Ảnh minh họa |
Dân chê là chuyện thường tình và nếu chê gì cũng bị phạt thì ai còn dám góp ý nữa là ý kiến của phần đông bạn đọc. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt dấu chấm hỏi về việc nếu không đồng tình với quyết định xử phạt, cô giáo Lê Thị Thùy Trang có quyền khởi kiện không?
Dân chê là chuyện thường tình?
Nhiều bạn đọc cho rằng chuyện lãnh đạo bị dân chê là thường tình vì có sự phản biện từ phía người dân thì người lãnh đạo mới nhìn lại mình và sửa khuyết điểm.
Bạn đọc Phương Linh nói: "Cán bộ là công bộc, là đầy tớ của dân, việc bị dân chê là chuyện bình thường, dân có chê thì cán bộ mới nhìn nhận lại mình để thấy khuyết điểm mà sửa chữa".
Đồng tình, độc giả Tám Gia Định nhận xét mức phạt 5 triệu đồng không phải là nặng mà là vô lý vì “người dân có quyền phê bình và góp ý. Đúng thì sửa chữa, không đúng thì phản hồi. Người chê không có lỗi gì cả” - bạn đọc viết.
Trong khi đó, thẳng thắn hơn, nhiều bạn đọc cũng đồng tình ở quan điểm người dân có quyền biểu hiện, thể hiện chính kiến của mình, miễn là không phải bịa đặt, vu khống và gây tổn hại danh dự người khác. Việc khen chê lãnh đạo cốt yếu là để giúp cán bộ phục vụ nhân dân tốt hơn.
Một vấn đề khác được nhiều bạn đọc tranh luận là tại sao lại xử phạt cô giáo Trang khi cô này chỉ đưa lại thông tin về việc chủ tịch tỉnh An Giang bị kiểm điểm, một thông tin đúng sự thật và đã được công khai trước đó.
Một vô lý khác mà bạn đọc chỉ ra là: "Việc người ta bấm nút “like” một thông tin cũng bị xử phạt thì… ai mà dám lên Facebook bày tỏ gì nữa"...
Có thể không đồng ý với quyết định xử phạt?
Rất nhiều ý kiến bạn đọc gặp nhau ở một điểm chung là đặt vấn đề cô giáo Trang cùng hai cán bộ còn lại có quyền khởi kiện hay không nếu không đồng tình với quyết định xử phạt hành chính đối với mình.
Bạn đọc Phan Gia Hùng cho rằng nếu không có đơn tố cáo từ phía chủ tịch UBND tỉnh An Giang mà Sở Thông tin và truyền thông ra quyết định xử phạt là không đúng.
Bên cạnh đó, trong những trường hợp người dân bị xử lý nặng tay quá mức như thế này thì cơ quan nào đứng ra bảo vệ người dân - bạn đọc Lê Thái Bình đặt câu hỏi.
Luật sư (LS) Hồ Nguyên Lễ nhận định về mặt quản lý nhà nước, nếu đoàn thanh tra sở chứng minh những lời bình luận của bà Trang, ông Phúc là xúc phạm người khác, vi phạm điều 5 nghị định 72/2013/NĐ-CP, khoản 3 điều 66 nghị định 174/2013 NĐ-CP thì có quyền xử phạt theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Tuy nhiên khi xử lý vụ việc thì thanh tra sở cũng cần xác minh người bị xúc phạm bị thiệt hại gì khi bị xúc phạm và tâm tư, nguyện vọng của họ như thế nào.
LS Lê Quang Vũ, phó trưởng Văn phòng luật sư Người nghèo, nhận định cô giáo Lê Thị Thùy Trang bị xử phạt hành chính về hành vi trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự ông chủ tịch tỉnh nên ông chủ tịch tỉnh cần phải lên tiếng, phải có đơn khiếu nại, tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền mới có căn cứ để xác minh, xử lý.
Nếu cô giáo Trang cho rằng mình không xúc phạm uy tín, danh dự ai cả thì ông chủ tịch tỉnh có quyền khởi kiện vụ án ra tòa án.
Trong trường hợp này, tòa án là cơ quan có thẩm quyền phán quyết cô giáo Trang có xúc phạm uy tín, danh dự của ông chủ tịch tỉnh hay không. Sau khi có phán quyết của tòa, các cơ quan ban ngành có liên quan mới có căn cứ xem xét kiểm điểm, kỷ luật cô giáo Trang.
LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết thêm, căn cứ điều 30 Luật tố tụng hành chính năm 2010, trong trường hợp cô giáo Trang không đồng ý với quyết định xử phạt hành chính của đoàn thanh tra, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh An Giang thì cô có quyền khiếu nại đến người ra quyết định hành chính hoặc khởi kiện quyết định hành chính ra TAND tỉnh An Giang để giải quyết theo quy định pháp luật.
Thời hạn nộp đơn khiếu nại đến trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Thông tin và truyền thông An Giang, theo LS Lê Quang Vũ, là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Cô Lê Thị Thùy Trang cũng có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án nhân dân tỉnh An Giang trong thời hạn một năm kể từ ngày nhận được quyết định.
Cũng theo LS Lê Quang Vũ, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính này, tòa án cần triệu tập ông chủ tịch tỉnh ra tòa để xác minh ông chủ tịch tỉnh có bị xúc phạm uy tín, danh dự không mới có căn cứ giải quyết vụ án.
Dư luận công tâm nhất Chủ tịch tỉnh là người có tầm ảnh hưởng đến cả một tỉnh, thậm chí là một quốc gia. Mỗi lời nói, mỗi hành động cần phải cẩn trọng. Cán bộ phải gần dân, phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân thì mới thực hiện tốt chức trách của mình. Không khắc chế “sân si” thì chỉ tiến dần đến độc tài. Độc tài thì chẳng giúp ích gì được cho dân. Hầu hết ý kiến của mọi người đều cho rằng đây không phải là sự xúc phạm. Một đại biểu Quốc hội thì cho rằng đây chỉ là một sự thể hiện cảm xúc, đánh giá về ông chủ tịch tỉnh. Việc đánh giá này không phải là xúc phạm danh dự nhân phẩm của ông ta. Những người bị xử phạt hoàn toàn có quyền khởi kiện nếu không đồng ý với quyết định xử phạt. Tuy nhiên, nếu là tôi trong vụ việc này, tôi sẽ không khởi kiện. Hãy để dư luận phán xét tất cả và chờ xem cách hành xử của những người trong cuộc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận