Hai ngày qua, rất nhiều người đã đến động viên chia sẻ với gia đình anh Nguyễn Văn Công - một trong 5 người gặp nạn ở Thanh Trạch - Ảnh: H.TR.
Họ chỉ mong sớm tìm được con để đưa con về dù trong tình huống xấu nhất.
Tàu đánh cá này bốc cháy gần đảo Jeju sáng sớm 19-11, khiến 1 người thiệt mạng và nhiều người mất tích, trong đó có 6 thuyền viên Việt Nam.
Theo thông tin từ các gia đình báo cho chính quyền địa phương, năm người cùng quê Quảng Bình bị mất tích trên tàu cháy gồm Nguyễn Văn Công (32 tuổi), Nguyễn Tiến Ninh (32 tuổi), Nguyễn Văn Viện (45 tuổi), Nguyễn Văn Thủy (25 tuổi) và Nguyễn Ngọc Lợi (24 tuổi).
Cả 5 lao động bị nạn trong vụ cháy tàu Daesong tại Hàn Quốc đều là người cùng xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình (người còn lại ở Hà Tĩnh). Cả 5 người đều là bà con họ hàng với nhau và là trụ cột gia đình, nỗi đau đớn vì thế càng chất chồng. Không khí u ám hai ngày nay bao trùm cả xã biển Thanh Trạch.
Ông Nguyễn Tiến Kép, bố của Nguyễn Văn Công, nói sau khi nhận được thông tin từ các công ty môi giới xuất khẩu lao động, gia đình ông đã thông báo với chính quyền địa phương. Hai ngày qua, cả nhà ông như ngồi trên đống lửa. Người làng, bà con họ hàng đến thăm hỏi rất đông. Chiếc tivi gần như bật cả ngày để theo dõi thông tin từ cuộc cứu hộ cứu nạn đang diễn ra ở Hàn Quốc.
"Tôi cũng mong cơ quan chức năng Hàn Quốc nhanh tìm và có thông tin về cháu. Nếu trường hợp xấu nhất thì tìm được thi thể cháu cùng các thuyền viên còn lại và tạo điều kiện để gia đình sang đưa cháu về", ông Kép nói.
Bà Nguyễn Thị Liên, mẹ anh Nguyễn Ngọc Lợi, một trong năm người mất tích, khóc nghẹn từ khi nhận tin con bị nạn. Bà Liên kể anh Lợi làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc vì muốn kiếm một nơi làm việc có thu nhập ổn định. Anh dự định qua đó làm mấy năm kiếm chút vốn rồi về quê làm ăn.
Ông Nguyễn Trí Tuệ, bí thư Đảng ủy xã Thanh Trạch, cho biết theo xác minh của chính quyền địa phương, các lao động nói trên đều là lao động đi xuất khẩu thông qua các công ty môi giới tại Hà Nội. Trong trường hợp rủi ro, họ đều có hợp đồng lao động nên sẽ có chế độ bảo hiểm theo quy định trong hợp đồng.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã phối hợp các ban ngành, đoàn thể, tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên tinh thần các gia đình có người thân bị nạn; đồng thời chuẩn bị phương án để hỗ trợ các gia đình khi có trường hợp xấu xảy ra.
Huy động nguồn lực cao nhất cứu hộ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 21-11 cho biết Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm, chỉ đạo huy động nguồn lực cao nhất cho công tác tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân mất tích và Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân.
Bà Hằng thông tin thêm Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với đại diện các doanh nghiệp phái cử lao động tại Hàn Quốc để cập nhật tình hình, thông báo cho gia đình người lao động và sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
N.Đ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận