03/11/2016 15:59 GMT+7

​Chế độ ăn uống khi bị bệnh gút

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Trong những năm gần đây, nhiều người bị bệnh gút (goute) và nhiều người mới biết đến bệnh gút.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều người chưa biết rõ nguy cơ mắc bệnh và ăn uống thế nào để góp phần phòng và chữa bệnh này, một số người vẫn còn nhầm lẫn giữa bệnh gút và các bệnh về khớp khác như viêm đa khớp dạng thấp, phong tê thấp…

Thế nào là bệnh gút?

Bệnh gút là một bệnh có biểu hiện chủ yếu ở khớp và thận, do acid uric trong máu tăng cao, gây lắng đọng các tinh thể urat. 

Nếu các tinh thể urat khu trú ở các khớp (trong các bao khớp và sụn, nhất là các đốt bàn, ngón chân cái, khuỷu tay, đầu gối) làm cho khớp bị viêm tấy gây đau đớn lâu dần gây biến dạng, cứng khớp. 

Nếu các tinh thể urat xuất hiện ở thận thì gây bệnh thận do urat (viêm thận kẽ, sỏi thận…). Bệnh thường gặp ở nam giới lứa tuổi trung niên trở lên, có khoảng 10% - 20% có yếu tố gia đình.

Nguyên nhân gây bệnh: Có thể là tiên phát do sản xuất acid uric tăng và bài tiết  acid uric giảm, cũng có thể là thứ phát do các yếu tố khác như:

- Tăng dị hoá của nucleo-protein ở bệnh nhân thiếu máu huyết tán, bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến…

- Giảm bài tiết acid uric ở thận do suy thận hoặc thận bị tổn thương ở nhu mô, ở ống thận (do nhiễm acid lactic, do một số loại thuốc: Furocemid, ethambuton, pynazinamid…).

Chẩn đoán bệnh gút

Nếu bị đau nhức các khớp xương, có thể nghĩ đến bệnh gút khi người bệnh có những biểu hiện sau đây:

- Đau nhức khớp, nhất là khớp bàn ngón chân cái.

- Ngứa và tróc vẩy vùng khớp sau khi cơn đau giảm đi.

- Thấy những cục (hạt) urat nổi dưới da, di động được ở dưới vành tai, mỏm khuỷu, xương bánh chè hoặc gần gân gót. 

- Xét ghiệm máu thấy acid uric tăng cao trên 400 micromol/lít.

- Điều trị bằng thuốc đặc hiệu (colchixin…) có kết quả nhanh, nhưng bằng “thuốc khớp” khác không kết quả.

Chế độ ăn của người bị bệnh gút

Khi đã được chẩn đoán là bị bệnh gút thì chế độ ăn uống của bệnh nhân có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hạ acid uric máu bằng cách hạn chế đưa nhân purin vào cơ thể (acid uric được tạo nên do oxy hoá các base purine gồm adenine và guanine là thành phần của acid nhân trong tế bào (nucleic acid).

Hạn chế thức ăn có nhiều nhân purine (các loại thịt lợn, thịt bò, gia cầm, hải sản…). Dùng phương pháp thái miếng nhỏ chừng 1-2 lạng, luộc chín kỹ, đổ nước luộc đi.

Hạn chế các món rang, xào khô, ít nước. Đồng thời cũng cần hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật như gan, bầu dục, lòng, óc, dồi lợn…

Hạn chế thức uống có nhiều baze purine như bia, cà phê, chè, socola, nước ép thịt.

Hạn chế các loại quả, rau có vị chua toan, nấm ăn.

Nên uống nhiều nước, uống các loại nước khoáng kiềm, ăn các loại rau quả có tính lợi tiểu để tránh acid uric đọng lại trong cơ thể. Ưu tiên chọn các loại thực phẩm có hàm lượng nhân purine thấp để sử dụng.

Dưới đây là 3 nhóm thực phẩm có tỷ lệ nhân purine từ ít đến nhiều như sau:

Nhóm có ít (từ 0-15mg/100g thực phẩm): Ngũ cốc, bơ, dầu mỡ, đường, sữa, rau quả các loại…

Nhóm trung bình (từ 50-150mg/100g thực phẩm): Thịt nạc, cá, gia cầm, hải sản, đậu đỗ...

Nhóm có nhiều (trên 150g/100g thực phẩm): Óc, gan, bầu dục, lòng, dồi, nước

luộc thịt, nấm ăn...

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên