Thoải mái hút thuốc nơi công cộng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Là một người nước ngoài, trước khi đến đây tôi đã tìm hiểu thông tin và thật ngạc nhiên khi được biết Việt Nam có rất nhiều người hút thuốc lá. Những người tôi thấy hầu hết là nam tuổi 40-50, họ thường hút khi nói chuyện với bạn bè ngoài đường.
Tôi không hút thuốc và cũng không chịu được mùi thuốc cũng như các loại mùi khói. Lần nào ngửi mùi thuốc cũng khiến tôi ho và dẫn đến khó thở vì tôi bị hen suyễn từ khi còn nhỏ.
Tôi nghĩ sức khỏe của mọi người đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi ô nhiễm do ôtô và xe máy gây ra rồi, không cần phải thêm một thứ có khả năng gây ung thư vào danh sách các nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe nữa, đặc biệt là khi chúng ta biết có bao nhiêu người chết vì ung thư phổi.
Tôi lớn lên trong một gia đình mà mọi người hút thuốc ngay bên cạnh trẻ con và tôi thấy hành động đó thật liều lĩnh vì trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương hơn.
Tại nhiều quốc gia, nếu mọi người hút thuốc ở nơi bị cấm, theo tôi, vì thực thi luật chưa nghiêm. Ở Việt Nam còn do mức phạt thấp. Mức phạt 100.000-300.000 đồng, theo tôi, sẽ không khiến người ta để tâm.
Tôi không biết hút thuốc ở nơi không được phép có phải là một chủ đề được đề cập trong trường học ở Việt Nam hay không, nhưng chắc chắn ngày nay mọi người đều nhận thức được những rủi ro về sức khỏe đối với người hút thuốc và người hút thuốc thụ động.
Do vậy, việc hút thuốc ở nơi cấm là một hành vi xem thường quy định cũng như sức khỏe của mình và người khác, hoặc do người ta bị phụ thuộc vào thuốc lá rồi.
Đáng buồn thay, có những người hút thuốc muốn bỏ nhưng không được vì nghiện, và cũng có người không hề muốn bỏ. Họ không quan tâm mấy đến sức khỏe của mình cũng như những người xung quanh.
Ở Pháp, người ta không được phép hút thuốc trong nhà (trừ khi đó là nhà của họ) và ở một số nơi ngoài trời như công viên và nhà ga. Một số nơi có khu vực hút thuốc để mọi người không phải nhịn quá lâu hoặc không phải ra ngoài, nhưng những khu vực này đang có xu hướng biến mất.
Ở nước tôi, những người hút thuốc ở nơi bị cấm có thể bị phạt tới 450 euro (hơn 11,7 triệu đồng), tương đương 1/4 mức lương trung bình hằng tháng của một ai đó. Nếu hút thuốc trong xe có trẻ em, người ta có thể bị phạt tới 750 euro.
Ngoài ra, chủ cơ sở kinh doanh cũng có thể bị phạt tới 750 euro nếu có ai hút thuốc trong khu vực cấm hút thuốc thuộc về họ. Chẳng hạn, không chủ tiệm nào muốn bị phạt vì ai đó hút thuốc trong quán cà phê hoặc nhà hàng của mình, vì vậy họ sẽ tuân thủ luật nghiêm ngặt hơn.
Với mức phạt đó, tôi nghĩ người ta dễ dàng học được bài học cho mình. Chúng tôi cũng có các lớp học về luật pháp ở trường nhằm nâng cao nhận thức về những hành vi cấm và hình phạt cho việc vi phạm pháp luật.
Trong lịch sử Pháp, người ta từng có thể hút thuốc khắp mọi nơi, nhưng khi luật được thông qua thì mọi thứ thay đổi mạnh mẽ. Ngày nay, biển cấm hút thuốc có ở khắp nơi để người ta không thể nào nói không thấy.
Camera cũng được lắp đầy nơi công cộng giúp cảnh sát dễ dàng tìm thấy người vi phạm hơn. Và mọi người xung quanh chắc chắn sẽ phàn nàn nếu bạn hút thuốc không đúng nơi quy định.
Giới trẻ Việt Nam ít hút thuốc hơn
Tôi đã sống ở Việt Nam một thời gian và thấy ở Việt Nam có khá nhiều người hút thuốc lá, đặc biệt là đàn ông. Nhiều người sau khi hút xong điếu thuốc sẽ vứt ngay tàn thuốc và đầu lọc trên vỉa hè hay đường phố. Chính vì vậy trên đường phố Việt Nam có không ít đầu lọc thuốc lá đã qua sử dụng.
Giải quyết vấn đề này không phải là dễ. Hiện tại Việt Nam cũng có không ít quy định về việc hút thuốc lá và những nơi cấm hút. Tuy nhiên, những quy định này không được tuân theo vì người vi phạm không mấy khi bị xử phạt.
Ở các nước châu Âu cũng như ở Pháp, chúng tôi có quy định nghiêm ngặt cấm hút thuốc lá ở các nơi công cộng. Tuy vậy, người hút thường tuân theo quy định không chỉ vì mức phạt cao, mà còn vì áp lực đến từ cộng đồng và xã hội.
Ví dụ như khi một người bắt đầu hút thuốc lá ở công viên, sẽ có một người khác đến nhắc nhở người hút và đề nghị họ dập tắt điếu thuốc ấy đi.
Hiện nay tôi nhận thấy giới trẻ Việt Nam hút thuốc lá ít hơn các thế hệ trước. Chính vì vậy tôi tin rằng trong tương lai, những vấn đề tương tự sẽ ít thấy ở Việt Nam. Khi số người hút thuốc lá trở thành thiểu số, áp lực sẽ đến từ cộng đồng yêu cầu những người hút thuốc lá phải cư xử sao cho phù hợp và đúng đắn.
Christopher Denis-delacour (người Pháp) - Hà My ghi
Đặt nhiều biển báo cấm hút thuốc
Ở Việt Nam, mọi người có thể hút thuốc khắp nơi vì thực tế rất nhiều nơi cho phép hút thuốc. Tôi nghe nói mức phạt cho việc hút thuốc lá tại nơi cấm là từ 100.000-300.000 đồng. Hành vi này ở Canada bị phạt nặng hơn rất nhiều và hiếm có người vi phạm các quy định cấm về việc hút thuốc lá ở nước tôi.
Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ có một số giải pháp khá khả thi như tăng mức phạt. Ngoài ra, có thể lắp đặt nhiều bảng báo "không hút thuốc" hơn và thể hiện luôn mức phạt cho hành vi hút thuốc không đúng quy định trên đó.
Thêm vào đó, trang bị nhiều gạt tàn nơi công cộng và có các khu vực hút thuốc gần khu cấm hút thuốc. Bằng cách này, mọi người có thể có giải pháp cho cơn "thèm thuốc" của mình mà không phải đi quá xa.
Ở Canada, người ta không được phép hút thuốc ở không gian trong nhà. Chúng tôi có lực lượng cảnh sát xử lý các vi phạm phi hình sự như đậu xe, xả rác, hút thuốc ở nơi cấm... Nếu chúng ta có thể có lực lượng giám sát việc hút thuốc ở nơi cấm cũng là một biện pháp để xử lý vấn đề này.
Chúng tôi được dạy về vấn đề này từ cha mẹ mình, từ các mẩu quảng cáo trên truyền hình và ở trường. Đó là kiến thức rất phổ biến khi bạn đến tuổi trưởng thành ở Canada. Những nơi cấm hút thuốc đều có biển báo rõ ràng.
Matthew Stanton Young (người Canada) - N.Đ. ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận