Lửa bao trùm một mảng rừng quốc gia Klamath ở bang California, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Hãng tin AP dẫn thông tin từ Trung tâm Cứu hỏa liên ngành quốc gia Mỹ cho biết đến ngày 13-7 đã có gần 60 đám cháy bùng lên từ bang Alaska đến bang Wyoming. Các bang như Arizona, Idaho và Montana chiếm hơn một nửa đám cháy đang hoành hành.
Hơn 14.000 lính cứu hỏa và nhân viên hỗ trợ đang chiến đấu với các đám cháy đang bao phủ lên đến hơn 4.000km2.
Đám cháy lớn nhất tại bang Oregon hiện bao trùm khu vực hơn 818km2. Theo cơ quan cứu hỏa địa phương, thời tiết khô nóng khiến đám cháy lan nhanh và khó kiểm soát hơn.
"Chúng tôi chưa từng thấy đám cháy nào lan nhanh như vậy, trong các điều kiện hiện nay và thời điểm sớm thế này trong năm. Dự kiến ngọn lửa có thể gây những vấn đề mà chúng ta chưa từng thấy trước đây" - chỉ huy cứu hỏa Al Lawson ở Oregon nhận định.
Các đốm sáng do cháy rừng được nhìn thấy từ khu vực hồ Shasta của California ngày 2-7 - Ảnh: AFP
Đám cháy này đã làm gián đoạn một số đường dây của mạng lưới điện 5.500 megawatt sang California.
Tại Bắc California, chính quyền đã phải cho di tản hơn 3.000 người tại các khu vực hẻo lánh miền bắc và khu vực giáp bang láng giềng Nevada. Diện tích cháy rừng tại California từ đầu năm đến nay đã gấp đôi so với cùng kỳ của năm cháy rừng kỷ lục 2020, theo Hãng tin AFP.
Các đám cháy được dự báo sẽ tiếp tục lan rộng trong điều kiện thời tiết khô, nóng và nhiều gió. Cơ quan dự báo thời tiết Mỹ cho biết nhiệt độ đã lên đến đỉnh tại nhiều khu vực, tuy nhiên thời tiết nóng bức sẽ giảm trong vài ngày tới.
Máy bay cứu hỏa lấy nước từ sông Clark Fork, bang Montana, để dập lửa ngày 12-7 - Ảnh: REUTERS
Các nhà khoa học môi trường cho rằng biến đổi khí hậu đã góp phần dẫn đến cái nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ thời gian qua.
Trước đó, hàng triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng. Tại Thung lũng chết (Death Valley) của bang California, nhiệt độ đã tăng lên mức 54,4 độ C hôm 9-7 và 10-7.
Thành phố Merced ở California đã ghi nhận nhiệt độ 43,9 độ C hôm 10-7, phá kỷ lục 42,2 độ C năm 1961.
Người dân sống trong một khu di tản ở bang Oregan, Mỹ, ngày 12-7 do cháy rừng - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận