Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lợi, quận 3, TP.HCM ôn thi môn văn, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
“Năm nay, sở sẽ tiếp tục đổi mới trong cách ra đề thi 3 môn: toán, văn, ngoại ngữ theo hướng yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề trong thực tiễn" |
Theo các giáo viên lớp 9, năm nay TP tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập sớm hơn so với năm trước, nên thời gian ôn thi không nhiều.
“Chúng tôi phải lên kế hoạch bài dạy thật súc tích, để học sinh có thể nắm được những kiến thức quan trọng. Nội dung ôn thi chủ yếu tập trung vào phần kiến thức của học kỳ 1, còn phần kiến thức của học kỳ 2 học sinh đã học và ôn để kiểm tra cuối năm rồi” - cô Minh, giáo viên môn toán, cho biết.
Ôn luyện theo trình độ
Ông Đoàn Hữu Khánh - hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3 - thông tin: “Từ ngày 4-5, học sinh khối lớp 9 trường chúng tôi chính thức bước vào giai đoạn ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Lấy căn cứ từ kết quả của học kỳ 2, nhà trường sắp xếp lớp ôn thi theo trình độ học sinh: giỏi, khá, trung bình... để giáo viên thực hiện bài giảng cho phù hợp”.
Trong khi đó, tại Trường THCS Chu Văn An, quận 1: “Học sinh học ôn theo lớp cũ đã học từ đầu năm tới giờ. Riêng với những em có nguyện vọng thi vào trường, lớp chuyên thì các giáo viên sẽ bồi dưỡng riêng. Trường chúng tôi có khoảng 8% học sinh lớp 9 không đăng ký dự tuyển vào lớp 10, mà tự nguyện đăng ký học nghề” - cô Hồ Thị Ngọc Sương, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, chia sẻ.
Cô Sương bổ sung: “100% học sinh lớp 9 trường chúng tôi được học 2 buổi/ngày. Do đó, học sinh cứ học đến đâu là củng cố kiến thức đến đó bằng cách: buổi sáng học chính khóa, buổi chiều ôn lại”.
Tại quận Bình Thạnh, nhiều trường THCS còn tổ chức cho học sinh thi thử để làm quen với không khí phòng thi, nội dung đề thi... Minh Sang, học sinh lớp 9 ở quận Bình Thạnh, tâm sự: “Sau khi thi thử và được các thầy cô phân tích đề thi, rút kinh nghiệm về những lỗi dễ sai sót khi làm bài, em cảm thấy tự tin hơn hẳn. Những ngày này, em đang cố gắng trau dồi thêm kỹ năng làm bài và rà lại những phần quan trọng của các môn mà thôi”.
Môn văn: kiểm tra năng lực cơ bản
“Cụ thể, ở môn ngữ văn, cấu trúc đề sẽ gồm 2 phần: phần đọc - hiểu (3 điểm) và phần tạo lập văn bản (gồm viết văn bản nghị luận xã hội: 3 điểm và văn bản nghị luận văn học: 4 điểm). Đề thi sẽ hướng đến việc kiểm tra các năng lực cơ bản mà môn ngữ văn đã trang bị cho học sinh như: năng lực đọc hiểu, năng lực sử dụng ngôn ngữ (trình bày một vấn đề, thuyết phục người khác...), năng lực cảm thụ tác phẩm văn học...” - ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP, cho biết.
Theo ông Thành, ở phần đọc - hiểu, văn bản được chọn có thể thuộc các thể loại khác nhau như: văn bản nghị luận xã hội, văn bản văn học... Hệ thống câu hỏi đặt ra theo các cấp độ tư duy từ dễ đến khó: nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
Vì vậy, học sinh phải có năng lực đọc hiểu đa dạng các thể loại theo chương trình ngữ văn 9; phải luyện tập trao đổi, tranh luận, phải tự đặt ra và giải quyết các câu hỏi khi đọc các văn bản để nâng cao năng lực đọc hiểu. Khi làm phần này, thí sinh cần trả lời ngắn gọn, rõ ý, đúng trọng tâm, tránh trả lời dài dòng, lan man.
Ở câu nghị luận xã hội, nội dung đề thi sẽ là những đề tài bàn luận đa dạng, phong phú (các vấn đề gần gũi với lứa tuổi học sinh, được các bạn trẻ quan tâm; các giá trị phổ quát, vấn đề thời sự...). Để làm tốt câu này, học sinh cần rèn luyện các kỹ năng, thao tác lập luận, đặc biệt là thao tác giải thích, chứng minh và bình luận; cần đọc sách, báo; cần “quan sát và lắng nghe” cuộc sống...
Khi làm câu nghị luận xã hội, thí sinh cần xác định rõ vấn đề bàn luận, đưa ra suy nghĩ, quan điểm riêng, đưa ra lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục người đọc, nhận thức về những tác động của vấn đề đối với bản thân...
Cũng theo ông Thành, ở câu nghị luận văn học, thí sinh cần rèn luyện kỹ năng phân tích thơ, truyện; cần đọc sâu, nghiền ngẫm để hiểu và cảm nhận tác phẩm. Rèn kỹ năng liên hệ, so sánh, khái quát...
Để làm tốt câu nghị luận văn học, khi ôn tập, đọc và phân tích tác phẩm, thí sinh cần liên hệ đến thực tế cuộc sống và liên hệ đến các tác phẩm khác cùng đề tài. Nếu được chọn lựa 1 trong 2 đề nghị luận văn học để làm, thí sinh nên chọn đề mà mình nắm chắc kiến thức, kỹ năng để làm.
Môn toán: tiếp tục đổi mới đề thi
Với môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ - chuyên viên môn tiếng Anh Sở GD-ĐT TP - đưa ra lời khuyên: “Cấu trúc đề thi môn tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ giống như năm trước. Cùng với chủ trương nhằm kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh trong thực tiễn, nội dung đề thi sẽ có những chủ đề khá gần gũi với cuộc sống, lứa tuổi của thí sinh.
Nhìn chung, đề thi năm nay vẫn có những nội dung: trắc nghiệm nhiều chọn lựa, tìm lỗi trong câu, đọc - hiểu, dạng thức từ; điền từ vào một bài đọc; viết lại câu...Riêng câu hỏi yêu cầu sắp xếp từ thành câu hoàn chỉnh; dạng tìm ý chính và câu hỏi suy luận trong phần đọc - hiểu thì đã trở nên quen thuộc rồi, thí sinh học bài kỹ và có suy luận là làm được”.
Với môn toán thì: “Đề thi sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường câu hỏi vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Nếu như năm trước đề thi chỉ có 1 câu hỏi ra theo dạng này thì năm nay sẽ có 2 câu hỏi. Về cấu trúc đề thi sẽ gần giống như năm trước nhưng có một số thay đổi. Đó là các câu hỏi yêu cầu thí sinh phải suy luận và phải hiểu bài mới làm được.
Đương nhiên không phải câu hỏi nào cũng yêu cầu vận dụng tư duy ở mức cao, mà sẽ có câu hỏi yêu cầu vận dụng tư duy ở mức thấp nữa” - ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP, “bật mí”.
Ông Lộc cho rằng: “Học sinh cần nắm vững kiến thức môn học, giải bài tập một cách nhuần nhuyễn (tức là có học bài, hiểu bài, có suy nghĩ để giải quyết vấn đề chứ không phải học vẹt) thì sẽ làm tốt bài thi”.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn TP.HCM sẽ diễn ra ngày 2 và 3-6 với 3 môn thi: toán, văn, ngoại ngữ. Trong đó, thời gian làm bài của môn văn và toán là 120 phút, môn ngoại ngữ là 60 phút. Điểm xét tuyển vào lớp 10: là tổng điểm 3 bài thi tuyển sinh (trong đó bài thi ngữ văn và toán hệ số 2, bài thi ngoại ngữ hệ số 1) và điểm ưu tiên, khuyến khích được cộng thêm (nếu có). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận