Đoạn đường từ Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM ra quốc lộ 1 thường xuyên có xe container ra vào nhưng người dân hay đi ngược chiều, gây ùn tắc giao thông, chèn ép xe nhau vào giờ tan tầm - Ảnh: HOÀNG AN
Tại nhiều tuyến đường tại TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận Tân Bình... có biển cấm đi ngược chiều. Song, vào giờ cao điểm người đi xe máy vẫn ngang nhiên vi phạm.
Đổ tại đường sá phức tạp
Trên quốc lộ 1 (đoạn qua chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, phường Tam Bình, TP Thủ Đức), tình trạng này đã trở thành thói quen của nhiều người. Từ 6h30 đến 9h sáng 12-4, hàng trăm xe máy nối đuôi nhau đi ngược chiều gần cả trăm mét hướng từ quốc lộ 13 (tỉnh Bình Dương) vào chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Điều đáng nói, đoạn quốc lộ này rất đông xe cộ đi lại, đặc biệt xe container, xe tải chạy rầm rập cả ngày. Việc xe ngược chiều chạy chen lấn không chỉ gây ra ùn tắc mà còn nguy cơ tai nạn chết người.
Chị Trương Thị Lệ - người đi đường - cho biết mỗi ngày chị đều đi làm qua khu vực này và ngày nào cũng phải mất 10-15 phút mới qua hết đoạn đường này. Dòng xe cộ đi ngược chiều cứ ngang nhiên chạy dù họ biết họ đang cản trở giao thông. Khi bị nhắc nhở, một số người tỏ thái độ hằn học, chửi bới.
Theo chị Lệ, nguyên nhân người dân đi ngược chiều do ngại phải đánh một vòng khá dài qua cầu vượt Bình Phước để vào chợ. Không ít vụ va chạm giao thông tại điểm này đã xảy ra nhưng không ai tỏ ra lo sợ.
Nhiều người lý giải do đường sá thiết kế phức tạp nên vội quá phải đi như vậy.
Đoạn đường từ Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM ra quốc lộ 1 thường xuyên có xe container ra vào nhưng người dân hay đi ngược chiều, gây ùn tắc giao thông, chèn ép xe nhau vào giờ tan tầm. Một số người còn không đội mũ bảo hiểm, đối phó với công an giao thông bằng cách dắt bộ - Ảnh: HOÀNG AN
Ảnh hưởng cả thế hệ trẻ
Không chỉ vậy, tại nhiều điểm trường không khó bắt gặp nhiều phụ huynh chạy xe ngược chiều để đưa đón con em mình bất chấp những cái nhìn ái ngại của mọi người xung quanh.
Một cán bộ cảnh sát giao thông quận Gò Vấp cho biết đối với người đi xe máy đi ngược chiều trên đường có biển cấm bị xử phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng/trường hợp. Ngoài ra, người điều khiển còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Tuy nhiên, anh Huỳnh Tấn Tài - một người dân sống ở quận Phú Nhuận - chia sẻ mức phạt trên chẳng là gì so với hậu quả mà hành vi trên gây ra, ảnh hưởng đến cả thế hệ con em mình. Đó là chưa kể việc đi ngược chiều gây ra những tai nạn "hối hận thì đã muộn".
"Chúng ta từng kêu gọi mọi người tuân thủ Luật giao thông, dạy các em cũng phải như vậy. Nhưng chính người lớn chúng ta làm điều ngược lại thì tụi nhỏ cũng bị ảnh hưởng theo", anh Tài nhận định.
Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM - chia sẻ tình trạng đi ngược chiều ở TP.HCM còn tồn tại do ý thức người tham gia giao thông còn thấp. Họ chọn đi ngược chiều chỉ vì lười di chuyển đường vòng hoặc đi đoạn đường xa hơn. Thế nhưng, từ việc này lại gây ra các hệ lụy lớn về giao thông.
Vì vậy, theo ông Phúc, trước hết lực lượng chức năng phải tăng cường xử phạt ở các khu vực thường xảy ra tình trạng trên. Điều này cảnh báo, răn đe những người cùng tham gia giao thông. Thời gian qua, về phía Ban An toàn giao thông TP triển khai nhiều hoạt động để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông, không đi ngược chiều, không chạy quá tốc độ cho phép...
Để khắc phục tình trạng phụ huynh chở con em mình đi ngược chiều, ông Phúc cho biết Ban An toàn giao thông đã làm việc với các trường học yêu cầu tổ chức tuyên truyền, giáo dục phụ huynh, học sinh không vi phạm Luật giao thông gây ùn tắc, nguy cơ tai nạn khu vực quanh trường học.
Mới đây, Ban An toàn giao thông TP cùng Sở Giáo dục và đào tạo TP, Sở GTVT TP cùng ký vào kế hoạch phối hợp thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực trường học trên địa bàn TP. Trong đó, có yêu cầu các trường học đưa Luật giao thông vào giáo dục cho học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, trung học phổ thông...
Quay đầu tránh CSGT
Ngay chân cầu vượt Ngã 6 Gò Vấp (quận Gò Vấp), hàng chục phụ huynh đưa đón con em đi học Anh ngữ ở một trung tâm ngoại ngữ trên đường Nguyễn Kiệm đi ngược chiều. Tuyến đường Nguyễn Kiệm là đường một chiều (hướng từ quận Gò Vấp về quận Phú Nhuận). Người dân muốn đi vào đường Quang Trung thì phải đánh một vòng qua chân cầu vượt và con lươn khá dài. Cho nên, phụ huynh đưa đón con đều đi ngược chiều từ đường Nguyễn Kiệm vào đầu đường Quang Trung.
Một người dân bán nước gần đó kể lại, khi nào thấy cảnh sát giao thông đứng gác ở đầu đường bên kia là bên này lập tức quay đầu xe để tránh. “Điều khiển phương tiện như vậy, tôi thấy nguy hiểm quá. Đến giờ cao điểm tình trạng đi ngược chiều càng nhiều hơn khiến tuyến đường kẹt cứng”, người này chia sẻ.
Chương trình "10 thói quen văn minh giao thông" cần được lan tỏa
Là một người đi đường, mỗi ngày bạn nhìn thấy rất nhiều người đi ngược chiều vi phạm giao thông với một số lý do như: để tiết kiệm thời gian, rút ngắn khoảng cách di chuyển... Nếu là bạn, bạn sẽ hành xử ra sao để đó là văn minh giao thông?
Cùng lan tỏa những hành vi giao thông văn minh để không còn những hành vi vi phạm làm xấu đi bộ mặt giao thông của TP qua chương trình "10 thói quen văn minh giao thông" do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Grab Việt Nam.
Đồng thời, bạn cũng có thể chia sẻ những thói quen giao thông kém văn minh để cải thiện tình trạng giao thông hiện nay.
Bạn chỉ cần truy cập vào http://www.xosobinhdinh.org/chuyenxevanminh và lần lượt thực hiện 3 bước sau:
Bước 1: Đề xuất 1 thói quen nhỏ mà bạn nghĩ là sẽ ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông (Ví dụ: quên gạt chân chống, bóp kèn xe inh ỏi, sử dụng điện thoại khi đang lái xe…).
Bước 2: Nhập đầy đủ các thông tin được yêu cầu trong phần bảng hiện ra sau khi bạn ấn nút "Gửi".
Bước 3: Chia sẻ đường link thói quen mà bạn vừa đề xuất lên trang Facebook cá nhân ở chế độ "Công khai" và kêu gọi người thân, bạn bè vào bình chọn.
Ban tổ chức sẽ trao 10 phần thưởng (1 triệu đồng/người) từ đơn vị đồng hành Grab Việt Nam đến 10 người tham gia có bài viết được bình chọn nhiều nhất tính đến ngày 7-5-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận