Bệnh nhân được điều trị khỏi COVID nhưng mang bệnh nền phải chạy thận nhân tạo tiếp tục được chăm sóc y tế đặc biệt sau khi ra viện - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Từ đầu vụ dịch, một trung tâm quản lý và điều hành hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được lập ra, ngay tại Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Trung tâm này là một trong những đầu cầu hội chẩn liên viện từ khi Việt Nam xuất hiện những bệnh nhân nặng như: bệnh nhân 19, bệnh nhân 91 phi công người Anh, giai đoạn sau này là bệnh nhân chuyển nặng tại Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam.
Gắng sức cứu 20 bệnh nhân COVID-19 nặng
Theo ông Cao Hưng Thái - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong số gần 440 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, có 20 bệnh nhân nặng, 7 người nguy kịch có nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào.
Tập trung hết sức cho Đà Nẵng chống dịch, tổ cơ động của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó có bác sĩ Trần Thanh Linh - phó trưởng khoa hồi sức tích cực (bác sĩ điều trị cho bệnh nhân 91 phi công người Anh), vẫn đang ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - nơi 2 người bệnh đang phải sử dụng ECMO là bệnh nhân 416 và 742.
Một êkip khác của Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn - phó trưởng khoa cấp cứu, cũng đang có mặt tại Trung tâm Y tế Hòa Vang, nơi có 10 bệnh nhân nặng, 5 người trong đó đang thở máy, có nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao. Bệnh viện Bạch Mai đã cử thêm chuyên gia dinh dưỡng giỏi vào nâng cao thể trạng cho bệnh nhân suy kiệt, phải nằm điều trị lâu ngày.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang có 3 bệnh nhân nặng, trong đó bệnh nhân 812 phải theo dõi sát...
Ngoài các bác sĩ giỏi được tăng cường vào trực tiếp, mỗi tuần đều có một cuộc hội chẩn trực tuyến liên viện. Vài ngày gần đây, đã có những bệnh nhân rất nặng, từng phải dùng ECMO tại Đà Nẵng đã hồi phục và được về cách ly tại nhà.
Bộ Y tế cũng tăng cường thêm ba giáo sư đầu ngành vào Đà Nẵng. Làm sao để gắng sức cứu những người bệnh nặng, gắng sức để có thêm những người bệnh nặng bình phục và được trở về nhà.
Theo sát xử trí những diễn tiến bất ngờ
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, các ca bệnh nặng ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hiện đang được điều trị theo phác đồ mà các cuộc hội chẩn trực tuyến của quốc gia đưa ra, cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên có khó khăn là vì diễn tiến đặc thù của bệnh nhân COVID-19 có nền bệnh phổi diễn tiến rất nhanh. Nếu không quyết định thời điểm, can thiệp kịp ECMO để duy trì tính mạng của bệnh nhân thì nguy cơ tử vong vào thời điểm đó rất cao.
Ngoài ra trong quá trình điều trị trên các nền bệnh lý cũ, rất nhiều bệnh nhân trên đà suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng, tổn thương gan, thận. Do vậy phải có chiến lược điều trị sớm như lọc máu, thay huyết tương nếu bị suy gan... đòi hỏi kinh nghiệm cũng như những phác đồ chuẩn mực và cập nhật liên tục.
"Ngoài hội chẩn trực tuyến của quốc gia, chúng tôi có kinh nghiệm từ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng. Riêng chúng tôi đã kinh qua những ca bệnh nặng thời gian qua, đặc biệt là ca bệnh 91 nên cũng đã có được kinh nghiệm cho các anh em.
Hiện phòng hồi sức của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã được đầu tư một cách đầy đủ từ Sở Y tế, từ êkip, các khoa, kết hợp với cả một tập thể để sẵn sàng ứng biến cứu bệnh nhân"- bác sĩ Linh nói.
Đến chiều 19-8, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng còn 80 bệnh nhân đang được điều trị. Trong số 18 ca bệnh được chăm sóc đặc biệt có 2 ca bệnh rất nặng, 7 ca nguy kịch. Theo bác sĩ Lê Thành Phúc - giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hiện nay có 20 giường được thiết lập đầy đủ trang thiết bị để điều trị cho các ca bệnh nặng.
Đối với các ca bệnh nguy kịch, lực lượng của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đảm nhận chuyên môn chính, ngoài ra có sự hỗ trợ của Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi cùng nhau tham gia vào việc điều trị, hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành mỗi ngày.
Riêng về khâu kiểm soát nhiễm khuẩn, hằng ngày sẽ có lực lượng của Bệnh viện Bạch Mai vào phòng giám sát quá trình này bên cạnh quy trình tự thân của mỗi bác sĩ.
"Tôi đánh giá COVID-19 vừa là hiểm họa vừa là cơ hội để đội ngũ chúng ta sẽ lớn lên, đội ngũ y tế sẽ có nhiều kinh nghiệm trong phòng chữa bệnh sau này"- bác sĩ Phúc nói.
Chung sứ mệnh cứu người
Vài ngày nữa là tròn 1 tháng các tổ cơ động của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai... vào miền Trung hỗ trợ cứu chữa bệnh nhân nặng. Ở đây, bác sĩ nào cũng giống nhau, ai cũng kín mít bởi bộ đồ bảo hộ màu trắng, họ chỉ khác nhau bằng dòng chữ ghi tên mình và tên bệnh viện đằng sau lưng áo, ai cũng hết mình vì một công việc chung là cứu người. Trong 440 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị hiện có 100 bệnh nhân đã có 1-3 kết quả xét nghiệm âm tính, chuẩn bị được ra viện.
150 y bác sĩ làm việc 24/24h
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có khoảng 150 y bác sĩ tham gia làm việc 24/24 giờ trên tất cả các lĩnh vực, với mục tiêu tùy theo vị trí, sức lực để đóng góp cho sự thành công trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận