Ông Nguyễn Thế Phượng: “Kiểm soát chặt năng lực nhà đầu tư và bổ sung chế tài” - Ảnh: THÁI AN
Đem tài sản ra đấu giá, ai cũng muốn tài sản đó được trả giá cao nhất, nhưng giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) cao lại là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý.
Các chuyên gia đã phân tích và đưa ra một số giải pháp để hoàn thiện quy định tại tọa đàm "Bài học kinh nghiệm rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế" - do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức vào ngày 23-2.
Không ai sai, chỉ có pháp luật sơ hở
Ông Nguyễn Thanh Hải, viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, cho rằng nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm không làm sai quy định pháp luật. Vấn đề là quy định pháp luật sơ hở trong khi nhà đầu tư đã sắp đặt, lên kịch bản và sẵn sàng đương đầu với tất cả tình huống (kể cả việc bỏ cọc) rồi.
Ông Hải khẳng định: Hệ thống pháp luật có vấn đề từ cách đấu giá, cách tổ chức, những biện pháp chế tài ngăn chặn. Khi đưa tài sản ra đấu giá, ai cũng mong muốn có nhà đầu tư trả giá cao nhất. Nhưng khi được giá cao nhất thì gây nên lo ngại? Nếu chấp nhận giá 2,4 tỉ đồng/m2 đất thì cả Thủ Thiêm sẽ như thế nào? Chưa kể giá này tạo ra hệ lụy cho thị trường bất động sản và không có lợi cho cả xã hội.
"Không nên chụp mũ nhà đầu tư. Nếu không có Tân Hoàng Minh bỏ cọc thì chúng ta sẽ gặp một doanh nghiệp khác hành động tương tự", ông Hải nói.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phân tích trong kinh tế thị trường thì ai cũng biết là thuận mua vừa bán, không ai mua để rồi lỗ vốn.
Để ngăn chặn nhóm lợi ích đưa ra giá rất cao để kích hoạt tăng giá đất ở khu vực xung quanh nhằm kiếm lợi thì phải có quy định chặt chẽ để cắt đứt chuỗi liên kết của nhóm lợi ích này, làm cho nó không hình thành và không thể hoạt động. Tiếp đó là khoanh vùng ảnh hưởng để hạn chế âm mưu của chủ đầu tư chơi ngông.
Tăng chế tài
Ông Nguyễn Thế Phượng, nguyên trưởng Ban vật giá (Sở Tài chính TP.HCM), cho rằng đến giờ này hai doanh nghiệp trúng đấu giá đã bỏ cọc, còn hai doanh nghiệp còn lại chưa đóng thêm đồng nào để mua tài sản trúng đấu giá ngoài tiền đặt cọc.
Trong đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại từng có "phốt" khi trước đó trúng đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn rồi kỳ kèo và cuối cùng sang tay cho nhà đầu tư khác.
Vì việc bỏ cọc gây nhiều hệ lụy về sau: Tới đây, TP.HCM vẫn phải tổ chức bán đấu giá lại các lô đất, sẽ phải định giá lại nhưng định giá bao nhiêu cho vừa? "Doanh nghiệp chỉ có 200 tỉ đồng vốn nhưng dám trả giá lô đất 5.000 tỉ đồng. Quy định của ta hiện dễ dãi quá!", ông Phượng nhận định.
Ông Phượng đề xuất bổ sung điều kiện về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất: doanh nghiệp có vốn cỡ nào, tiền thiệt là bao nhiêu. Bên cạnh đó, nếu trúng đấu giá xong rồi bỏ thì phải xử phạt ra sao chứ không chỉ là mất tiền đặt cọc.
Quyền sử dụng đất là tài sản đặc biệt
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng đất đai là một tài sản đặc biệt. Vì vậy, Nhà nước không đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ nên đấu thầu dự án đầu tư hay đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Nhà nước cần ra đề bài cho tốt thì sẽ có được những công trình đẹp trên đất, buộc nhà đầu tư phải xây dựng theo quy hoạch của Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận