Các nhà nghiên cứu phát hiện thói quen ăn uống không lành mạnh làm giảm chất xám và làm thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh trong não. Những thay đổi này tương quan với các suy nghĩ nghiền ngẫm, một triệu chứng của tình trạng sức khỏe tâm thần, gồm trầm cảm và lo lắng.
Chế độ ăn kém làm gia tăng nguy cơ trầm cảm
Đây là kết quả của nghiên cứu đầu tiên về chất hóa học và cấu trúc não, cũng như chất lượng chế độ ăn uống. Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Reading, Đại học Roehampton, FrieslandCampina (Hà Lan) và Kings College London trên 30 tình nguyện viên, và công bố trên tạp chí Khoa Học Thần Kinh Dinh Dưỡng.
Kết quả chụp não cho thấy những thay đổi về chất dẫn truyền thần kinh và lượng chất xám ở những người có chế độ ăn uống kém, so với những người tuân thủ chế độ ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải, được xem là rất lành mạnh.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những thay đổi này có liên quan đến sự nghiền ngẫm, một phần của tiêu chuẩn chẩn đoán các tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng.
Khi một người tiêu thụ chế độ ăn kém chất lượng, lượng axit gamma aminobutyric (GABA) giảm và lượng glutamate tăng cao. Cả hai đều là chất dẫn truyền thần kinh, cùng với lượng chất xám giảm, ở vùng trán của não. Điều này có thể giải thích mối liên hệ giữa những gì chúng ta ăn và cảm giác của ta.
Tiến sĩ Piril Hepsomali từ Đại học Reading cho biết: "Chúng tôi thấy những người có chế độ ăn uống không lành mạnh, nhiều đường và chất béo bão hòa, có sự mất cân bằng kích thích và ức chế dẫn truyền thần kinh, cũng như giảm lượng chất xám ở phần trán của não. Khu vực này có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng".
Nhiều hậu quả từ việc ăn uống không lành mạnh
Lý do chính xác khiến chế độ ăn uống ảnh hưởng đến não theo cách này vẫn đang được nghiên cứu. Có thể béo phì và chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa gây ra những thay đổi trong quá trình chuyển hóa glutamate và GABA và chất dẫn truyền thần kinh, như đã được chứng minh trong các nghiên cứu trên động vật.
Những thay đổi rõ rệt của hệ vi sinh vật đường ruột, do chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, được cho là có tác động đến bộ máy tế bào thúc đẩy sản xuất cả GABA và glutamate.
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, nhiều đường cũng đã được chứng minh là làm giảm số lượng tế bào thần kinh trung gian parvalbumin, thực hiện vai trò vận chuyển GABA đến nơi cần thiết.
Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng tác động đến glucose, khiến lượng đường trong máu và insulin cao hơn. Điều này làm tăng glutamate trong não và huyết tương, do đó làm giảm sản xuất và giải phóng GABA. Chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol cũng có thể gây ra những thay đổi trong màng tế bào, làm thay đổi sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh.
Những thay đổi về mặt hóa học trong não này có thể dẫn đến những thay đổi về khối lượng chất xám của não, theo như quan sát trong nghiên cứu.
Tiến sĩ Hepsomali nói: "Tôi muốn lưu ý rằng GABA và glutamate cũng có liên quan mật thiết đến cảm giác thèm ăn và lượng thức ăn tiêu thụ. GABA giảm và/hoặc glutamate tăng cũng có thể là yếu tố thúc đẩy việc lựa chọn thực phẩm không lành mạnh.
Vì vậy, có thể có mối quan hệ tuần hoàn giữa việc ăn uống lành mạnh, có bộ não khỏe mạnh hơn, tinh thần tốt hơn, và lựa chọn thực phẩm tốt hơn để ăn uống lành mạnh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận