24/05/2011 11:19 GMT+7

Chạy trường

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Cứ mỗi đầu hè, phụ huynh ở các thành phố lại lao vào cuộc đua tìm chỗ học tốt cho con. Không còn đơn giản chỉ là xin xỏ, gửi gắm như trước, “công nghệ chạy trường” những năm gần đây liên tục được nâng lên ở “tầm cao mới”.

uC24Nayg.jpgPhóng to
Giờ học của lớp 1A10 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Học sinh muốn vào lớp 1 trường này năm học tới sẽ phải tham gia kỳ thi tuyển sinh ngày 28-5 - Ảnh Tư liệu

Không ít phụ huynh đầu tư vào việc chuyển hộ khẩu, mai mối nhiều năm liền trước khi con đi học. Các mối quan hệ với quan chức trong ngành giáo dục cũng được khai thác triệt để. Bên cạnh đó là những đường dây, những người môi giới sẵn sàng đứng ra hỗ trợ phụ huynh.

Chạy trường thôi chưa đủ, phụ huynh còn tìm cách đưa bằng được con vào lớp tốt nhất kiểu như lớp 1A1 hay 6A1... Nhiều phụ huynh còn quyết tìm cho ra giáo viên dạy giỏi nhất của trường để dạy cho con mình. Thực tế còn bao nhiêu “biến tấu chạy trường” nữa, người ngoài cuộc khó lòng biết được.

Những đợt sóng chạy trường ồ ạt đổ về các trường điểm khiến các trường này luôn rơi vào tình trạng quá tải. Đến nỗi đôi lúc những học sinh đúng tuyến “chánh hiệu” lại trở thành nạn nhân thiếu chỗ học. Không ít người trách móc, thậm chí lên án những phụ huynh xoay xở chạy trường cho con. Thậm chí gán cho phụ huynh cái tội đầu độc con trẻ thói chạy trường chạy lớp ngay từ lúc ấu thơ.

Nhưng có lẽ chẳng phụ huynh nào khi không lại rước khổ vào thân nếu như trường mà con mình sẽ theo học không đến nỗi nào. Cách thức tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 mà hầu hết địa phương áp dụng hiện nay là phân tuyến theo địa bàn. Nghĩa là học sinh có hộ khẩu thuộc tuyến trường nào sẽ được học ở tuyến trường đó. Cách thức này sẽ rất ổn nếu như các trường có chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất tương đối đồng đều. Đằng này, không cần phải nói thêm mọi người đều đã biết sự chênh lệch quá xa giữa các trường.

Trẻ con không được quyền lựa chọn nơi mình sinh ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em phải chấp nhận cái tuyến mà ngành giáo dục đã phân từ khi còn chưa chào đời. Nếu tuyến trường đó tốt, các em được nhờ và ngược lại. Chấp nhận thực tế đó cũng có nghĩa là mọi người chấp nhận thực tế mất công bằng trong thụ hưởng chất lượng giáo dục do hộ khẩu gây ra.

Sự bất công đó chỉ được xóa đi khi hệ thống trường lớp được đầu tư đồng bộ, chất lượng giảng dạy đồng đều. Lúc đó dù có cho thêm tiền, phụ huynh cũng chẳng chạy trường làm gì. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi chính quyền và ngành giáo dục tổ chức được một hệ thống trường như thế, đã có luồng ý kiến đề xuất thí điểm đầu tư một số trường đáp ứng nhu cầu phụ huynh. Bên cạnh hệ thống trường phục vụ cho số đông học sinh, những ngôi trường này được tổ chức một cách bài bản, thu phí tương xứng.

Những phụ huynh có điều kiện muốn cho con mình vào học những trường này phải chấp nhận đóng phí và đóng phí cao. Một phần nguồn kinh phí được điều tiết để nâng cấp những trường còn khó khăn. Tuy vậy, luồng ý kiến này cũng vấp phải sự không đồng tình khi cho rằng có sự phân biệt đối xử trong hệ thống giáo dục công lập.

Nhưng nói đi cũng phải nhìn lại, đó là thực tế hoạt động chạy trường đang diễn ra ngày càng tinh vi, rầm rộ cũng dẫn đến sự phân biệt đối xử, không công bằng, thiếu minh bạch. Đó là một số người có tiền, quyền thế đã “đi đêm” để con mình có chỗ học tốt hơn. Điều nghiêm trọng là sự không công bằng, thiếu minh bạch này diễn ra ngay trong hệ thống giáo dục công lập mà ở đó mọi người đều có quyền lợi như nhau.

Có thể đây chỉ là một đề xuất nhưng cũng là sự thôi thúc ngành giáo dục phải xắn tay cao hơn trong việc xóa dần nạn chạy trường, hay đúng hơn là trả lại sự công bằng, minh bạch cho hệ thống giáo dục công lập.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên