Xe
29/08/2017 13:24 GMT+7

Chạy xe đúng luật giao thông: tùy vui, tùy buồn?

NGUYỄN HỮU NHÂN 
(Đồng Tháp)
NGUYỄN HỮU NHÂN 
(Đồng Tháp)

TTCT -  Bao giờ việc tự giác chấp hành luật giao thông, ứng xử có văn hóa, nhường nhịn nhau khi chạy xe trên đường phố được mọi người lưu tâm?

Xe máy phi lên cầu đi bộ -Ngọc Đông
Xe máy phi lên cầu đi bộ - Ảnh: Ngọc Đông

Có luật giao thông ư? Tốt thôi, nhưng ở tỉnh lẻ, chuyện chấp hành luật giao thông vẫn ở dạng tùy vui, tùy buồn.

Như bao địa phương khác, lượng xe máy ở quê tôi ngày một tăng. Khi thị xã nhỏ bé với hơn trăm nghìn dân được công nhận là thành phố, giao thông cũng đổi khác. Các con đường được nâng cấp, vỉa hè được làm lại, các bảng chỉ tên đường được gắn khắp nơi.

Đèn giao thông ở các giao lộ bật sáng ngày đêm như tín hiệu cho thấy sự hiểu biết về giao thông đô thị đã thay đổi.

Lỗi... tại cái đèn đỏ

Bên dưới các đèn giao thông có gắn biển báo: đèn đỏ, môtô, xe hai bánh được quyền rẽ phải. Thế nhưng muốn rẽ phải không dễ dàng. Lý do là dù mặt đường đã kẻ phần diện tích cho các loại xe dừng lại khi có đèn đỏ, người ta vẫn dừng xe tràn ra ngoài.

Rất ít khi các xe đến sau chịu khó dừng theo thứ tự mà cứ thấy khoảng trống ấy là chen ngay vào. Xe nào cũng tranh thủ vượt lên nên người có nhu cầu rẽ phải không thể nào thực hiện được.

Lý luận của những người này là: đèn đỏ tôi dừng là đúng luật mà! Những người có nhu cầu rẽ phải cho xe chạy lên lề, vượt qua dòng xe dừng trái luật để rẽ.

Vì không còn chỗ để di chuyển, người cần rẽ phải buộc phải dừng xe trong phần đường của người sẽ đi thẳng. Khi có tín hiệu đèn xanh, cảnh va quẹt xảy ra như cơm bữa vì không lường được ai đi thẳng, ai rẽ phải...

Quy định đèn đỏ được rẽ phải gây ra một hệ lụy khác: người đi bộ không thể qua đường vì lúc nào cũng có dòng xe chạy trên đường.

Hình như mọi người tạm hài lòng với cung cách thấy đèn đỏ dừng xe là tốt rồi. Vấn đề là ở ngã tư khác, khi đèn đỏ các phương tiện phải dừng, xe nào rẽ phải sẽ bị cảnh sát giao thông xử lý ngay. Như vậy là luật không được thực thi thống nhất, người dân không biết đi như thế nào cho đúng.

Cứ xe lớn là phải chịu?

Trường tôi dạy nằm ven quốc lộ, lượng xe qua lại đông đúc. Nhiều năm qua, thầy cô luôn đưa các em qua đường vào giờ về để hạn chế rủi ro cho các em. Gần nghìn học sinh mỗi buổi tan học nên vất vả lắm. Thầy cô chỉ có mỗi chục thước dây và một biển báo căng ngang đường cho các em vượt qua trong ít phút.

Thế nhưng thầy cô và các em học sinh không phải đã yên tâm vì có nhiều xe tải và cả xe cá nhân vẫn vô tư chạy thẳng tới không hề giảm tốc độ dù thầy cô đã ra tín hiệu xin đường. Khi ấy thầy cô chỉ biết kêu trời. Có cô giáo đã xin nhận kỷ luật vì không dám ra đường chặn xe cho học sinh vượt qua vì e rằng tính mạng không được an toàn.

Khi vạch sơn băng ngang đường bị phai mờ, người lái xe không nhận biết đây là tín hiệu ưu tiên cho người đi bộ, họ sẽ không giảm tốc độ. Học sinh băng ngang rất nguy hiểm. Thế nhưng nhà trường không được sơn lại cho đậm mà phải làm thủ tục xin khu quản lý đường bộ ở mãi tỉnh thành phố khác cho phép hay phải chờ đến đợt duy tu.

Muốn tốn tiền để học sinh an toàn cũng không phải dễ! Một điều nữa là những vạch kẻ cho người đi bộ băng ngang đường có khi không được kẻ ở ngay lối ra vào tại cổng trường mà lại cách xa vài mét. Vì vậy gây bất tiện và mất an toàn cho học sinh khi ra vào trường.

Phụ huynh học sinh còn coi thường hiểm nguy, việc đưa đón con đi học mà không có mũ bảo hiểm vẫn còn xảy ra. Trường dù có khu vực đỗ xe để phụ huynh đưa đón con em nhưng vẫn có trường hợp chạy xe vào tận sân trường để con khỏi bị nắng mưa...

Vậy là va quẹt giữa các phụ huynh xảy ra, kéo theo nhiều hậu quả đáng tiếc khác ngay trong môi trường giáo dục. Việc giáo dục ý thức văn minh trong giao thông của nhà trường vơi đi ít nhiều.

Khá đông người dân quê tôi vẫn lập luận theo lối: ra đường, xe lớn phải tránh xe nhỏ. Có tai nạn, bao giờ lỗi cũng thuộc về xe lớn. Họ thường dạy con em băng ngang đường vô tội vạ vì người lái xe có trách nhiệm phải giữ an toàn cho người đi bộ! Không ít tai nạn xảy ra với hậu quả nghiêm trọng cũng xuất phát từ suy nghĩ như vậy.

Khi lưu thông trên đường, dù thông thoáng, nhiều người thích bấm còi xe để giành ưu tiên dù không có việc gì cấp bách. Đã vậy còi xe đã được độ lên bằng còi ôtô nên gây giật mình, thậm chí té ngã cho những người đang đi phía trước.

Pô xe cũng được làm lại để tạo âm thanh chát chúa hù dọa người khác. Cách đây mấy tháng, do nẹt pô trong hẻm nhỏ nên bị hàng xóm nhắc nhở, một thanh niên mới 18 tuổi vung dao đâm chết người. Bản án 20 năm tù cho hành vi trái pháp luật có nguyên nhân từ ý thức giao thông kém mà ra.

Xem ra việc tự giác chấp hành luật giao thông, ứng xử có văn hóa, nhường nhịn nhau vẫn còn xa!

NGUYỄN HỮU NHÂN 
(Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên