Khổ vì cái ruột cứ bị kích thích!
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng rối loạn chức năng đường ruột mãn tính lành tính, đặc trưng bởi đau vùng bụng dưới, đầy bụng, trung tiện nhiều, thay đổi thói quen đi tiêu (tiêu chảy và hoặc táo bón). Bệnh được chẩn đoán sau khi đã được khám và loại trừ các bệnh lý đường ruột khác như viêm đại tràng, ung thư…. Đây là một bệnh lý cũng khá phổ biến, cứ bảy người thì thường có một người bị bệnh đặc biệt là ở nữ giới và người có stress tâm lý.
Cái anh FODMAP lắm chuyện...
Trong nhiều năm qua, các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích được nghĩ có liên quan đến chất béo, chất caffein (có trong trà, cà phê, nước coca…), chất cồn, gluten… gây nên. Tuy nhiên các nghiên cứu mới nhất cho thấy hội chứng ruột kích thích còn do một số chất thuộc nhóm tinh bột kém hấp thu và có khả năng lên men tại ruột gây nên (y văn thế giới gọi là các chất FODMAP viết tắt của chữ Fermentable Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides And Polyols).
Các chất này là một số đường đơn, đường đôi hoặc tinh bột chuỗi trung bình bao gồm Fructans, Galacto-Oligo-Sacharides (GOS), Fructose (trong thực phẩm mà tỉ lệ fructose nhiều hơn glucose, thường có trong một số trái cây), Lactose, một số Polyols (ví dụ như Sorbitol, Manitol…). Con người hoàn toàn không có men và không thể tiêu hóa Fructans và GOS. Các chất còn lại có thể kém hấp thu tùy người.
Những chất này có đặc điểm là kém hấp thu ở ruột non, nhưng khi di chuyển xuống đến ruột già lại bị hệ vi khuẩn thường trú ở đây lên men và sinh hơi. Do không được hấp thu, các chất này tồn tại trong lòng ruột, làm gia tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ruột, hút nước vào lòng ruột và gây nên triệu chứng tiêu chảy ở bệnh nhân. Bên cạnh đó, khi di chuyển xuống ruột già, chúng được vi khuẩn ở ruột già lên men và sinh hơi (chủ yếu là khí Hydrogen và Methan). Chính hơi nhiều gây nên các triệu chứng xì hơi, đầy bụng, lình bình… cho bệnh nhân. Nếu hơi được sinh nhiều có thể làm chậm di chuyển thực phẩm trong lòng ruột và gây nên triệu chứng táo bón ở một số trường hợp.
Hầu hết mọi người đều ít hấp thu các chất nêu trên. Tuy nhiên chỉ có một số người cảm thấy khó chịu với những chất này (những người mắc hội chứng kích thích). Điều này có thể là do ở những người này có sinh hơi nhiều hơn ở ruột già hoặc đường ruột nhạy cảm hơn với hơi sinh ra, hoặc có trường hợp quá phát vi khuẩn tại ruột non.
Những hiểu biết về chế độ ăn Fodmap gây ra bệnh Hội chứng ruột kích thích được phát hiện bởi các nhà khoa học về dinh dưỡng và y khoa tại đại học Monash University ở Melbourne, Australia từ năm 2005. Sau đó những hiểu biết này được công bố rộng rãi trong giới dinh dưỡng và y học. Chúng đã giúp ích được cho nhiều người bệnh nhân mắc IBS.
Chế độ ăn lập lại trật tự đường ruột
Không phải ai mắc hội chứng ruột kích thích đều đáp ứng với chế độ ăn Low Fodmap. Tuy nhiên chế độ ăn này hiệu quả cho số lượng lớn người mắc IBS (chiếm đến 75%). Đích đến cuối cùng của chế độ ăn Low Fodmap không phải là cữ toàn bộ nhóm thực phẩm này, mà là tìm ra tác nhân nào thật sự gây bệnh để kiêng cữ, hoặc hàm lượng của thực phẩm nào gây bệnh để ăn giảm, tránh kiêng tràn lan gây ra thiếu chất và giảm chất lượng cuộc sống.
Sau đây là hướng dẫn các bước để thực hiện việc sử dụng chế độ ăn Low Fodmap trong điều trị Hội chứng ruột kích thích, chúng ta cần thực hiện 3 bước sau đây.
CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:
- Bước 1: Tạm thời loại trừ tất cả các thực phẩm giàu Fodmap ra khỏi chế độ ăn (theo bảng bên dưới). Bước này kéo dài 2-6 tuần. Mục đích là để thăm dò xem liệu chế độ ăn Low Fodmap có hiệu quả ở người bệnh này không. Thông thường chế độ ăn Low Fodmap sẽ hiệu quả ở 75% người có hội chứng ruột kích thích. Bước này cũng có mục đích là chuẩn bị sạch ruột cho giai đoạn 2.
- Bước 2: Thử nghiệm để xác định nguyên nhân. Mục đích bước này là tìm hiểu xem tác nhân nào trong nhóm Fodmap gây ra triệu chứng cho người bệnh, hoặc là liều lượng nào của thực phẩm đó gây triệu chứng. Mục đích là xác định nguyên nhân để giúp người bệnh kiêng trúng đích, tránh kiêng tràn lan gây thiếu chất và giảm chất lượng cuộc sống.
Cách làm: Thực hiện trong thời gian 8-12 tuần. Trong thời gian này, chịu khó kiêng tất cả các thực phẩm như bước 1 và bắt đầu ăn thử từng loại thức ăn nhiều Fodmap (Xem bảng). Mỗi loại thử trong 3 ngày. Mỗi lần chỉ thử 1 loại thực phẩm. Bắt đầu với số lượng ít và tăng dần trong 3 ngày đó để xem phản ứng như thế nào. Xem có phải là do thực phẩm đó gây bệnh hay không hay là do số lượng nhiều của thực phẩm đó gây bệnh.
- Bước 3: Cá nhân hóa chế độ ăn. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm ở Bước 2 để biết mình bị ảnh hưởng bởi loại thức ăn nào hay liều lượng nhiều của thức ăn nào. Có thể do loại thức ăn đó gây ra (bất kể liều lượng) hoặc cũng có thể do ăn nhiều quá 1 loại thức ăn giàu Fodmap nào đó. Sau đó là tránh thức ăn nguyên nhân hoặc là chỉ ăn giảm loại thức ăn đó xuống.
DANH SÁCH THỰC PHẨM CHỨA ÍT VÀ NHIỀU FODMAP
NHÓM THỰC PHẨM | NHIỀU FODMAP (CỮ) | ÍT FODMAP (ĂN NHIỀU) |
Trái cây | Táo, lê, xoài, dưa hấu, trái cây khô | Chuối, cam, quít, nho, thơm, dâu tây. |
Rau | Hành, tỏi, nấm, bông cải trắng. | Đậu cô ve, đậu đũa, cà tím, ớt chuông, cà rốt, cà chua, dưa chuột, xà lách, khoai tây… |
Ngũ cốc | Bánh mì, sản phẩm từ bột mì. | Cơm và các sản phẩm làm từ bột gạo. |
Đậu | Tất cả các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, đậu đen…) | Không |
Sữa và chế phẩm từ sữa | Sữa và chế phẩm từ sữa, kem. | Phô mai |
Thịt cá gia cầm | Thịt chế biến sẵn (giò chả, xúc xích, lạp xưởng, bacon, ham…) | Trứng, đậu hủ, thịt heo bò, thịt gia cầm, đồ biển. |
Hạt | Hạt điều | Đậu phộng, hạt bí, hạt macca. |
Thức ăn uống ngọt | Thức ăn, uống ngọt chế biến sẵn như nước ngọt, kẹo… | Chocolat đen, đường cát thông thường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận