Chị Huyền và hai người bạn đồng hành trong chuyến hành trình xuyên Việt - Ảnh do nhân vật cung cấp
Chị Thanh Huyền và hai bạn nam thực hiện chuyến đi này với số tiền một đô la trong túi, cùng thẻ thanh toán ngân hàng (khoảng 5 triệu đồng/người) để đến gặp gỡ các đại biểu của Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF 2017) ngày 5-11, với thông điệp về một nền kinh tế không tiền mặt.
"Tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác, người dân đã có thể đi chợ mua rau mà không cần dùng tiền mặt, rất nhanh gọn. Thanh toán điện tử mang lại quá nhiều lợi ích, giúp nền kinh tế trong sạch và chống tham nhũng. Điều này cần được mọi người dân cả nước biết đến" - chị Huyền chia sẻ về mục đích của chuyến đi.
4 lần vô địch SEA Games
Nguyễn Thị Thanh Huyền là cựu vận động viên xe đạp địa hình. Năm 1999, chị tham dự SEA Games 20 với chiếc xe đạp mượn từ một phóng viên Thái Lan, và đoạt chiếc HCV đầu tiên cho Việt Nam ở nội dung băng đồng.
Chị tiếp tục giành chiến thắng cao nhất ở SEA Games 21, 22 và 24, xác lập kỷ lục 4 lần vô địch SEA Games, 1 lần vô địch châu Á.
Đến giờ, Thanh Huyền vẫn là nữ tuyển thủ duy nhất của Việt Nam được tôn vinh ở "Giải thưởng phụ nữ ấn tượng châu Á" tiêu biểu năm 2002.
Chuyến đi không tiền mặt
Suốt 10 ngày rong ruổi khắp các tỉnh thành từ Nam tới Bắc, người phụ nữ U40 vẫn tràn đầy năng lượng. Tới mỗi nơi, nhóm của chị Huyền thường ghé vào các chợ, quán hàng để khảo sát ý kiến của các tiểu thương về vấn đề thanh toán điện tử.
Qua những cuộc trò chuyện ngắn, nhóm của chị thấy rằng thanh toán cách nào tiện lợi thì người dân rất hào hứng đón nhận. Điều mà mọi người quan tâm nhất ngoài sự đơn giản, tiện lợi là có độ bảo mật, an toàn cao.
Chuyến đi của 3 "phượt thủ" khá gần với thời gian cơn bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, khiến hành trình gặp rất nhiều khó khăn. Mưa rả rích từ sáng tới đêm, nhóm phải di chuyển rất chậm. Lo lắng thời gian không tới Hà Nội đúng như dự kiến, cả nhóm đành nhịn đói chạy xe cho kịp hành trình.
Chặng đường từ Đà Nẵng đến Quảng Trị, 3 người chỉ ăn sáng bằng lương khô, uống nước lọc. "Vì gặp mưa, máy móc quay chụp gặp trục trặc, phải sửa chữa. Chúng tôi tới Huế đã 3h chiều, trời rất lạnh. Mấy chị em xanh mặt vì đói, rét, nhưng vẫn giữ khí thế vào chợ để phỏng vấn tiểu thương, sau đó lại chạy thẳng về Quảng Trị, gặm vội bánh mì trên xe dưới mưa" - chị Huyền nhớ lại.
Nhóm "phượt thủ" và các tiểu thưởng tại chợ Đồng Hà, tỉnh Quảng Trị - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hôm sau, cả nhóm vào viếng nghĩa trang Trường Sơn. Ba phượt thủ đi gần tới cổng mới nghĩa ra không biết làm sao để mua hương vàng. "Trời mưa phùn và cũng gần tối, ba chị em đánh liều vào một cửa hàng to nhất hỏi mua đồ cúng.
Nhưng khi biết mình muốn chuyển khoản, không ai đồng ý, nghĩ mình lừa đảo. Thuyết phục mãi, cuối cùng mình cũng giao dịch thành công, phải để hành lý lại làm tin", chị Huyền kể.
Tới Thanh Hóa, chị Huyền và các bạn cũng gặp khó khăn khi vào một hàng ăn và mong muốn trả tiền bằng chuyển khoản. Chị nhớ lại: "Phen đó mới xấu hổ. Chúng tôi y như đi xin ăn vậy. Bà chủ không cho chuyển khoản, cũng không cho nạp tiền điện thoại.
Cuối cùng, chúng tôi trình bày với một thực khách, được giúp đỡ bằng cách nạp thẻ điện thoại. Ba đứa mua được một đĩa gà luộc. Cuối cùng, bà chủ thấy thương hay sao đó mà chiêu đãi thêm một đĩa phở thật to".
Thanh toán di động vẫn còn lạ lẫm
Ngày 6-11, nhóm chị Huyền được gặp tỷ phú Jack Ma tại Hà Nội đúng như dự kiến. "Quá trình phấn đấu và mục đích công việc của ông đã đem lại lợi ích lớn lao cho xã hội. Ông đặc biệt dành sự quan tâm cho giới trẻ và doanh nghiệp startup.
Câu chuyện thành công ấy là nguồn cảm hứng, động viên lớn lao cho cả nhóm. Tôi càng thêm quyết tâm khởi nghiệp ở tuổi 40, thực hiện ước mơ kinh doanh từ thuở thơ ấu", chị Huyền bộc bạch.
Theo chị Huyền, việc thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Payments) là điều hoàn toàn có thể, thậm chí rất nhanh có kết quả tại Việt Nam. "Như Jack Ma nhận xét, đất nước mình có cơ sở vật chất, công nghệ, nguồn lực đã sẵn sàng", chị nói.
Tuy nhiên, trong hành trình của mình, chị Huyền thấy rằng, hầu hết ở những nơi hiện đại nhất, thanh toán bằng Mobile Payments vẫn còn rất lạ lẫm.
Những nơi trang bị bót quẹt thẻ dùng được Mobile Payments chỉ có ở hệ thống siêu thị, nhà hàng, cà phê, khách sạn, cửa hàng thiết bị đi động... Trạm xăng của Petrolimex là nơi duy nhất có thể sử dụng hình thức quẹt thẻ, nhưng không thể thanh toán bằng điện thoại do các bót đã cũ.
"Tuy nhiên, mọi người đều hứng thú với cách thanh toán nhanh chóng này. Người dân có mong muốn sử dụng trên máy điện thoại đời thấp, phổ thông để thuận tiện và dễ dàng tiếp cận nhất" - chị Huyền chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận