chúng ta nên có chế tài để cá nhân tự mặc cảm, tự điều chỉnh lấy hành vi của mình cho phù hợp. Bản thân tôi đồng ý với những hình thức xử phạt hành chính hoặc sự răn đe về danh tính của chính quyền (trong chừng mực, không làm ảnh hưởng danh dự cá nhân).
Chính dư luận sẽ lên án những hành vi lệch chuẩn ấy và nêu cao tính trách nhiệm cộng đồng trong mỗi cá nhân.
"Check-in" vừa phải, đừng làm sứt mẻ lòng hiếu khách
Cầu Đất Farm mở tour trải nghiệm hoạt động sản xuất nông sản có hướng dẫn viên điều phối để du khách vừa tham quan, "check-in" mà không ảnh hưởng quy trình sản xuất - Ảnh: M.VINH
Có nhiều kiểu "check-in" nhưng ở đây chỉ nói đến việc "check-in" trong vườn rau hoa, xưởng sản xuất nông đặc sản rất thường diễn ra ở Đà Lạt. Nhiều du khách vô ý làm hư hỏng tài sản của nông dân, người sản xuất và hậu quả là làm sứt mẻ lòng hiếu khách ở những nơi du khách đặt chân đến.
Ông Nguyễn Thanh Nam (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) từng là chủ vườn cải lớn được nhiều du khách ghé thăm.
Ban đầu chỉ một vài du khách đi ngang ghé qua chụp ảnh. Mọi việc diễn ra rất suôn sẻ nhưng sau đó khi du khách kéo đến đông dần, một góc vườn hoa cải trắng của ông bị giẫm đạp tơi bời.
"Tôi bực mình nên khóa cửa vườn. Du khách cũng không cố ý giẫm đâu nhưng vì họ say mê chụp ảnh quá nên cứ cố gắng lấn qua chỗ này, chỗ nọ nên chẳng bao lâu hư vườn", ông Nam kể.
Ông Nam tỏ ra tiếc nuối vì nhiều du khách đến tận nơi xin vào vườn nhưng ông đành treo bản miễn tiếp khách.
"Đáng lẽ trước đó vườn không bị vô ý giẫm nát từa lưa ra thì tôi không cảm thấy bị... khó chịu và sẽ mở cửa suốt. Tôi thấy tiếc vì hậu quả người này làm nhưng tới người khác phải gánh chịu", ông Nam nói.
Ông Mai Xuân Long (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) có cơ sở sản xuất hồng treo gió. Những năm đầu tiên mở xưởng, ông mở cửa cho khách du lịch tham quan chụp ảnh và cũng là một cách quảng bá sản phẩm.
Chỉ đúng một năm, ông đành ngưng đón khách tham quan. "Có những khách trân trọng công sức sản xuất hồng của gia đình nên làm gì họ cũng rón rén, tế nhị, tuân thủ nội quy để giữ vệ sinh cho xưởng. Nhưng đa số khách, nhất là khách đi chung nhóm, không giữ một chút ý tứ.
Chỉ để chụp ảnh, họ động tay động chân vào rất nhiều thứ trong xưởng, nắn bóp nông sản mà không hề hỏi ý người quản lý. Khi họ rời đi, xưởng phải vệ sinh lại, những loại nông sản bị động chạm phải bỏ đi vì không còn sạch sẽ.
Xưởng tham quan miễn phí, khách muốn mua mứt hồng hay không thì cũng tùy thích, nhưng có vẻ như nhiều người đang "vô tư" với những đặc quyền của khách du lịch và mặc nhiên nông dân, người địa phương phải có nghĩa vụ... hiếu khách", ông Long bức xúc.
Hiện nay tại Đà Lạt, chỉ những điểm du lịch canh nông mở cửa cho du khách tham quan, chụp ảnh "check-in" với cánh đồng hoa, vườn nông sản.
Những điểm này chỉ trồng biểu diễn cho du khách tìm hiểu, tham quan, chụp ảnh có thu phí và chấp nhận những rủi ro với vườn nông sản. Còn lại đa số nhà vườn không đón khách tham quan nếu không quen biết trước vì sợ ảnh hưởng đến nông sản.
Những điểm này bán vé, tổ chức chụp ảnh và chấp nhận những rủi ro khác với vườn nông sản.
Anh Trần Bình Sơn (Q.3, TP.HCM) nói: "Chuyên nghiệp như Đà Lạt cũng tốt nhưng thực sự thiệt thòi cho những du khách lịch sự, thích tìm hiểu sâu về quy trình sản xuất nông sản của địa phương. Nhưng nếu đi cùng một đám đông vào một điểm chụp ảnh kiểu "check-in", mình sẽ thông cảm tại sao nhiều nhà vườn né khách".
M.VINH
* Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM):
Thu tiền chụp hình là quyền của cư dân chung cư
Việc một số chung cư là điểm tham quan, "check-in" (như chung cư Tôn Thất Đạm, quận 1 cũng được phản ánh trong tuần) thu một khoản phí tượng trưng đối với khách đến chụp hình là việc hoàn toàn được quyền.
Khu vực chung cư gồm căn hộ sở hữu riêng của hộ dân và khu vực sở hữu chung của cư dân chung cư như hành lang, giếng trời, hồ bơi, vườn hoa...
Trong khu vực này, cư dân chung cư có quyền cho hoặc không cho người khác vào "check-in", chụp hình nhằm bảo vệ không gian sống của riêng mình.
Việc cho phép khách vào và thu phí cũng là quyền của cư dân chung cư. Cư dân chung cư sẽ thông qua cuộc họp để lấy ý kiến biểu quyết việc này.
Lưu ý mức phí thu cao hay thấp cũng là quyền của chung cư, chính quyền không có thẩm quyền quản lý, quy định việc này.
Mức phí cao cũng là một cách để cư dân chung cư hạn chế bớt lượng khách vào quá đông có thể có các hành động ảnh hưởng tiêu cực đến không gian sống của họ.
Theo tôi, việc "check-in", chụp ảnh, tham quan các chung cư cũ, cổ, có kiến trúc đẹp, độc đáo là nhu cầu có thể ngày càng nhiều. Dẫu vậy, chung cư vẫn là không gian sống của riêng cư dân chung cư đó.
Để hài hòa, cư dân chung cư nên chấp nhận cho khách vào tham quan, chụp hình nhưng phải đóng phí và tuân thủ nội quy của chung cư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận