Trường tiểu học Tân Hưng Đông 1, huyện Cái Nước dù đã xây theo trường chuẩn quốc gia nhưng không được công nhận vì thiếu trang thiết bị - Ảnh: T.TRANG |
Theo ông Quân, nguyên nhân chủ yếu do lãnh đạo các huyện điều hành chưa sát, chạy theo thành tích để xây dựng nhiều trường đạt chuẩn quốc gia từ nguồn ngân sách của địa phương...
Quà khen thưởng phải mua thiếu
Ông Nguyễn Thanh Hồng, hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hưng Đông 1 (huyện Cái Nước), cho biết quý 1-2016 trường chỉ được tạm ứng 5 triệu đồng, mua những thứ cần thiết nhất. Đến nay hết quý 2 mà vẫn chưa có thêm đồng nào để chi cho chuyên môn, văn phòng phẩm...
“Cuối năm học vừa rồi, khen thưởng học sinh phải mua tập và sách bằng cách thiếu nợ lại, khi nào có tiền mới trả. Còn phần khen thưởng cho giáo viên cũng đành phải gác lại” - ông Hồng nói.
Còn ông Phạm Bá Quyển, hiệu trưởng Trường THCS Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước), kể nếu như những năm trước trường được rót về hơn 100 triệu đồng/năm, thì từ đầu năm đến nay, Phòng GD-ĐT chỉ chuyển hơn 12 triệu đồng, trường dành cho tất cả các hoạt động khen thưởng học sinh cuối năm, đi lại...
“Những việc cần chi thì chưa có tiền để trả, như khen thưởng cho học sinh giỏi. Còn khen thưởng cho giáo viên hai năm nay vẫn chưa có dù một năm chỉ hơn 20 triệu đồng” - ông Quyền chia sẻ.
Trong khi đó, anh L.T.N., kế toán trưởng một trường tiểu học ở huyện Trần Văn Thời, cho biết năm 2015 kinh phí của huyện đưa xuống trường vỏn vẹn 45 triệu đồng, chỉ đủ chi cho tiền phấn, giấy, photo, còn lại đủ hỗ trợ cho học sinh nghèo của trường.
“Ba năm nay, trường chỉ khen thưởng cho giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bằng giấy khen. Còn khen thưởng học sinh giỏi của trường thì vẫn phải mua thiếu ở các cửa hàng trang thiết bị dạy học của huyện” - anh N. nói.
Các giáo viên Trường tiểu học Lý Tự Trọng (huyện U Minh) cho biết hai năm nay, trường không còn kinh phí chi cho các hoạt động nên trường rất hạn chế đào tạo học sinh cho kỳ thi học sinh giỏi, thi văn nghệ, thể dục thể thao... Bên cạnh đó, trường được xây theo kiểu chuẩn quốc gia nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được công nhận vì không được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đúng chuẩn.
Chạy theo thành tích thành ra... thiếu sót
Ông Đoàn Quốc Khởi, giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, cho biết sau khi các địa phương có báo cáo tổng hợp tình hình nợ kinh phí sự nghiệp giáo dục từ năm 2011-2015 là 126 tỉ đồng, sở đã thành lập đoàn kiểm tra.
Tuy nhiên số nợ không đến mức cao như vậy, vì một số địa phương muốn báo nhiều để tỉnh xem xét, hỗ trợ! “Trong đó, phần nhiều ngân sách để xây trường đạt chuẩn quốc gia, dẫn đến hụt kinh phí tương đối lớn. Chạy theo thành tích lại thành thiếu sót!” - ông Khởi nói.
Ông Khởi nói thêm: “Theo quy định phải ưu tiên lương trả kịp thời cho giáo viên. Còn những khoản khác, anh em nghĩ chỉ nợ vài tháng sẽ có nguồn để trả nhưng lại không có, dẫn đến tình trạng hụt tiền ngân sách cho giáo viên như hiện nay. Hiện sở đang rà soát lại các địa phương để báo cáo Bộ Tài chính xem xét và đề nghị mức hỗ trợ, giải quyết cho năm học mới”.
Theo ông Nguyễn Minh Phụng - trưởng Phòng GĐ-ĐT huyện Cái Nước, hiện có ba trường tiểu học Đông Thới 1, Tân Hưng Đông 1 và Phú Hưng C đã xây xong nhưng chưa có trang thiết bị, nên dù huyện đã phê duyệt kinh phí vẫn chưa thể làm công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Theo ông Phụng, đến hết năm 2015, huyện thiếu hơn 17 tỉ đồng bao gồm các khoản như nguồn khen thưởng, tăng giờ của giáo viên mầm non, THCS, chi trả theo quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ, chi cho giáo viên dạy thể dục ngoài trời...
Ông Phụng đơn cử năm 2016, tổng kinh phí dành cho sự nghiệp giáo dục huyện là hơn 157 tỉ đồng, trong đó chỉ tính cho lương và các khoản theo lương của giáo viên đã 166 tỉ đồng, không đủ để đáp ứng nhu cầu các hoạt động khác.
“Đến tháng 4-2016, 58 trường trên địa bàn hiện không còn tiền để hoạt động. Trước mắt, phòng đã tham mưu cho UBND huyện, tạm mượn ngân sách chi cho một tháng để các trường chuẩn bị cho khen thưởng, chi trả một số hoạt động, đóng tiền điện nước” - ông Phụng nói.
Còn ông Trần Hoàng Lạc, trưởng Phòng GD-ĐT huyện U Minh, cho biết hiện 26 trường tiểu học trên địa bàn rất eo hẹp về kinh phí vì không có nguồn thu như các trường THCS và mầm non.
“Đây là địa bàn khó khăn nên không xã hội hóa được. Từ đầu năm đến nay, phòng chỉ đạo các trường chi tiêu dè sẻn nhưng thực chất không có nguồn để chi làm sao tiết kiệm được?” - ông Lạc băn khoăn.
Sẽ chi 53 tỉ đồng cho các huyện Ông Trần Hồng Quân cho biết sẽ chi bổ sung cho các huyện 53 tỉ đồng để giải quyết khó khăn trước mắt. Còn những gì thuộc về trách nhiệm của huyện do chạy theo thành tích, gây hụt kinh phí thì các huyện phải chịu trách nhiệm giải quyết bổ sung kịp thời. “Hiện nay tỉnh vẫn đang vận động xã hội hóa và chờ quyết định chương trình kiên cố hóa trường học lần thứ 2 của Bộ GD-ĐT để sửa chữa các trường học hiện đang xuống cấp” - ông Quân nói. |
Theo báo cáo của các phòng GD-ĐT, tình hình nợ các chế độ chính sách cho giáo viên giai đoạn 2011-2015 tại huyện U Minh là 21,157 tỉ đồng, huyện Thới Bình 19 tỉ đồng, Trần Văn Thời 44 tỉ đồng, Cái Nước 18,708 tỉ đồng và TP Cà Mau 12 tỉ đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận