Bà Đinh Thị Diệp, một hộ dân người Cơ Tu, đang thu hoạch chè dây - Ảnh: LÊ TRUNG
Hơn mười năm trước, Ra zéh (tên gọi người Cơ Tu chỉ chè rừng, chè dây) mọc hoang um tùm ở trong rừng được người bản địa hái về để nấu uống chữa các bệnh về đường ruột, dạ dày và chẳng ai nghĩ đó là một cây dược liệu quý.
Sau những nghiên cứu khoa học cho thấy nhiều công dụng của loại chè này, các cơ quan, ngành dược liệu phía Bắc vào đây lùng sục tìm kiếm, thương lái thu mua ồ ạt. Người Cơ Tu đổ xô lên rừng hái lá, có khi đào gốc đem bán, xuất hiện mối lo về nguy cơ cạn kiệt giống chè đặc biệt này.
Trước tình hình đó, năm 2015 huyện Đông Giang chủ trương dự án xây dựng bảo tồn và phát triển cây chè dây Ra zéh và xã Tư được chọn thí điểm bởi vùng này có chè dây mọc dày đặc ở rừng. Từ đây dân được khuyến khích di thực cây chè từ rừng sâu về vườn nhà, triền đồi, chính quyền hỗ trợ nguồn giống, kỹ thuật.
Đồi chè dây hơn 1ha của ông Phạm Quốc Phòng (49 tuổi, thôn Pa Nang, xã Tư) xanh ngút. Ông là một trong số những người dân tiên phong di thực cây chè về bản làng. Năm 2016 ông lên rừng đào cây giống đem về trồng thử nghiệm ở mảnh vườn hơn nửa sào.
"Cứ trồng xem thử, trước để gia đình họ hàng mình uống tốt cho sức khỏe, còn chuyện bán được hay không thì tính sau" - ông Phòng nhớ lại.
Ai ngờ trồng thử mà cây này lại cho năng suất tốt, có đầu ra, thu được lợi nhuận, đến năm 2017 là 0,5ha rồi giờ gần 1ha.
Từ khi trồng chè dây, thu nhập của gia đình ông Phòng đã cải thiện. Đồi chè của gia đình ông mỗi năm cho 15-20 tấn, doanh thu 170-180 triệu đồng/năm, trừ đi chi phí một năm ông bỏ túi ngót nghét 100-120 triệu đồng từ việc trồng chè dây.
Bây giờ không chỉ trồng, hái lá tươi bán, gia đình ông còn đầu tư máy móc chế biến thành trà, đóng bao bì cung cấp khách hàng.
Chàng thanh niên người Cơ Tu Lâm Văn Thông (31 tuổi, thôn Ga Dong, xã Tư) đến bây giờ vẫn chưa tin mình trở thành ông chủ của trang trại chè dây rộng hơn 1,2ha.
Với sự mạnh dạn, bản lĩnh của sức trẻ, từ tháng 4-2018 Thông đã cải tạo vườn keo của mình để trồng chè. Cả gia đình đã bỏ công sức, miệt mài đổ mồ hôi chăm bẵm.
"Mới đầu trồng cũng lắm vất vả nhưng tôi quyết tâm làm bằng được" - Thông nói.
Anh Thông cho rằng chè dây là cây trồng rất hiệu quả, năng suất cao hơn những cây khác. Dù mới trồng hơn một năm, Thông đạt doanh thu từ 100-120 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh có lãi khoảng 8-10 triệu đồng, đó là một nguồn thu nhập đáng mơ ước của đồng bào Cơ Tu.
Theo ông Phòng, cây chè Ra zéh họ dây leo, lá có màu xanh vàng, người dân thu hoạch bằng cách cắt tỉa, thu hái nhiều lần trong năm, cành nào dài đủ tiêu chuẩn 70cm đến 1m là cắt, một tháng có thể thu hoạch 4-5 lần. Sau khi thu hoạch có thể bán cho hợp tác xã hay thương lái.
Những đồi chè dây ở xã Tư bạt ngàn, người dân có thu nhập cũng nhờ một phần từ sự tâm huyết, nhiệt tình của vị giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Tư - Lê Duy Trường, 31 tuổi, vốn dân Hội An.
Trường luôn đau đáu làm sao để phát triển cây chè dây thành thương hiệu, thế mạnh để bà con Cơ Tu kiếm thu nhập, xóa nghèo.
Hiện hợp tác xã có hơn 20 thành viên người Cơ Tu, cung cấp giống cho bà con, làm đầu mối thu mua nguyên liệu, chế biến thành các sản phẩm trà, dược liệu rồi tìm đầu ra, cung cấp cho thị trường.
"Sản phẩm hợp tác xã vừa được xếp hạng là sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Tính từ đầu năm đến tháng 10-2019, chúng tôi đã thu mua hơn 10 tấn chè tươi của bà con chế biến trà" - Trường khoe.
Sản phẩm chè dây Ra zéh - Ảnh: LÊ TRUNG
Chè dây có tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis, là cây dược liệu quý, tác dụng chính là tiêu viêm giải độc, điều trị viêm loét dạ dày, đầy hơi, ăn uống khó tiêu, trào ngược dạ dày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận