Với dự án “Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị”, nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM đã xuất sắc vượt qua 133 dự án của 283 thí sinh các trường THCS, THPT thuộc 27 tỉnh thành và đoạt giải nhất chung cuộc trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2014 khu vực phía Nam.
Phóng to |
Với dự án “Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị”, Liên và Du (giữa) đã đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo - Ảnh: Minh Tâm |
Cuộc thi này do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ sáng tạo kỹ thuật VN và Intel VN tổ chức vào ngày 8 và 9-3 vừa qua. Dự án của các bạn sẽ được ban giám khảo cử chọn để tham dự hội thi Intel ISEF tổ chức tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới.
“Trong lần dự hội thảo, em tình cờ nghe cô tình nguyện viên kể đang hướng dẫn cho một nhóm bạn khiếm thị. Các bạn rất thích đọc sách nhưng để có sách đọc, cô tình nguyện viên đã phải dịch từ văn bản bình thường sang chữ nổi Braille bằng cách chấm thủ công trên giấy rất tốn thời gian, gần cả tháng trời mới xong một cuốn sách khoảng 200 trang. Từ đó em có một suy nghĩ là người sáng mắt có máy đọc sách, máy tính bảng, tại sao các bạn khiếm thị lại không có loại máy dành cho riêng mình. Ý tưởng chế tạo máy dành cho các bạn bắt đầu manh nha trong em” - cô bạn học trò lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bắt đầu câu chuyện của mình như vậy.
Trần Thị Diệu Liên bắt đầu đăng ký đề tài nghiên cứu với trường. Tình cờ, Nguyễn Nam Du lớp 12 cũng đăng ký đề tài này. Thấy cả hai cùng một ý tưởng nên thầy hướng dẫn Đỗ Quốc Anh Triết đã xếp cả hai thành một nhóm. Liên học lớp chuyên Anh. Còn Du học lớp song ngữ. Lịch học của cả hai không trùng nhau nên hai bạn phải sắp xếp thời gian để nghiên cứu tại trường. Rất nhiều lần cả hai tranh luận tóe lửa để tìm ra lời giải đáp trong lập trình, điện tử... Mất ba tháng ròng, nhóm mới nghiên cứu thành công công trình này...
Du miêu tả: “Qua khảo sát thực tế, nhóm thiết kế mô hình mô phỏng cách đọc chữ nổi của người khiếm thị, và khắc phục nhược điểm của cơ cấu cũ (nhiều rờle và cồng kềnh) thông qua cơ cấu xoay ngang và giảm số lượng thiết bị đẩy gờ nổi xuống còn 3 với kích thước nhỏ gọn, tiện dụng, sử dụng các vật dụng thông dụng như bút bi... Cạnh đó nhóm cũng đã hoàn thiện bộ font tự tạo chuyển văn bản thường thành chữ nổi, phần mềm có các chức năng đa dạng, cung cấp tín hiệu cho bộ vi xử lý nhằm điều khiển các rờle đẩy gờ nổi trên bề mặt bảng hiển thị... giúp người khiếm thị dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin”. Tuy thành công nhưng nhóm vẫn chưa bằng lòng với kết quả mình đạt được. Cả hai đều nói: “Máy còn vài nhược điểm, nhóm sẽ khắc phục để máy hoàn thiện hơn...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận