13/01/2014 08:03 GMT+7

Cháy nổ đang thách thức

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Bản tin thời sự buổi sáng trở nên xám xịt khi bốn sinh viên đang tuổi đôi mươi thiệt mạng cùng lúc vì vụ cháy nổ trên đường Lý Thường Kiệt, TP.HCM. Và cũng trong ngày 11-1, ngọn lửa hung hãn tiếp tục tàn phá ở cả tòa cao ốc hiện đại của Đại học Ngoại thương (Hà Nội) lẫn xóm nghèo Trần Phú, TP Vũng Tàu...

Nhiều người rùng mình, kinh hoàng: tại sao lại cháy nổ, tang tóc nhiều như thế? Mới đêm 22-12-2013, nước mắt chưa kịp cạn cho cả gia đình năm người, trong đó có một bé gái mới 5 tuổi, tức tưởi ra đi trong một đám cháy ở Biên Hòa (Đồng Nai). Giờ lại thêm vụ cháy nổ tang tóc ở TP.HCM!

Hết chợ, trung tâm thương mại lại đến xí nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà dân, trường học, khu giải trí... Chỉ gõ vài từ “thống kê tình hình cháy nổ ở Việt Nam” trên công cụ Internet Google trong 0,29 giây đã tìm thấy 251.000 kết quả. Còn theo báo cáo mới nhất của Bộ Công an, năm 2013 cả nước đã xảy ra gần 2.600 vụ cháy nổ, tăng gần 10% so với năm 2012, làm chết 124 người và bị thương 349 người.

Nhiều chương trình, hội nghị đã liên tục đưa ra giải pháp phòng chống cháy nổ. Thậm chí tính khẩn cấp của thực trạng này cũng được đặt lên bàn nghị sự nóng bỏng của Quốc hội. Một đại biểu Quốc hội khóa XIII đã phải ngậm ngùi nói thẳng: “Trong lúc Quốc hội đang xem xét việc sửa Luật phòng cháy chữa cháy thì xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ... Có vẻ như cháy nổ đang thách thức Quốc hội khóa XIII”.

Thực tế tình trạng cháy nổ vẫn ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Thiệt hại và nỗi đau của nó để lại vô cùng khủng khiếp. Có những gia đình chẳng còn ai. Có những xóm làng trắng xóa khăn tang. Nhiều vụ thiệt hại kinh tế lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Một thống kê mười năm gần đây cho thấy trung bình hỏa hoạn đã làm “bốc khói” gần 500 tỉ đồng mỗi năm, gần 260 người thương vong với khoảng 1.700 vụ cháy. Tính ra trung bình mỗi ngày xảy ra năm vụ cháy nổ, làm chết và bị thương tám người.

Hôm 15-9-2013, cả tỉnh Hải Dương sững sờ với vụ bà hỏa hủy diệt trung tâm thương mại tỉnh này, làm biến thành tro bụi hơn 500 tỉ đồng và ảnh hưởng trực tiếp đến 500 hộ kinh doanh. Sự bàng hoàng của người dân phút chốc trắng tay càng thêm chua xót khi vụ cháy diễn ra ngay trung tâm thành phố với... các hồ nước mênh mông kế bên! Tuy nhiên, chỉ sau đó chưa đầy 30 ngày, tỉnh Phú Thọ và cả nước tiếp tục rúng động với vụ nổ nhà máy pháo hoa làm thiệt mạng đến 26 người cùng gần 100 người bị thương, mà nhiều người trong số họ sẽ phải chịu đựng di chứng nặng nề suốt đời. Rồi cũng chỉ ít hôm, Hà Nội lại bị bà hỏa hủy diệt khu giải trí Zone 9, phố Lê Thánh Tông làm sáu người thiệt mạng.

Nhiều người, thậm chí cả một số cán bộ phòng cháy chữa cháy, phải thừa nhận gần như đã bất lực trong “cuộc chiến” cháy nổ. Sau mỗi vụ hỏa hoạn, người ta lại mổ xẻ tìm kiếm nguyên nhân. Lực lượng cứu hỏa thì lý lẽ do báo cháy trễ, do phương tiện cứu hỏa không đạt. Người thiệt hại ta thán cảnh sát phòng cháy chữa cháy quá chậm chạp, kém hiệu quả. Rồi một loạt nguyên nhân cụ thể được chỉ mặt như chập điện, thiết bị kém an toàn, sự bất cẩn của con người...

Nhưng có một mấu chốt chính mà cả hai phía đều cùng thừa nhận là khi lực lượng cứu hỏa phải ra tay thì thường đã trễ, quá trễ rồi! Giải pháp phòng cháy chữa cháy căn cơ, hiệu quả nhất là làm sao không phải dùng đến giải pháp cuối cùng, tức cứu hỏa. Khi các vụ cháy nổ cứ nối tiếp nhau xảy ra, người ta có quyền đặt câu hỏi trách nhiệm ở đâu và ai phải chịu trách nhiệm trước thảm kịch này? Các chương trình tuyên truyền, hành động phòng chống cháy nổ tiêu tốn tiền thuế của nhân dân đã làm được những gì?

Ai trả lời câu hỏi trách nhiệm này?

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên