Sản phẩm fibroin tơ tằm đầu tiên của EngineLife, miếng dán da CBD chữa chứng mất ngủ, đã được bán ở Thái Lan vào đầu năm nay. Ảnh: cnn.com
Trong nhiều thế kỷ, Thái Lan đã nổi tiếng vì có các loại vải lụa cao cấp, với hàng tơ lụa xuất khẩu khắp thế giới. Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu y sinh tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, đã tìm ra một ứng dụng mới cho tơ tằm: Làm vật liệu đưa thuốc vào cơ thể.
Thuốc có thể được đưa vào cơ thể người dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các viên nhộng, viên nén, cho tới các miếng dán, thuốc bôi và tiêm. Trong đó thuốc viên nhộng khá phổ biến, nhưng người ta chưa từng dùng tơ lụa hoặc cụ thể hơn là thành phần trong tơ lụa, để làm ra phần vỏ nhộng. Nhưng điều này đang thay đổi.
Theo Juthamas Ratanavaraporn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Đại học Chulalongkorn, fibroin tơ tằm - một loại protein tự nhiên giúp lụa có độ bền đáng kinh ngạc - có thể dùng để tạo ra vỏ thuốc nhộng, với đặc tính bền và ổn định hơn gelatin hay chitosan. Sau khi vào cơ thể, vỏ thuốc làm từ fibroin sẽ từ từ hòa tan và qua đó giải phóng thuốc một cách hiệu quả, tránh các nguy cơ bị quá liều thuốc hay gây tác dụng phụ nặng nền.
Fibroin tơ lụa đã được các nhà khoa học nghiên cứu suốt hơn một thập kỷ qua. Yajun Shuai, nhà nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc), cho biết fibroin có khả năng tương thích sinh học cao, bền vững và tiết kiệm chi phí hơn nhiều vật liệu tự nhiên hay tổng hợp khác.
Fibroin tơ tằm được nghiên cứu cho nhiều ứng dụng, từ tái tạo mô xương đến ghép giác mạc. Tuy nhiên, rất ít sản phẩm đạt đến giai đoạn thương mại hóa. Một bài đánh giá khoa học thực hiện vào năm 2022 cho thấy chỉ 3% trong 697 nghiên cứu về fibroin đạt được bước thử nghiệm lâm sàng, và số lượng được đưa ra thị trường còn ít hơn.
Một trở ngại lớn hiện nay là tính nhất quán trong sản xuất tơ tằm. Các yếu tố như khí hậu, thức ăn của tằm đều ảnh hưởng đến chất lượng fibroin. Điều này không ảnh hưởng nhiều trong ngành thời trang, nhưng lại là vấn đề quan trọng trong y học, nơi yêu cầu sự tinh khiết và độ ổn định cao của các nguyên liệu.
"Với nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, chúng ta cần giải pháp giải phóng thuốc lâu dài và bền vững", Juthamas chia sẻ. Bà kỳ vọng fibroin tơ tằm sẽ được ứng dụng rộng rãi, không chỉ hỗ trợ bệnh nhân mà còn mang lại nguồn thu nhập bổ sung cho nông dân làm tơ tằm ở Thái Lan.
"Tơ tằm vốn có giá trị cao trong thời trang, nhưng khi được ứng dụng trong y học, giá trị của nó có thể tăng gấp mười lần", bà nói./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận