Nắng nóng cực đoan tại các nước phương Tây đang đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng báo động cháy rừng vô cùng nguy cấp.
Báo động đỏ ở Bồ Đào Nha
Cơ quan giám sát thời tiết Bồ Đào Nha (IPMA) ngày 7-8 đã đặt 6 khu vực trong cả nước, bao gồm cả thủ đô Lisbon, trong tình trạng báo động đỏ do nhiệt độ cực cao.
Trong khi đó, nhà chức trách Bồ Đào Nha cũng cảnh báo rằng hơn 120 thành phố tại nước này đang đối mặt nguy cơ cháy rừng ở mức cao nhất.
Hiện hơn 800 lính cứu hỏa đã được triển khai để đối phó các đám cháy rừng hoành hành tại miền nam Bồ Đào Nha, vốn đã thiêu rụi khoảng 6.700ha đất và buộc khoảng 1.400 người phải sơ tán để đảm bảo an toàn.
Cháy rừng bắt đầu bùng phát ngày 5-8 tại thị trấn Odemira (thuộc vùng Alentejo) và sau đó đã lan rộng về phía nam, hướng tới Algarve - một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Bồ Đào Nha. Nhiệt độ cao và gió mạnh đã cản trở đáng kể công tác chữa cháy.
Những hình ảnh ghi lại ngày 7-8 cho thấy bầu trời hoàng hôn ở Odemira trở nên tối đen do khói từ các đám cháy rừng. Theo người đứng đầu thị trấn Helder Guerreiro, tình hình cháy rừng tại đây là "nghiêm trọng, khó khăn và phức tạp".
Bồ Đào Nha cùng một số quốc gia Nam Âu khác ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong thời gian cao điểm mùa du lịch hè. Các nhà khoa học cho biết sóng nhiệt đang xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn trong mọi mùa của năm và với cường độ mạnh do biến đổi khí hậu.
Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo những nguy cơ từ nắng nóng đối với sức khỏe của người dân.
Cháy rừng kỷ lục ở Canada
Tại Bắc Mỹ, Canada cũng đang trải qua mùa cháy rừng kỷ lục, với hơn 100.000km2 đã bị thiêu rụi tính đến thời điểm này - tăng gấp 4 lần diện tích trung bình đất rừng bị thiêu rụi trong một mùa.
Cháy rừng ở Canada khiến hàng nghìn người phải sơ tán, gây nhiều thiệt hại về vật chất. Riêng tại tỉnh British Columbia, số cư dân phải sơ tán là khoảng 800 người.
Số liệu thống kê tính đến ngày 7-8 cho thấy tỉnh này ghi nhận gần 400 vụ cháy rừng, trong đó 14 vụ được đánh giá ở mức "đáng chú ý" - cấp độ dự báo hiểm họa có thể xảy ra và ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân.
Theo dự báo của nhà khí tượng học Ken Dosanjh thuộc Cơ quan Môi trường Canada, nước này chuẩn bị đón một cơn bão mới. Bão có thể mang mưa lớn, góp phần kiềm chế "giặc lửa", nhưng những tia sét có thể khiến gây ra nhiều đám cháy hơn.
Trong khi đó, Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết các đám cháy rừng tại Canada đã giải phóng 290 triệu tấn khí thải carbon - gấp đôi mức kỷ lục hằng năm trước đó, được thiết lập vào năm 2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận